Nhiều vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới

08:04, 19/04/2016
Ngày 13-4-2011, Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) kinh tế trang trại. Chính sách về trang trại theo tiêu chí mới này nhằm tạo sự chuyển biến, bứt phá trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, đến nay tiến độ cấp GCN kinh tế trang trại theo tiêu chí mới của tỉnh còn rất chậm, không đạt kế hoạch mục tiêu đề ra. Điều này khiến các chủ trang trại khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất.
Trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh Trần Văn Toản, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng).
Trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh Trần Văn Toản, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng).
Theo Thông tư số 27, tiêu chí về kinh tế trang trại được xác định cơ bản trên các yếu tố diện tích và giá trị sản lượng hàng hóa. Theo đó, cá nhân, gia đình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản muốn đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn các điều kiện sau: Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi thuỷ sản, sản xuất tổng hợp diện tích sản xuất cần đạt từ 2,1ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Ý nghĩa lớn nhất của chủ trương cấp GCN trang trại là ở chính sách tín dụng vì theo Nghị định 41 của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” thì đối tượng là chủ trang trại được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản mức tối đa 500 triệu đồng. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, số vốn trên hết sức quan trọng để các trang trại duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất. Xét theo tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT, theo báo cáo của Chi cục PTNT, toàn tỉnh có 674 trang trại đủ điều kiện được cấp GCN trang trại. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 100 trang trại được cấp GCN (61 trang trại chăn nuôi, 23 trang trại thủy sản, 15 trang trại tổng hợp và 1 trang trại trồng trọt) tập trung ở các huyện: Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Ý Yên. Tiến độ cấp GCN trang trại chậm do nhiều nguyên nhân như công tác triển khai của các huyện chưa đồng bộ; khó khăn vướng mắc trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ.  Đáng chú ý, muốn được cấp GCN kinh tế trang trại, tiêu chí bắt buộc phải có GCN quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê đất để sản xuất. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay về quản lý quỹ đất công ích (thời hạn cho thuê đất dưới 5 năm, không cấp GCN quyền sử dụng đất cho người thuê đất) làm cho các chủ trang trại thuê đất công không mạnh dạn đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất. Mặc dù văn bản quy định rõ “hợp đồng thuê đất để sản xuất” cũng là một điều kiện tương đương như GCN quyền sử dụng đất để được cấp GCN trang trại nhưng với các hộ làm trang trại trên đất đấu thầu ở vùng đất công ích lại không được hưởng chính sách này. Vậy văn bản cho người dân đấu thầu phần diện tích đó có được xem tương đương như hợp đồng thuê đất để sản xuất không? Hay người trúng thầu phải có thêm bản hợp đồng khác cho đúng thủ tục? Vấn đề này cần được các cấp, các ngành chức năng làm rõ để quy định của Chính phủ được thực thi đúng, tạo thuận lợi cho người dân. Mặt khác, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ hộ chăn nuôi về quyền và lợi ích khi được cấp GCN kinh tế trang trại còn nhiều hạn chế. Có nhiều chủ trang trại thậm chí còn không biết đến có loại chứng nhận này, dẫn tới việc họ không chủ động làm thủ tục xin cấp. Trang trại tổng hợp của ông Vũ Văn Luân, xã Trực Mỹ (Trực Ninh) nằm ở khu chuyển đổi của xã có quy mô 3ha, mỗi năm doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, lãi 250-300 triệu đồng/năm. Ông Luân cho biết: “Tôi làm trang trại đã 10 năm nay nhưng đến nay chẳng biết đến việc có cấp GCN trang trại. Hằng năm, địa phương chỉ bố trí cán bộ thống kê số lượng trang trại chứ không kiểm tra, thẩm định hay tuyên truyền hướng dẫn nên tôi cũng không biết làm thủ tục xin cấp GCN thế nào”. Bên cạnh đó, có một thực tế đang diễn ra là giá trị của GCN trang trại cũng không được như mong đợi của các chủ trang trại. Theo Thông tư số 27, việc cấp GCN kinh tế trang trại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giao dịch với ngân hàng mà không phải thế chấp tài sản. Tuy nhiên trong điều kiện sản xuất nông nghiệp bấp bênh như hiện nay, khi thẩm định hồ sơ vay vốn, các ngân hàng lại có cách đánh giá riêng để bảo đảm an toàn tín dụng, quy trình thẩm định ngặt nghèo, thời gian thẩm định kéo dài… đôi khi không kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các trang trại. Các ngân hàng thường chọn giải pháp thỏa thuận với các trang trại vay có thế chấp tài sản. Còn theo hình thức tín chấp, các trang trại chỉ được vay với mức thấp. Ông Trần Duy Nhẫn, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) cho biết: “Thủ tục làm việc với các ngân hàng rất khó khăn, kỳ hạn trả nợ sớm. Nếu được cho vay vài chục triệu đồng đối với trang trại có doanh thu hàng tỷ đồng thì chẳng thấm vào đâu. Để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua giống, thức ăn chăn nuôi, chúng tôi đều phải vay của anh em, bạn bè, nếu không thì vay nóng ở ngoài nên cũng không quan tâm tới chứng nhận trang trại”. Cùng với việc không đem lại lợi ích thiết thực, GCN trang trại đồng thời không phải là thủ tục bắt buộc nên một số chủ trang trại khá thờ ơ với việc đăng ký cấp GCN. Thêm vào đó, nhiều nông dân còn e ngại trước các thủ tục, hồ sơ cấp, đổi GCN trang trại mà theo họ là khá phức tạp.
 
Những năm qua, các loại hình kinh tế trang trại của tỉnh đã và đang có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô, trình độ và hiệu quả cao hơn, hiệu quả sử dụng đất cao gấp 5 lần so với sản xuất đại trà, khẳng định vị trí quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Hiện các trang trại sử dụng 2.311ha đất, tạo việc làm ổn định cho 3.317 lao động. Bình quân một trang trại sử dụng 3,4ha đất và 4-5 lao động. Giá trị sản lượng hàng hóa ước đạt 937 tỷ đồng, bằng 204% so với năm 2011; bình quân 1 trang trại đạt 1 tỷ 391 triệu đồng. Giá trị sản xuất bình quân 1ha đất trang trại đạt 407 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân 305 triệu đồng/trang trại… Đồng thời, kinh tế trang trại phát triển còn góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nông dân, chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường. Thông qua phát triển kinh tế trang trại, một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp được hình thành… Theo quy định của Nhà nước, khi được cấp GCN kinh tế trang trại, ngoài chính sách tín dụng, các chủ trang trại còn được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, lao động, khoa học công nghệ, bảo hộ đầu tư..., từ đó tạo động lực cho người sản xuất nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, liên kết và hình thành mô hình sản xuất khép kín. Hơn thế, khi quy mô trang trại lớn hơn, chủ trang trại phải thay đổi nhận thức tự nâng cao năng lực quản lý, điều hành sản xuất để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường. Vì vậy, việc cấp GCN trang trại đối với các trang trại quy mô lớn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ hơn về giá trị của GCN trang trại, các ngành chức năng cần có định hướng cụ thể và phù hợp khi triển khai chính sách tại cơ sở. Đặc biệt là tạo điều kiện, áp dụng đúng những lợi ích mà người làm trang trại được hưởng từ chính sách để họ thấy rõ sự ưu đãi, góp phần đưa loại hình kinh tế trang trại trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực cho các vùng nông thôn./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com