Giao Thủy phát triển thương mại dịch vụ

07:06, 09/06/2014

Huyện Giao Thủy có 16 xã, thị trấn có làng nghề truyền thống với những sản phẩm nông, thủy sản đặc trưng của vùng quê ven biển, có Vườn Quốc gia Xuân Thủy với hệ sinh thái đất ngập nước và Khu du lịch biển Quất Lâm… Đây là tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển ngành thương mại dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Để tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển, huyện Giao Thủy tiến hành quy hoạch, đầu tư nâng cấp các chợ dân sinh bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng và khu vực lân cận. Hiện tại trên địa bàn huyện có 21 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối, 3 chợ hạng II, 17 chợ hạng III. Huyện cũng có kế hoạch xây mới 5 chợ cơ sở hạng III với chức năng bán lẻ tổng hợp các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thuỷ, hải sản, rau quả, hàng công nghệ phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân ở các xã: Giao Hương, Hoành Sơn, Giao Thịnh, Giao Hà và Bình Hoà. Đầu tư nâng cấp 3 chợ hạng III là chợ Bể, xã Giao Nhân; chợ Bến, xã Giao Phong và chợ trung tâm Thị trấn Ngô Đồng lên chợ hạng II, đáp ứng nhu cầu trung chuyển, thu mua thuỷ, hải sản, nông sản thực phẩm cho nhân dân trong vùng. Sửa chữa, nâng cấp 12 chợ còn lại trên địa bàn huyện đáp ứng tốt chức năng bán lẻ tổng hợp các mặt hàng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân. Trong năm 2012-2013, huyện đã hỗ trợ xây mới 2 chợ xã Giao Hương, Giao Hà với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. 3 chợ Giao Tiến, Giao Lạc, Bạch Long sẽ nâng cấp sửa chữa vào cuối năm 2014. Chợ Bể, xã Giao Nhân là đầu mối tiêu thụ các loại thủy, hải sản phục vụ chế biến; chợ Bến, xã Giao Phong là đầu mối tiêu thụ rau màu các loại; các xã Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Phong và Thị trấn Quất Lâm tập trung phát triển các dịch vụ du lịch... Huyện đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai nhiều dự án, công trình phục vụ sản xuất và phát triển thương mại, dịch vụ, như: Nâng cấp Khu du lịch nghỉ mát bãi tắm Quất Lâm; cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng Cồn Ngạn; kiên cố hóa mặt đê khu vực trọng điểm đê bao Điện Biên, xã Giao An; xây dựng cảng cá Thịnh Lâm...

Chợ trung tâm Thị trấn Ngô Đồng được nâng cấp đạt tiêu chí chợ loại II, đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân.
Chợ trung tâm Thị trấn Ngô Đồng được nâng cấp đạt tiêu chí chợ loại II, đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân.

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ, thương mại, huyện khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và trang bị kiến thức pháp luật về kinh doanh dịch vụ, thương mại, kỹ năng tiếp cận, đánh giá thị trường để hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất bền vững. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư và tổ chức giao lưu để các doanh nghiệp thu mua nông sản trực tiếp tìm hiểu, ký hợp đồng với nông dân. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ sản xuất, tiêu dùng, khai thác tiềm năng du lịch, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ nông, thủy sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Hiện tại, ngoài ngao Giao Thủy, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến; các sản phẩm mật ong Xuân Thủy, nấm sạch Xuân Thủy, muối Bạch Long, nước mắm Giao Châu, mắm tôm Ngọc Lâm, sứa ăn liền, cá mai khô, chả cá... đã từng bước khẳng định thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Trong năm 2014, huyện có kế hoạch tổ chức hội chợ quy mô lớn giới thiệu tiềm năng kinh tế - xã hội của huyện, quảng bá sản phẩm nông, thủy sản, hàng CN-TTCN của huyện và mời các tập đoàn kinh tế, các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh tham gia, mở ra cơ hội hợp tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện thực hiện rà soát các sản phẩm nông, thủy sản, CN-TTCN của địa phương để đánh giá tiềm năng phát triển, xây dựng thành sản phẩm chủ lực mang đặc trưng của huyện. Đến thời điểm này, huyện đã lựa chọn 3 sản phẩm tiêu biểu có khả năng cạnh tranh cao là muối sạch Thanh Đạm, nước mắm Giao Châu và than sinh học để hỗ trợ đầu tư công nghệ, quảng bá thương hiệu và mở rộng sản xuất. Đồng thời định hướng phát triển du lịch gắn với quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống và yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch tập trung như Vườn Quốc gia Xuân Thủy, bãi tắm Quất Lâm đưa sản phẩm làng nghề vào danh sách nhóm hàng đăng ký kinh doanh, bảo đảm sản phẩm nông, thủy sản, CN-TTCN của huyện Giao Thủy có thị trường tiêu thụ vững chắc ngay tại địa phương, hướng tới mục tiêu chinh phục cả thị trường trong nước, xuất khẩu; góp phần quan trọng đưa tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm gần 40% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Ước 6 tháng đầu năm 2014, giá trị thương mại, dịch vụ toàn huyện đạt 560 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2013.

Để tiếp tục phát triển, đưa thương mại, dịch vụ trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương, thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục tập trung hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, hoàn thiện quy hoạch phát triển thương mại giai đoạn 2020-2030 để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng, luân chuyển hàng hóa. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm địa phương. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com