Nghề nón lá Xuân Bắc

07:06, 27/06/2014

Trưa tháng 6 nắng rực rỡ, trong mùi thơm ngai ngái của lúa, của rơm mới, vừa liếc đuổi đàn gà đang tranh nhau mổ những đống thóc vàng đổ tràn dưới sân, bà Lê Thị Hào, xóm 8, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) kể cho chúng tôi nghe về nghề làm nón lá của quê hương. Bà kể: "Từ khi còn bé, chị em tôi chăm chỉ theo bố mẹ, ông bà học làm nón. Học cả đời mà đến giờ cũng chỉ làm được từ 1-2 cái nón/ngày đủ để thấy cái nghề ông cha đòi hỏi “kỹ” và kỳ công đến mức nào”.

Người Xuân Bắc bây giờ, kể cả các cụ cao niên trong làng, trong xã không ai còn nhớ, nghề làm nón có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ, ngay từ khi còn bé đã biết giáp vòng, xâu nhôi và bảo quản nón rất thành thục. Vào lúc nông nhàn, cứ 2, 3 nhà, chị em lại tập trung với nhau. Từ các bác, các chị phải đeo kính, tựa cột, đến các em học sinh tuổi 15, 17, họ vui vẻ trò chuyện trong tiếng thì thụp của mũi kim chằm nón. Cái nhanh nhẹn, đều đặn của tay, sự tinh tế của mắt và cái tâm người làm nghề đã tạo nên những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt. Hình dáng cân đối, màu sắc hài hòa, đường kim mũi chỉ mịn màng. Do vậy, nón lá Xuân Bắc được chị em khắp nơi ưa chuộng. Sản phẩm làng nghề được phân phối khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Thậm chí, “món quà quê” này còn được “xuất ngoại”, làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp và trở thành “đặc sản” của người Xuân Bắc. Đến nay, nghề làm nón lá nơi đây vẫn là nghề thủ công làm hoàn toàn bằng tay. Do vậy, không phải ai cũng đủ kiên trì để học và theo đuổi nghề. Nghề làm nón không khó, chỉ cần tinh mắt và kiên nhẫn một chút là có thể làm được. Tuy nhiên, muốn làm ra một sản phẩm đẹp, người làm phải thật sự yêu nghề, khéo léo và cẩn thận ở từng công đoạn. Để hoàn thành chiếc nón, người làm nghề phải kỳ công trải qua rất nhiều công đoạn: làm lá, giáp vòng, lên mến, khâu, tế kèm với nức, xâu nhôi và cuối cùng là quang dầu. Công đoạn nào cũng quan trọng cần sự khéo léo, tỉ mẩn và kiên nhẫn tuyệt đối.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Để có nguyên liệu, người làng nghề nhập lá nón từ Vinh về. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của nắng gió miền Trung, song dường như lá nón nơi đây dai và bền hơn so với những loại lá nón được trồng ở nơi khác. Lá nón mua về lúc còn xanh phải bỏ vào vò, chà xát lẫn với cát để lá xòe mỏng và hết nhựa. Đem phơi lá cho đến khi có độ trắng bạc rồi lại đem vào lò sấy lưu huỳnh. Như vậy, lá sẽ có độ trắng đẹp và không bị mốc khi gặp trời mưa. Sau đó, đặt từng chiếc lá trên lưỡi cày nung nóng; đưa xuống, dùng giẻ vuốt đều trên mặt làm cho lá thanh, phẳng. Đến đây, công đoạn làm lá mới hoàn thành. Lá đạt yêu cầu phải đảm bảo đều màu, mỏng, thanh và không được cháy. Khâu làm lá vô cùng quan trọng quyết định đến 30% thành công của sản phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để làm tốt được khâu này. Phải rất yêu nghề, gắn bó một thời gian khá dài đến độ chín, người làm nghề mới có thể lấy kinh nghiệm mà dùng mắt đo “độ chuẩn”, độ “đạt” của lá nón. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, bà Hào vừa nhẫn nại với từng đường kim, mũi chỉ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng đôi bàn tay của bà vẫn khéo léo luồn mũi kim lên xuống đều đặn đi từ đỉnh nón theo các vòng xuống vành ngoài cùng. Trước khi khâu, người làm nghề cần dùng cước buộc lại để “phần thịt” nón ôm chặt lấy “khung xương” cho chắc chắn, đỡ bị xê dịch. Đặc biệt, người khéo tay khi khâu nón phải có tài khâu lấn chỉ và khéo léo giấu những nốt nối vào trong lòng chiếc nón, như vậy, những đường chỉ sẽ mịn, đều. Quả thật, chiếc nón tuy nhỏ nhưng lượng mũi kim nhiều không đếm hết. Người làm nghề ước chừng, nó phải lên tới con số hàng trăm, hàng nghìn mũi. Nếu không kiên trì và tỉ mẩn, người làm nón sẽ không thể nào cho ra được sản phẩm đẹp và ưng ý.
Sản phẩm nón làng nghề Xuân Bắc gồm hai loại: nón trơn và nón bóng trang trí. Nón bóng được trang trí thêm những họa tiết hoa văn cho đẹp mắt. Trên nền trắng của lá nón vô sắc, người làm nghề thường trang trí những gam màu nóng rực rỡ của những bông hoa làm cho chiếc nón lá trở nên sinh động và phong phú hơn. Tuy nhiên, hình dáng nón trơn hay bóng không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Dù là dáng nào, người làm nghề cũng xâu nhôi hai bên nón để đeo quai. Chiếc quai vừa để giữ chiếc nón, vừa để điểm tô cho người đội thêm duyên dáng, thêm sang trọng và quý phái. Trước khi đưa nón lá ra thị trường, người làm nghề thường quang một lớp dầu và đem ra phơi nắng vài giờ đồng hồ để nón lá có độ bóng và làm tăng sức bền với thời gian. Chất lượng tốt cộng với sự “tiện dụng” giúp cho sản phẩm của làng nghề vẫn đắt hàng cho dù thị trường mũ, nón ngày nay đã đa dạng hơn rất nhiều, bà Đào, đại lý thu mua sản phẩm xóm 2 cho biết.

