Đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu để chủ động sản xuất

08:10, 27/10/2015

Việc nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc từ lâu đã trở thành bài toán nan giải không chỉ của các doanh nghiệp tỉnh ta mà là vấn đề chung trên toàn quốc. Thực trạng này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm đa dạng hoá nguồn nguyên liệu để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất của mình, nhất là khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn.

Trên danh mục quan hệ thương mại hiện nay, Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong tỉnh ở tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp như: dệt may, chế biến nhựa; cơ khí chế tạo; cây, con giống đến phân bón, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu sản xuất nông sản thực phẩm sau chế biến… Giá trị các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã gia tăng với cấp số nhân qua các năm khiến cho các doanh nghiệp càng hội nhập sâu vào sản xuất toàn cầu càng bị phụ thuộc vào thị trường này. Theo số liệu thống kê của Sở Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh đạt 109 nghìn USD thì có tới trên 40 nghìn USD giá trị hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó ngành dệt may chiếm 35% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh với 226 doanh nghiệp, gần 6.000 cơ sở sản xuất, hằng năm sản xuất trung bình 54,8 nghìn tấn sợi, 73 triệu mét vải, quần áo các loại 147,9 triệu chiếc, 18,2 nghìn tấn khăn các loại… Tương ứng với lượng hàng hoá thành phẩm đó là lượng nguyên phụ liệu các loại phục vụ sản xuất gấp từ 1,5-2 lần. Trong đó các doanh nghiệp dệt may mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn 70% phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu và có tới hơn 90% trong số nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc. Đây chính là điểm yếu trong chuỗi cung ứng hàng dệt may của các doanh nghiệp trong tỉnh bởi mọi “trục trặc” dù nhỏ liên quan đến nguồn cung nguyên, phụ liệu đều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dệt may. Nguyên nhân của tình trạng trên gồm nhiều yếu tố như: giá rẻ; hình thức, mẫu mã đa dạng, thủ tục giao dịch thuận tiện và có lợi thế hơn rất nhiều về phí và vận chuyển so với hàng hóa của các nước khác, đặc biệt nhập qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó công nghiệp phụ trợ, năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước yếu hơn, thậm chí nhiều loại sản phẩm trong nước chưa thể sản xuất được. Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan do một số đối tác khi đặt hàng yêu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc để hạ giá thành sản phẩm… Những nguyên nhân này khiến cho nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ta.

Sản xuất tại Nhà máy Sợi (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định).
Sản xuất tại Nhà máy Sợi (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định).

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hoá nguồn nguyên liệu sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập từ thị trường này như: tổ chức phổ biến các FTA, kết nối với Đại sứ quán các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức các buổi hội thảo, tham quan cho các doanh nghiệp trong tỉnh tìm hiểu tiềm năng, kết nối giao thương. Chỉ rõ những thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp trong tỉnh có thể hợp tác để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu như Thái Lan, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Ma-lai-xi-a… Ban hành những chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất nguyên phụ liệu. Trong đó ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí chế tạo, dệt may, chế biến nông sản… Đồng thời định hướng cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo hướng lựa chọn công nghệ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao sản xuất nguyên phụ liệu… Đặc biệt, tỉnh tập trung chỉ đạo và đôn đốc triển khai thực hiện dự án xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông với định hướng phát triển KCN kiểu mẫu, khép kín chu trình sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm đến hoàn tất sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay. Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trong tỉnh khuyến cáo chủ động tìm các thị trường cung cấp nguyên, phụ liệu khác để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường Trung Quốc.

