Vụ Bản "cấy" nghề thành công về các xã thuần nông

08:04, 21/04/2016
Là địa bàn trung chuyển giữa trung tâm chính trị - xã hội của toàn tỉnh là Thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản có 18 xã, thị trấn. Ngoài 5 xã có nghề truyền thống như: Vĩnh Hào, Liên Minh, Quang Trung, Trung Thành, Thành Lợi, một số địa phương có vùng đồng màu lớn, canh tác thuận lợi như: Liên Bảo, Kim Thái, Liên Minh, Thành Lợi thì các xã còn lại đều thuần nông, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. 
Sản xuất các loại đồ thờ tại cơ sở mộc của anh Chử Ngọc Hưng, thôn Ngọc Sài, xã Cộng Hòa.
Sản xuất các loại đồ thờ tại cơ sở mộc của anh Chử Ngọc Hưng, thôn Ngọc Sài, xã Cộng Hòa.
Để khắc phục tình trạng đó, trong giai đoạn 2011-2015, huyện Vụ Bản đã thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh; đặc biệt chú trọng khuyến khích “cấy” nghề về những xã khó khăn. UBND huyện tập trung tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất CN-TTCN; đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư; ưu tiên về nguồn vốn vay cho các dự án có tính khả thi được phê duyệt; tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật mặt bằng, lưới điện, giao thông của các địa phương. Phòng Công thương hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường… xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng địa phương. Ngoài ra, UBND huyện và các ngành chức năng đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Từ chủ trương đó, lãnh đạo các xã đã chủ động căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN. Ưu tiên phát triển các ngành nghề theo thế mạnh và phù hợp với từng địa phương như: nghề mây, tre đan và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các xã: Liên Minh, Vĩnh Hào, Hiển Khánh, Tân Khánh, Cộng Hòa; nghề may công nghiệp, thêu ren xuất khẩu ở các xã: Thành Lợi, Minh Thuận, Đại Thắng, Tam Thanh; sản xuất vật liệu xây dựng tại các xã: Minh Thuận, Tân Thành, Liên Bảo,… Qua 5 năm thực hiện quyết liệt chủ trương của huyện, các xã, thị trấn của huyện Vụ Bản đã khai thác tối đa tiềm năng về vị trí địa lý, mặt bằng, cơ chế hỗ trợ (về nguồn vốn ưu đãi, đào tạo nghề, thủ tục hành chính) để phát triển đa dạng ngành nghề CN-TTCN nông thôn. Để phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững, xã Trung Thành đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gồm các nghề: may công nghiệp, móc sợi, đan bẹ chuối, đan cót… Đến nay, xã đã mở gần chục lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 300 lao động nông thôn. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Nhờ chú trọng đào tạo nghề, đến nay đã có 1.600 người làm nghề may công nghiệp ngay tại địa phương hoặc tại KCN Bảo Minh, KCN Hòa Xá, CCN An Xá; trên 150 người làm nghề đan bẹ chuối, đan len, đan cót. Từ năm 2010 trở về trước, sản xuất nông nghiệp chiếm gần 80% cơ cấu kinh tế toàn xã Đại Thắng. Ngoài thời vụ nông nghiệp, phần lớn lao động nông nhàn của xã phải đi làm thuê ở nơi khác. Trước tình hình đó, trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, xã đã chủ trương quy hoạch gọn vùng đất công để thu hút doanh nghiệp đầu tư về địa phương. Với sự hỗ trợ tích cực từ huyện và xã, năm 2010, Cty CP May IV (Tổng Cty Dệt may Nam Định) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng Nhà máy May Đại Thắng, chuyên sản xuất áo giắc-két xuất khẩu với quy mô 7-10 chuyền may. Đến nay, Nhà máy May Đại Thắng đã cơ bản hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 400 lao động, trong đó phần lớn là người địa phương với mức thu nhập bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Cũng tương tự như xã Đại Thắng, sau 5 năm quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ để “cấy” nghề, nhiều xã thuần nông trước đây như: Hiển Khánh, Minh Tân, Cộng Hòa, Tân Thành… đã cơ bản xóa được tình trạng “trắng nghề”. Trong quá trình lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, xã Minh Tân đã quy hoạch gọn vùng đất công để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, đã có 4 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 2 doanh nghiệp may công nghiệp là các Cty: T.B.O Vina (Hàn Quốc); CP May 4 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định); Cty TNHH Đại Vượng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và xưởng sản xuất than sinh học từ phế thải nông nghiệp. Xã Cộng Hòa đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN như: chế biến gỗ, may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan… Toàn xã hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong đó có 2 doanh nghiệp ngành may công nghiệp, 2 doanh nghiệp ngành xây dựng và 1 doanh nghiệp chế biến gỗ. Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đã đóng góp 50% tổng thu nhập của xã, đạt khoảng 55-60 tỷ đồng; trong đó thu nhập từ sản xuất CN-TTCN đạt khoảng 35-40 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 12 cơ sở may công nghiệp quy mô gia đình, trên 200 hộ nhận gia công các sản phẩm tại nhà. Nghề sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ mây tre đan, móc hộp sợi được duy trì và phát triển với 5 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 200 lao động tham gia, bình quân thu nhập đạt 50 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 4 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh VLXD, may công nghiệp… Cty TNHH Toàn Trung, thôn Lời, chuyên sản xuất các loại gạch không nung và kinh doanh VLXD; Cty CP Thành Vinh đầu tư dây chuyền sản xuất gạch, ngói theo công nghệ lò tuy-nen, công suất thiết kế 20 triệu viên/năm tạo việc làm thường xuyên cho hơn 180 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Thành công trong “cấy” nghề về các xã thuần nông đã tạo lực đẩy quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xây dựng NTM của huyện Vụ Bản. Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, đến đầu năm 2016, huyện Vụ Bản đã có 10/18 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM; trong đó có 2 xã “về đích” trong năm 2014 là: Minh Tân, Hiển Khánh; 8 xã hoàn thành trong năm 2015 (trong đó có 4 xã, thị trấn thuộc giai đoạn 2010-2015 là: Trung Thành, Gôi, Liên Minh, Minh Thuận và 4 xã thuộc giai đoạn 2016-2020 là: Quang Trung, Thành Lợi, Kim Thái, Hợp Hưng)./. 
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com