Theo những người già trong làng kể lại, nghề làm nón ở Xuân Bắc đã có từ đời cha, ông họ. Ngày đó, cuộc sống của người Xuân Bắc còn khó khăn. Nghề làm nón đơn giản, chi phí ban đầu ít lại mang giá trị kinh tế. Nghề về làng đã làm thay đổi cục diện đời sống của người dân Xuân Bắc. Dần dần, người Xuân Bắc truyền nghề cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người làm lâu năm truyền cho người mới. Người tay nghề cao truyền cho người tay nghề kém... Công việc nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian rảnh rỗi lại tiện chăm sóc gia đình.

Lượng người theo nghề nằm rải rác trong xã, tuy nhiên, tập trung nhiều ở các xóm 8, xóm 9 và xóm 11 với quy mô khoảng 100 hộ làm. Chính những công đoạn làm nón yêu cầu phải cẩn thận và tỉ mỉ nên thời gian hoàn thành một sản phẩm kéo dài. Loại nón bóng đẹp nếu tranh thủ làm chỉ được 1 cái/ngày; làm nón trung bình khoảng 2 cái/ngày. Sản phẩm làm ra đến đâu, các đại lý đến tận các nhà thu mua đem bán ở các chợ ở Giao Thủy, Hải Hậu và bán cất cho các tỉnh bạn. Người làm nghề cho biết, sản phẩm nếu bảo quản kỹ có thể để và bán được quanh năm.

Theo tính toán của bác Hào, nón đẹp, dày giá dao động từ khoảng 80 đến 100 nghìn đồng/cái. Nón thường, chất lượng kém hơn có giá khoảng 20 đến 50 nghìn đồng/cái. Mỗi lao động làm nón nếu chăm chỉ cũng có thu nhập 50 đến 60 nghìn đồng/ngày. Nghề không phụ công người làm, làm tranh thủ lúc rảnh rỗi, người làm nghề cũng thu nhập từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù, ngày công hơi thấp nhưng người làm nghề tạm hài lòng với công sức họ bỏ ra. “Bây giờ, thanh niên không mấy mặn mà với nghề, vì vậy, thế hệ chúng tôi dù “mắt mờ, chân chậm” vẫn chung thủy với nghề. Mặc dù nghề làm nón lá không mang lại sự giàu có nhưng vẫn cho thu nhập đủ duy trì cuộc sống lại vừa giữ gìn được nghề cha ông để lại. Âu cũng là thú vui cho tuổi già không gì có thể sánh bằng”, bác Hào chia sẻ. Và đây cũng là tâm sự của hầu hết người làm nghề làng Xuân Bắc ngày nay./.

Hoàng Dung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com