Nhờ có các biện pháp đồng bộ từ công tác chỉ đạo, định hướng đến các hoạt động hỗ trợ thiết thực của tỉnh và các ngành chức năng đã giúp các doanh nghiệp ý thức rõ hơn về sự cấp bách phải đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu. Một số doanh nghiệp trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng sản xuất nguyên phụ liệu; thay đổi mặt hàng với nguyên liệu phù hợp, tìm nguồn cung nguyên liệu mới và thay đổi phương thức sản xuất từ gia công sản phẩm cho khách hàng nước ngoài sang phương thức “mua đứt, bán đoạn” và tiến tới sản xuất trọn gói, tự thiết kế để chào hàng khách nước ngoài. Đẩy mạnh nội địa hóa nguyên, phụ liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Tổng Cty CP Dệt may Nam Định là một trong những đơn vị đi đầu trong khép kín các khâu sản xuất từ kéo sợi, dệt vải, nhuộm đến thiết kế, cắt may hoàn thiện sản phẩm. Để có được thành công này, thời gian qua Tổng Cty đã tập trung hoàn thiện 3 mũi nhọn chiến lược gồm: hệ thống quản trị theo mô hình quản lý toàn diện, nhất quán, phát huy tối đa sự đóng góp của các thành viên theo mô hình tập đoàn; đầu tư máy móc, hoàn thiện quy trình dệt, may, tự sản xuất nguyên liệu, khắc phục tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát huy thương hiệu và tập trung sắp xếp nguồn nhân lực, thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2014, Tổng Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện dự án đầu tư mới 10 máy kéo sợi; đầu tư dây chuyền sản xuất ống giấy tự động công suất 1 triệu ống/tháng; lắp mới lò hơi công suất nhỏ tại các Cty thành viên cho phù hợp với điều kiện sản xuất; tăng cường công tác quản lý quy trình dây chuyền sợi - dệt - nhuộm. Đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới. Đến nay ngoài sản xuất các nhóm hàng sợi như: 100% cô-tông, 100% PE, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R có chi số từ Ne 7 đến Ne 60, Tổng Cty còn sản xuất được một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao như các loại vải: co giãn, ka ki, 100% cô-tông, 100% Visco, T/C, C.V.C, T/R Filament… tẩy trắng, nhuộm màu, in hoa, ca-rô…; các loại khăn ăn, khăn bông dệt từ sợi xe, sợi đơn và hàng may mặc cho mọi lứa tuổi, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng như cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp dệt, may trong nước. Từng nhóm hàng của Tổng Cty đã chinh phục khách hàng tại các thị trường như: nhóm hàng may mặc được các nước Đông Âu, Nhật Bản, Mỹ rất ưa chuộng; nhóm sản phẩm khăn được khách hàng Nhật Bản, Mỹ và Ca-na-đa lựa chọn. Hiện tại ngoài việc giữ vững bạn hàng xuất khẩu truyền thống, Tổng Cty đã đàm phán thành công với các đối tác tại Trung Đông và khôi phục thị trường các nước Đông Âu và Ấn Độ… để cung ứng mặt hàng sợi với số lượng lớn.  Cùng thực hiện chiến lược sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất còn có Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Thuý Đạt đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bông và đầu tư công nghệ sản xuất sợi thô phục vụ sản xuất và xuất bán sợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp này còn nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa thật hoàn hảo nên mới chỉ phục vụ sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu đơn giản hoặc các chi tiết phụ như khăn bông các loại, trang phục bảo hộ lao động… Khối các doanh nghiệp cơ khí cũng đã tổ chức sản xuất thiết bị phụ trợ để giảm phụ thuộc nguồn hàng Trung Quốc. Một số doanh nghiệp ở Thành phố Nam Định; các huyện Nam Trực, Trực Ninh thu mua sắt thép vụn tự tổ chức sản xuất phôi thép, chi tiết máy công nghiệp áp dụng công nghệ cao cung ứng cho các xưởng sản xuất cơ khí trong và ngoài tỉnh, tránh phụ thuộc quá nhiều vào lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây. Khối các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã phần nào chủ động được một phần các khâu sản xuất giống lúa, giống thuỷ hải sản, sản xuất vật tư nông nghiệp và chuyển dần sang mua hạt giống hoa màu, cây vụ đông, phân bón, chế phẩm sinh học ở các thị trường Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Ít-xra-en, Bỉ, Đức, Hà Lan…

Để tiếp tục hạn chế nhập siêu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc, bên cạnh biện pháp hoàn thiện thị trường trong nước, nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, các ngành chức năng cần tiếp tục siết chặt hoạt động kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Sử dụng hàng rào kỹ thuật thương mại để tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ thị trường này để phòng ngừa các loại hàng hóa cạnh tranh bằng giá rẻ; kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sản xuất từ các nước khác. Mặt khác, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa ngoại nhập trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com