Tiếp nối những vụ mùa thắng lợi

08:10, 26/10/2015
Từ đầu tháng 10 đến nay, trên các đồng lúa đã chín vàng của xã Bình Minh (Nam Trực), không khí thu hoạch lúa mùa của bà con nông dân rất khẩn trương và nhộn nhịp. Đang chuyển những bao thóc vừa thu hoạch lên đường, bà Phạm Thị Hường cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi cấy 5 sào, chủ yếu là các giống lúa chất lượng cao. Mặc dù lúa trỗ đúng vào giai đoạn thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật hướng dẫn nên lúa sinh trưởng và phát triển tốt, do vậy năng suất vẫn tương đương năm trước. Ước tính trung bình đạt trên 1,5 tạ/sào. Để thu hoạch nhanh gọn những diện tích lúa mùa đã chín, bà Hường cũng như nông dân ở đây đã chủ trương dùng cơ giới hóa, thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch. Chỉ trong nửa buổi sáng, gia đình bà Hường đã gặt hết toàn bộ 5 sào ruộng. Đang thu hoạch lúa ở cánh đồng bên cạnh, ông Nguyễn Văn Chiến góp chuyện: Năm nay, tình hình sâu bệnh có diễn biến phức tạp, đặc biệt sâu đục thân phát sinh gây hại, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bà con nông dân, lúa mùa vẫn cho năng suất khá. 
 
