Hiệu quả mô hình điểm "Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm may công nghiệp" tại xã Mỹ Thắng

08:04, 19/04/2016
Xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) có trên 2.500 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã, các ngành nghề truyền thống, đặc biệt là nghề may công nghiệp đã phát triển nhiều năm nay, thu hút tới 40% lao động, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sản phẩm của làng nghề đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả lại phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, việc tiếp thu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, các cơ sở sản xuất mới hoạt động tự phát, chưa có sự liên kết, do vậy hầu hết các hộ đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm may công nghiệp xã Mỹ Thắng tạo việc làm thường xuyên cho trên 25 lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm may công nghiệp xã Mỹ Thắng tạo việc làm thường xuyên cho trên 25 lao động với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Để tạo điều kiện giúp nông dân trong xã chuyển đổi quy mô sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác, tạo điều kiện giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho lao động nông thôn, hạn chế ô nhiễm môi trường, giúp địa phương tiếp tục củng cố, mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã đã tích cực xây dựng kế hoạch, cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật theo hướng hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, năm 2014, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam, HND tỉnh đã xây dựng mô hình điểm “Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm may công nghiệp” tại xã Mỹ Thắng. Khi mới thành lập, tổ hợp tác có 50 hộ chuyên làm nghề may công nghiệp tham gia, được hưởng sự hỗ trợ của Trung ương Hội gồm: 5 máy may công nghiệp, 1 máy là hơi và 2 máy cắt cộng với tài sản do các tổ viên đóng góp như: máy may, máy cắt, máy là, nhà xưởng... đảm bảo cho 50-70 lao động làm việc thường xuyên tại tổ hợp tác cũng như tại các hộ nông dân. Thời gian đầu, hoạt động của tổ hợp tác gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của HND các cấp cùng sự tích cực, chủ động của Ban điều hành tổ và sự cố gắng của các thành viên, tổ hợp tác đã dần dần đi vào hoạt động ổn định. Sau 1 năm hoạt động, mô hình tổ hợp tác đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, tổ đã thu nhận thêm 10 thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, ký kết được nhiều đơn hàng, hợp đồng với các tổ hợp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng, tổ hợp tác nhận và hoàn tất khoảng 3.000 sản phẩm với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Số chị em tranh thủ thời gian nông nhàn để may thêm, thu nhập cũng đạt từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Chị Đặng Thị Nga, ở xóm Nội vào làm ở tổ hợp tác được 1 năm. Chị cho biết trước đây làm ở Cty May D&J, xã Mỹ Hưng nhưng sau khi sinh con nhỏ, áp lực công việc, thời gian nghỉ eo hẹp nên chị đã xin nghỉ hẳn ở Cty và tham gia vào tổ hợp tác. Chị Đặng Thị Nhâm, quê xã Mỹ Hưng cũng làm ở một Cty may tại Thành phố Nam Định, trong thời gian nghỉ sinh con, chị cũng đã tham gia vào tổ hợp tác. Làm tại tổ hợp tác xã Mỹ Thắng, chị em được hỗ trợ về ăn nghỉ, thời gian làm việc chỉ có 8 giờ/ngày. Ngoài thời gian làm việc tại tổ, các chị có thời gian chăm sóc gia đình, con nhỏ, thu nhập vẫn đảm bảo như khi làm việc trong các Cty lớn. Chị Trần Thị Dung, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, từ khi đi vào hoạt động, tổ cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn, nhiều khách hàng đã đến đặt hàng của tổ để chuyển bán buôn cho các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Bình quân, doanh thu của tổ đạt 300 đến 400 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, tổ còn có lãi 30-40 triệu đồng.
 
Đồng chí Trần Ngọc Đoàn, Chủ tịch HND xã cho biết, từ khi tổ hợp tác được thành lập và đi vào hoạt động, việc thu hút hội viên nông dân vào Hội cũng thuận lợi hơn. Nhờ đó các phong trào hoạt động do Hội phát động đều được các hội viên ủng hộ và đạt kết quả cao. Tư duy sản xuất nhỏ lẻ dần dần được thay thế, đến nay các cơ sở sản xuất đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh từ cung ứng nguyên liệu, phụ kiện đến khâu hoàn thiện sản phẩm tạo ra giá trị hàng hoá lớn mang lại hiệu quả thiết thực, tạo mối liên kết giữa các lao động có nhu cầu tìm việc làm và các chủ cơ sở cung cấp các mặt hàng may gia công với số lượng lớn, nhờ đó mà việc làm và thu nhập của các lao động ổn định. Là xã điểm xây dựng NTM của huyện Mỹ Lộc, việc thành lập những mô hình kinh tế hộ được xem là giải pháp hiệu quả để giúp Mỹ Thắng tận dụng thế mạnh của địa phương về đất đai, lao động, tập trung chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển làng nghề truyền thống và tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hoạt động của tổ hợp tác cần rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách của các cấp, các ngành, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com