Tăng cường quản lý đất đai sau dồn điền, đổi thửa

07:07, 03/07/2014

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TU, ngày 19-1-2011 của Ban TVTU, trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp. Việc hoàn thành công tác DĐĐT đã giúp các địa phương dồn gọn quỹ đất công để thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, vận động các hộ gia đình, cá nhân đồng tình góp một phần diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để tạo quỹ đất chỉnh trang, mở rộng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng thành công các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với quy mô 30ha/cánh đồng trở lên, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cho năng suất, chất lượng nông sản cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường… Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương làm tốt công tác DĐĐT, đạt được các mục tiêu đặt ra, thì ở một số nơi lại tồn tại những hạn chế, bất cập cần tháo gỡ, giải quyết. Ở một số xã thực hiện dồn đổi chưa quyết liệt nên chưa đạt yêu cầu giảm số thửa/hộ, số thửa bình quân của 1 hộ sau dồn đổi vẫn nhiều hơn 2 thửa, như: Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) 4,3 thửa/hộ, các xã Tân Thịnh, Nam Hùng (Nam Trực) 4 thửa/hộ, xã Đại An (Vụ Bản) 3,27 thửa/hộ… Tuy bước đầu đã tạo ra khá nhiều cánh đồng mẫu lớn nhưng số cánh đồng mẫu lớn có quy mô diện tích từ 50ha trở lên còn hạn chế. Vẫn có xã, thị trấn chưa dồn diện tích quỹ đất công thành vùng tập trung mà để rải rác, manh mún như các xã Hải Giang, Hải Xuân (Hải Hậu), Giao Hà, Giao Thịnh (Giao Thủy), Xuân Phương, Xuân Thượng (Xuân Trường), Yên Minh (Ý Yên), Mỹ Hà, Mỹ Thuận (Mỹ Lộc)… Quỹ đất dự trữ cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục đích công cộng, phần lớn các xã mới đảm bảo gọn vùng mà chưa theo quy hoạch. Một số địa phương khi triển khai do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, còn nóng vội, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân nên khi tiến hành DĐĐT đã phát sinh đơn thư khiếu kiện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến việc giao đất thực địa đã không diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch DĐĐT. Theo báo cáo của Sở TN và MT, đến ngày 16-6-2014, tại 3.009 thôn, đội của 200 xã, thị trấn thực hiện DĐĐT vẫn còn 93 thôn, đội chưa hoàn tất việc giao đất ngoài thực địa. Trong đó, huyện Xuân Trường còn 5 thôn, đội chưa hoàn thành ở các xã: Xuân Châu, Thọ Nghiệp, Thị trấn Xuân Trường; huyện Trực Ninh còn 10 thôn, đội chưa hoàn thành gồm: Việt Hùng 2, Liêm Hải 2, Phương Định 1, Thị trấn Cát Thành 2, Trực Đạo 3; huyện Nam Trực còn 35 thôn, đội chưa hoàn thành, bao gồm: Thị trấn Nam Giang 16, Nam Cường 1, Nghĩa An 10, Hồng Quang 8; huyện Vụ Bản còn 1 thôn ở xã Quang Trung chưa hoàn thành; huyện Ý Yên còn 19 thôn, đội chưa hoàn thành ở các xã: Yên Thọ, Yên Dương, Yên Lợi, Yên Tiến, Yên Mỹ, Yên Thắng, Yên Xá; huyện Mỹ Lộc có 23 thôn, đội chưa hoàn thành gồm Mỹ Thắng 2, Mỹ Hưng 8, Mỹ Phúc 8 và Thị trấn Mỹ Lộc 5.

Dồn điền, đổi thửa giúp người dân Thị trấn Lâm (Ý Yên) xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Dồn điền, đổi thửa giúp người dân Thị trấn Lâm (Ý Yên) xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Cá biệt ở một số nơi, UBND xã, các thôn, đội khi DĐĐT có vận động nhân dân góp đất, dồn đổi vào nơi có vị trí sinh lợi cao nhưng không tổ chức sản xuất, khai thác đúng mục đích sử dụng mà đã bán thu tiền để kiến thiết công trình hạ tầng của địa phương. Việc chỉnh lý hồ sơ địa chính sau DĐĐT chưa kịp thời dẫn đến tình trạng bản đồ, hồ sơ địa chính sai lệch so với thực địa; nếu không kịp thời đo đạc, chỉnh lý và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ khó khăn cho công tác quản lý và việc thực thi các quyền luật định của người sử dụng đất, nếu xảy ra tranh chấp sẽ phức tạp, khó giải quyết.

Để tháo gỡ những bất cập, tồn tại trên, các sở, ngành liên quan đã thống nhất đề xuất các phương án giải quyết cụ thể tham mưu với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo. Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp; phân công lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác DĐĐT ở từng xã, thị trấn chưa hoàn thành; thường xuyên tiến hành giao ban, kiểm điểm tiến độ thực hiện và giải quyết kịp thời các vướng mắc. Các xã, thị trấn tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ đất công theo đúng quy định của Luật Đất đai, kiên quyết không giao cho thôn, đội, HTX quản lý quỹ đất công. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc giao ruộng thực địa. Riêng đối với các địa phương có vướng mắc về khiếu kiện, vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất, huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo rà soát, làm rõ nguyên nhân và đưa ra phương án giải quyết phù hợp với thực tiễn. Đối với các địa phương đã hoàn thành giao đất tại thực địa, tập trung thu thập phiếu thửa, kiểm tra tại thực địa để lập, phê duyệt đề án chỉnh lý, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT, hoàn thiện điều chỉnh hồ sơ địa chính; phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc đo đạc, chỉnh lý, lập hồ sơ địa chính, cấp đổi xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com