Hiện nay, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đang tranh thủ thời tiết nắng ráo tập trung thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời chủ động gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy bận rộn, nhưng khắp những cánh đồng tràn ngập niềm vui tiếp tục được mùa. Tính đến hết ngày 19-10-2015, toàn tỉnh đã thu hoạch được 44.140ha lúa mùa, đạt 56% tổng diện tích; năng suất dự kiến đạt 52-53 tạ/ha, tương đương với vụ mùa 2014. Năm nay, tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, rút ngắn thời gian khâu làm đất, khâu thu hoạch nên thời gian chuyển vụ giữa vụ xuân và vụ mùa dài hơn những năm gần đây, do vậy việc tổ chức sản xuất vụ mùa đảm bảo khung thời vụ tốt nhất. Nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, nhiều mô hình và cách làm hay, hiệu quả đã được khẳng định trong thực tiễn sản xuất những năm qua được nhân rộng trong vụ mùa này. Toàn tỉnh có gần 13 nghìn ha áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo sạ nên 78.303ha gieo cấy lúa vụ mùa của tỉnh được cấy xong cơ bản trong tháng 7. Các địa phương đã tập trung mở rộng tối đa diện tích trà mùa trung sớm để có điều kiện phát triển vụ đông nên tỷ lệ lúa mùa sớm và mùa trung chiếm 93% tổng diện tích gieo cấy; còn lại là lúa mùa muộn và lúa đặc sản. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Bước vào vụ sản xuất, ngành NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống và thời vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày; có năng suất, chất lượng khá, ít nhiễm bệnh bạc lá, khả năng chịu úng, chống đổ khá như: M1-NĐ, BC15, Hương biển 3, Nếp 87, Nếp 97, BT7 kháng bạc lá… Sở NN và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện hiệu quả công tác rút nước lộ ruộng; đồng thời chỉ đạo điều chỉnh kỹ thuật bón phân, dùng phân NPK thay thế cho phân đơn, giảm lượng đạm, nhờ vậy đã hạn chế được bệnh bạc lá. Diện tích lúa bị bệnh bạc lá giảm rất nhiều so với các vụ mùa trước, không còn những diện tích nhiễm bệnh nặng làm giảm sâu năng suất chỉ 30-40kg/sào; đặc biệt là tại các xã Minh Tân (Vụ Bản), Liêm Hải (Trực Ninh) và một số chân ruộng trũng những năm trước thường nhiễm nặng bệnh bạc lá thì năm nay giàn lúa bảo đảm sạch bệnh. Nhìn chung từ đầu vụ đến giữa vụ thời tiết diễn biến thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên thời điểm lúa mùa trỗ rộ bị ảnh hưởng mưa lớn làm tăng tỷ lệ lép hạt và gây bệnh lem lép hạt với tỷ lệ thấp ở các giống BC15, Thiên ưu 8. Do vụ mùa năm nay thời tiết nắng nóng và khô hạn, nền nhiệt độ trung bình các tháng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-0,8 oC nên bướm đục thân 2 chấm lứa 5 đã vũ hóa rộ sớm; từ ngày 5 đến 20-9, mật độ bướm, trứng cao hơn nhiều so với mọi năm. Sâu non nở rộ và gây hại trùng vào thời điểm lúa mùa trung đại trà trỗ bông, đây là điểm khác biệt so với quy luật nhiều năm (thông thường phải trừ sâu đục thân cho trà lúa trỗ bông sau ngày 15-9 đối với các huyện phía bắc, sau 20-9 với các huyện phía nam tỉnh). Diện tích lúa mùa bị nhiễm sâu đục thân lứa 5 cần trừ là 40.988ha, bằng 52,3% tổng diện tích lúa. Trong khi nhận thức và kinh nghiệm phòng trừ sâu đục thân của một số hộ nông dân còn hạn chế, nhất là trong vòng 7-8 năm gần đây sâu đục thân mới phát sinh, gây hại nặng trên trà lúa mùa trung đại trà; thời điểm phun trừ sâu đục thân rất nghiêm ngặt nhưng lại trùng với thời tiết nhiều ngày có mưa nên công tác phun trừ gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình sâu đục thân nặng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT, các địa phương tổ chức triển khai phòng trừ sâu đục thân quyết liệt, kịp thời. Sở NN và PTNT cùng với các huyện, thành phố thường xuyên thị sát tận cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế để đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn; cùng với sự tích cực của các hộ nông dân nên toàn tỉnh đã phun thuốc diệt trừ được 100% diện tích cần phòng trừ. Do vậy, trà lúa trỗ trước ngày 5-9 an toàn, lúa mùa trung đại trà được phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng” đảm bảo hiệu quả cao.
Thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng xã Bình Minh (Nam Trực).
Thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng xã Bình Minh (Nam Trực).
Vụ mùa năm 2015, tỉnh ta triển khai sản xuất thử giống lúa M1-NĐ với quy mô trên 1.000ha ở tất cả các huyện nhằm từng bước thay thế dần những giống có năng suất, chất lượng và tính chống chịu kém… Theo đánh giá, giống lúa thuần chất lượng M1-NĐ thể hiện được nhiều đặc tính tốt như: thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh bạc lá, rầy nâu; tiềm năng năng suất cao, hình thức hạt gạo đẹp; có độ thuần đồng ruộng cao phù hợp với đồng đất Nam Định và thích hợp cho vụ mùa. Năng suất thực thu đạt 64,8 tạ/ha, cao hơn so với giống Khang dân 18 đối chứng từ 10-12%. Đặc biệt chất lượng cơm của gạo M1-NĐ rất ngon, rất hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Qua mô hình trình diễn và sản xuất thử tại các huyện, giống lúa M1-NĐ được bà con nông dân chấp nhận. Đây là cơ sở để xem xét, bổ sung giống lúa thuần chất lượng cao M1-NĐ vào cơ cấu giống vụ mùa của tỉnh giúp bà con nông dân có thêm giống lúa tốt mới. Với giống lúa Hương Biển 3, đây là vụ đầu tiên được đưa vào cơ cấu giống sản xuất đại trà của tỉnh; được thâm canh tập trung ở các huyện phía nam tỉnh với diện tích 500ha, trong đó một số địa phương gieo cấy trên 40ha như: xã Giao Hải (Giao Thủy), xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Ngay ở vụ đầu tiên, Hương Biển 3 đã thể hiện nhiều ưu điểm là giống chịu thâm canh, chống đổ rất tốt, nhiễm nhẹ các loại bệnh trong vụ mùa, chất lượng gạo khá, năng suất bình quân đạt 65-70 tạ/ha, cao hơn giống lúa BC15 từ 6,3-13,5%, được nhiều hộ nông dân tin tưởng. Ở vụ mùa này, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tiếp tục trình diễn giống lúa Hương Biển 5 với quy mô 2ha tại xã Giao Tiến (Giao Thủy) và Minh Tân (Vụ Bản); năng suất lúa bình quân đạt 50-60,8 tạ/ha, cao hơn giống BT7 đối chứng 23-25,9%, là giống có triển vọng đưa vào sản xuất vụ mùa.
 
Có thể nói, vụ mùa 2015 là một vụ sản xuất thành công, tuy nhiên công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất ở một số địa phương còn tồn tại hạn chế, yếu kém. Cá biệt còn có địa phương chưa tuân thủ theo chỉ đạo của UBND tỉnh và quy trình kỹ thuật thâm canh theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, điển hình là xã Yên Trị (Ý Yên). Xã vẫn thực hiện gieo sạ muộn vào ngày 25-7, chậm 15 ngày so với hướng dẫn. Đến ngày 5-8, gặp trận mưa lớn, cộng với việc thực hiện gieo sạ ở vùng đất trũng, công tác tiêu thoát nước không bảo đảm nên một số diện tích lúa của xã bị ngập, dẫn tới năng suất thấp. Bên cạnh đó, số mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân, HTXDVNN và doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế; một số mô hình liên kết hiệu quả chưa cao. Phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nhiều HTXDVNN chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn lại những thành công, thiếu sót để rút ra những bài học kinh nghiệm, có giải pháp về chỉ đạo, điều hành, tổ chức sản xuất khắc phục ở những vụ tiếp theo, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, bền vững./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com