Khắc phục những bất cập trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

07:04, 02/04/2015

Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH) lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định do quy định phân công trách nhiệm kiểm soát hàng hóa của các ngành chức năng còn bất cập, chồng chéo, chậm ban hành hướng dẫn cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật nên khó khăn cho việc quản lý. Trên địa bàn tỉnh, các phòng thử nghiệm thiếu các thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng SPHH phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra một số nhóm hàng hóa như lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, hàng nông, lâm, hải sản…, dẫn đến hiện tượng một số nhóm hàng hóa được nhiều cơ quan chức năng cùng kiểm tra với tần suất cao nhưng ngược lại cũng có nhiều mặt hàng hầu như không được kiểm soát nên ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một nhóm ngành hàng.

Lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Nam Định lấy mẫu hàng hóa vi phạm pháp luật gửi giám định tại các cơ quan chức năng.
Lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Nam Định lấy mẫu hàng hóa vi phạm pháp luật gửi giám định tại các cơ quan chức năng.

Trong năm 2014, các ngành chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 14 nghìn lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh SPHH trên địa bàn tỉnh theo nhóm sản phẩm được phân công trách nhiệm quản lý. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 3.949 cơ sở (chiếm 26,3% cơ sở được kiểm tra) vi phạm các quy định về đo lường và chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, VSATTP… Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo và phạt tiền 2.877 triệu đồng, tạm giữ và tiêu hủy trên 60 loại SPHH không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, số hàng hóa được kiểm tra, tiêu hủy tập trung ở các nhóm hàng công nghệ phẩm, dược phẩm, nông, lâm, hải sản, mũ bảo hiểm, xăng dầu, hóa chất, rượu, bia, vật tư nông nghiệp…; còn các nhóm hàng hóa như: Chất tẩy rửa gia dụng, đồ gỗ công nghiệp, đồ gia dụng, nhựa, cao su, hàng dệt may, giày da, thuỷ tinh, gốm sứ, sơn, bột bả tường… thì hầu như không thấy báo cáo kế hoạch kiểm tra chuyên đề cũng như kết quả SPHH vi phạm chất lượng. Trong đó, nhóm hàng hóa là vật tư nông nghiệp, hàng công nghệ phẩm, mũ bảo hiểm được các ngành chức năng như Sở KH và CN, Sở NN và PTNT, Sở Công thương và các huyện, thành phố cùng kiểm tra. Bên cạnh đó, nhóm hàng dệt may, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra điều kiện kinh doanh của cơ sở mà không nhắc đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, điều kiện sử dụng và những cảnh báo tiêu dùng nếu có, trong khi trên các trang thông tin của Bộ KH và CN luôn có cảnh báo phát hiện những hóa chất độc hại cho người sử dụng trong những sản phẩm dệt may có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và tình trạng sản phẩm dệt may nhiễm vi sinh vật gây bệnh ngoài da, viêm nhiễm đường hô hấp do cách bảo quản, lưu kho không đảm bảo an toàn. Đối với nhóm hàng nhựa gia dụng, công việc kiểm soát của lực lượng thanh tra KH và CN cũng chỉ có chức năng kiểm soát đến đồ chơi trẻ em, còn những sản phẩm khác lại không được quyền. Do đó, hiện tượng đồ gia dụng như cốc, thìa, dĩa, xô, chậu, cặp lồng, hộp đựng thực phẩm được sản xuất bằng nhự tái chế, nhựa kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng vẫn lưu hành trên thị trường. Đối với nhóm hàng đồ gỗ công nghiệp, gia dụng, hiện trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhiều làng nghề nổi tiếng như La Xuyên (Ý Yên), Mộc Kênh (Trực Ninh), Hải Minh (Hải Hậu)… và hàng chục đại lý cung ứng sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng như Hòa Phát, Xuân Hòa... nhưng hầu hết người tiêu dùng chỉ được cung cấp thông tin về giá cả, xuất xứ hàng hóa và cam đoan sản phẩm chất lượng tốt bằng miệng mà không có văn bản chứng minh về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, xuất xứ nguồn nguyên liệu, giá cả. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với các mặt hàng gốm sứ, thủy tinh, cao su, giấy, sơn, bột bả tường... Chị Trần Thị Hoa, nhân viên bán hàng thủy tinh, gốm sứ tại chợ Mỹ Tho cho biết: Tôi bán mặt hàng này từ lâu năm rồi nhưng không hề thấy có cơ quan chức năng kiểm tra hoặc lấy mẫu sản phẩm đi thử nghiệm; chỉ có Ban quản lý chợ nhắc nhở việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường…    

Để làm tốt công tác quản lý chất lượng SPHH, tránh để "khoảng trống" quản lý trong các nhóm hàng lưu thông trên thị trường, các ngành chức năng cần hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật về công tác quản lý chất lượng SPHH theo sự phân công. Bộ KH và CN cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đầu mối quản lý chất lượng SPHH tại địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác quản lý chất lượng; đặc biệt với các lớp đào tạo kiểm soát viên chất lượng, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về chất lượng SPHH. Đầu tư tiềm lực cho các phòng thử nghiệm để hình thành tổ chức đánh giá sự phù hợp cho một số SPHH phục vụ cho công tác kiểm tra, giám định chất lượng hàng hóa từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về chất lượng SPHH cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cảnh báo chất lượng đối với các loại SPHH có liên quan đến an toàn sức khoẻ và môi trường để người tiêu dùng được biết trước khi quyết định mua sắm, sử dụng. Tăng cường phối hợp liên ngành trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa; kiểm tra lấy mẫu đánh giá chất lượng đối với các loại SPHH sau khi đã thực hiện công bố tiêu chuẩn, công bố phù hợp quy chuẩn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com