Chủ động thực hiện quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

08:10, 27/10/2015
Lâu nay, khi đồ dùng cũ, hỏng, người dân thường vứt bỏ hoặc bán đồng nát; không ít sản phẩm còn giá trị đã có cơ hội được quay vòng sử dụng sau khi “tân trang” hoặc đưa đi tái chế. Hầu hết các nhà sản xuất chỉ thực hiện thu hồi các sản phẩm bị hỏng còn thời hạn bảo hành do khách hàng đưa đến. Việc thu gom các sản phẩm thải bỏ phần lớn được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân không phải nhà sản xuất, trong đó chủ yếu là đội ngũ những người "đồng nát" len lỏi đến từng hộ dân để thu gom sau đó bán cho các cơ sở tái chế. Theo kết quả điều tra của các ngành chức năng cho thấy, đối với những sản phẩm thải bỏ còn giá trị sử dụng, hiện có nhiều làng nghề tái chế góp phần tận thu, tái sử dụng một lượng lớn các chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, hoạt động thu gom, xử lý thường ở quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công nghệ, thiết bị lạc hậu, quá trình tái chế phát sinh nhiều loại chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ngày 9-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2013/QĐ-TTg quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khi bán ra thị trường cho đến khi được thu hồi, xử lý đáp ứng các quy định về BVMT. Quyết định 50 cũng quy định rõ lộ trình thu hồi sản phẩm thải bỏ đối với các thiết bị như điện thoại di động (ĐTDĐ), máy tính bảng, pin, ắc quy; máy sao chụp giấy, ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, và săm, lốp các loại; các loại phương tiện giao thông như mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại. Trong đó, từ ngày 1-1-2015, bắt đầu triển khai với các thiết bị như ĐTDĐ, máy tính bảng, pin, ắc quy... Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện Quyết định 50 mới chỉ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến công nghệ sản xuất để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ tái chế chứ chưa đạt hiệu quả tích cực trong thực hiện quy định trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ của doanh nghiệp.
Lực lượng quản lý thị trường xử lý, tiêu huỷ sản phẩm hết niên hạn sử dụng.
Lực lượng quản lý thị trường xử lý, tiêu huỷ sản phẩm hết niên hạn sử dụng.
Để giải quyết tình trạng này, ngày 22-5-2015 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg thay thế Quyết định 50. Theo đó, Quyết định 16 áp dụng đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, bắt đầu từ 1-7-2016 sẽ thực hiện thu hồi và xử lý một số loại sản phẩm thải bỏ là: ắc quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại… Đối với các loại phương tiện giao thông thải bỏ sẽ thu hồi và xử lý từ 1-1-2018. Để Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg được thực thi hiệu quả trong đời sống, hiện nay, ngành TN và MT đã phối hợp với các ngành có sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm thu hồi và xử lý tập trung tuyên truyền để các doanh nghiệp, các cơ sở phân phối và người tiêu dùng sản phẩm nắm rõ các quy định về trách nhiệm của mình. Cụ thể: nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình... Đồng thời, tổ chức xử lý sản phẩm đã thu hồi theo quy định về quản lý chất thải. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ... Cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định... Bộ TN và MT có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định này và quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ và vận chuyển sản phẩm thải bỏ; tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện. Thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; công bố danh sách các điểm thu hồi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường theo quy định. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ…
 
Hiện tại UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Nghiên cứu ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT. Sở TN và MT tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, UBND các huyện, thành phố vận động các doanh nghiệp cam kết thực hiện việc thu hồi sản phẩm thải bỏ, trong đó xác định và ghi rõ mục tiêu về tỷ lệ sản phẩm thu hồi/sản phẩm bán ra; hỗ trợ tư vấn về các thủ tục hành chính cần thiết cho các doanh nghiệp trong việc tổ chức điểm thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật về BVMT./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com