Các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai

08:06, 14/06/2016
Dự trữ hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT). Nhằm bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và nhu yếu phẩm thiết yếu, ứng cứu kịp thời khi bão lụt, lũ lớn gây chia cắt các vùng dân cư, Sở Công thương đã xây dựng và triển khai đến các đơn vị chức năng để thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ công tác PCTT năm 2016, quyết tâm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. 
Kiểm tra thóc dự trữ phòng chống lụt bão tại Cty CP Lương thực miền Bắc (TP Nam Định).
Kiểm tra thóc dự trữ phòng chống lụt bão tại Cty CP Lương thực miền Bắc (TP Nam Định).
Sở Công thương đã lên danh sách các mặt hàng thiết yếu gồm: lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt và khôi phục sản xuất sau bão lũ. Trong đó, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu cung ứng cho nhân dân vùng bị lũ lụt chia cắt bao gồm: mỳ ăn liền, nước uống đóng chai, lương khô...; hàng hoá dự trữ khắc phục hậu quả sau bão lũ, nhóm lương thực, thực phẩm gồm: gạo, muối, dầu ăn, xăng dầu phục vụ sản xuất, tấm lợp các loại và những nhu yếu phẩm khác. Trên cơ sở đó, Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố yêu cầu Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố rà soát nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm PCTT của địa phương để hướng dẫn phương án dự trữ hàng hóa. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp Trung ương và địa phương, đầu mối kinh doanh, các siêu thị trên địa bàn thực hiện các phương án dự trữ hàng hoá, nhu yếu phẩm. Theo đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh, khả năng tài chính và điều kiện cơ sở vật chất xây dựng kế hoạch tập kết, dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn khi bão lũ xảy ra với giá cả bình ổn; nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hoá do thiên tai để tăng giá quá mức nhằm trục lợi. Đồng thời khẩn trương rà soát hệ thống kho chứa hàng hoá, bến bãi, phương tiện vận tải, thiết bị... để kịp thời gia cố, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa trong điều kiện thời tiết bất thuận nhằm giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Theo kế hoạch toàn tỉnh dự trữ 52 nghìn thùng mỳ tôm, 8.500 thùng lương khô, 4.505 tấn gạo, 2.100 thùng nước uống đóng chai, 215 tấn lương thực, thực phẩm, gần 130 nghìn lít xăng, dầu các loại, 3.500 tấm tôn lợp, 2.000 tấm lợp bằng vật liệu khác, 7 tấn đinh vít, 12 tấn dây thép và một số loại hàng hóa khác… Một số doanh nghiệp chủ lực trong công tác dự trữ hàng hóa phục vụ PCTT năm 2016 của tỉnh gồm: Siêu thị BigC, Micom Plaza, Doanh nghiệp Tư nhân Nam Sơn, Cty Kinh doanh nước sạch Nam Định, Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định, Cty CP Lương thực miền Bắc, Cty Mai Phương, Cty Quản lý, kinh doanh chợ, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, Cty Dây lưới thép Nam Định… Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đầu mối đã chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa dự trữ, bảo đảm thời gian dự trữ theo yêu cầu của tỉnh; hoàn tất việc sửa chữa nhà xưởng, kho tàng; củng cố mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cung ứng khi có lụt bão xảy ra và cam kết đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và phương tiện giao hàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố lũ lụt, bão lớn xảy ra trên địa bàn. Các doanh nghiệp cũng cam kết đảm nhận hỗ trợ một phần lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những vùng xảy ra ngập úng nặng. Tại kho hàng của Cty Mai Phương (TP Nam Định), Siêu thị BigC, Micom Plaza đã dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, sữa, bột mỳ, nước mắm, nước uống, dầu ăn, bánh ngọt, thực phẩm khô, đồ đông lạnh và hàng thực phẩm, tiêu dùng khác... cho mùa bão lũ. 3 đơn vị phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất tỉnh cũng đã có kế hoạch tăng cường đội ngũ nhân viên bán hàng và phương tiện vận tải, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa cung ứng cho nhân dân các vùng trong tỉnh. Cùng với các đơn vị lớn kể trên, các doanh nghiệp tại các địa phương trên toàn tỉnh cũng đã chủ động triển khai công tác dự trữ hàng hóa tại chỗ, bảo đảm nguồn hàng cung ứng trong mùa bão lụt. Trong đó, các doanh nghiệp địa phương chiếm khoảng 90% tổng dự trữ hàng hoá, các doanh nghiệp ngoài tỉnh chiếm khoảng 10% tổng dự trữ hàng hoá. Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa dự trữ phục vụ PCTT, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Ban quản lý chợ, Phòng Kinh tế, Phòng Công thương các huyện, thành phố tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống các hành vi lợi dụng bão lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hoá do thiên tai, bão lũ để tự động tăng, ép giá bất hợp lý gây xáo trộn thị trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. 
 
Sự chủ động chuẩn bị hàng hóa vật tư, kho tàng, bến bãi, phương án vận chuyển, phân phối hàng dự trữ của các doanh nghiệp, các địa phương và kế hoạch bình ổn thị trường đảm bảo khi có sự cố thiên tai xảy ra sẽ giúp làm tốt công tác hậu cần phục vụ yêu cầu xử lý thiên tai, hạn chế thiệt hại, sớm ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh cũng như khôi phục sản xuất sau bão./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com