Nghề đục tượng thờ của dòng họ Lương

04:06, 06/06/2014

Cụ Lương Viết Viễn bây giờ đã đi xa, tuy nhiên tài sản cụ để lại cho con cháu dòng họ Lương ở Xuân Tiến (Xuân Trường) rất đáng kể. Cái nghề đục tượng thờ mà một thợ mộc tài hoa như cụ mày mò tự học, tự rèn từ thời Pháp thuộc đã thành nghề kiếm cơm của gia đình… Ngày nay 7, 8 gia đình con cháu dòng họ Lương của cụ nối nghiệp và no đủ với nghề.

Nghề của chữ “nhẫn”

Ông Lương Đình Chiến là cháu 3 đời của cụ Lương Viết Viễn. Gia đình ông hiện có 3 xưởng mộc với 20 thợ “đục đẽo suốt ngày”. Sản phẩm gia truyền được bán, trao đổi khắp trong Nam, ngoài Bắc… “Nghề đục tượng mang lại no ấm cho con cháu trong dòng họ. Chúng tôi nối nghiệp các cụ xưa kia, hằng ngày chăm chỉ để giữ lấy nghề gia bảo”, ông Chiến tâm sự. Đối với ông Chiến, điều khắc cốt ghi tâm khi đục tượng là phải tập trung tinh thần cao độ và giữ chữ “nhẫn”: “Đục tượng rất khó, rất lâu. Khó nhất của một bức tượng là phần khuôn mặt. Trên khuôn mặt, lại khó khắc họa nhất đôi mắt. Trăm bức tượng, bức này khác bức kia là bởi thần thái mỗi khuôn mặt thể hiện. Cũng giống con người, thân thể cơ bản giống nhau, nhưng tôi khác anh là bởi tôi có cái mặt với những đường nét riêng biệt. Muốn thể hiện khuôn mặt được tốt, phải có hiểu biết về lai lịch hình tượng, tượng đang mang trong mình “sứ mạng” gì cần thể hiện. Có khuôn mặt đau khổ, có khuôn mặt vui tươi, lại có khuôn mặt buồn bã… Thậm chí có cả những khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc nào… Cái “thần” của khuôn mặt tượng nằm ở đôi mắt, “cửa sổ tâm hồn”. Không lột tả được đôi mắt, mọi khuôn mặt tượng rất dễ bị giống nhau thì tượng đúng là… tượng rồi, vô hồn”, ông Chiến bộc bạch. Vì vậy, để đục được khuôn mặt tượng có hồn, có thần, ngoài yêu cầu lành nghề còn đòi hỏi người thợ phải có con mắt nghệ thuật. Học nghề từ khi 10 tuổi, mất vài ba năm nữa ông Chiến mới cầm vững cái đục. Thêm vài ba năm tiếp theo, ông mới thành thạo “bắt” được cái diện trên từng khuôn mặt. “Nghề đục tượng, muốn làm nhanh cũng không được, ai không kiên trì thì không đục được tượng. Để làm được pho tượng cao 1m, rộng 40 phân, một thợ cứng phải mất thời gian khoảng 1 tháng. Riêng khuôn mặt, mất 5 ngày mới đục xong. Không “mài quần” xuống sàn nhà, chả bao giờ đục xong bức tượng. Khi anh sốt ruột về thành phẩm của mình, bàn tay dễ đẽo không chính xác. Phạm chỗ này một tí, phạm chỗ kia một tí, đến lúc mài đi, đẽo lại cho tròn trịa rất khổ”, ông Chiến trầm ngâm về yêu cầu của nghề. Bởi thế, đục tượng cũng giống như là đang tích lũy chữ “nhẫn” hằng ngày.

Sản xuất các sản phẩm đồ thờ tại xưởng của ông Lương Đình Chiến, xóm 7, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Sản xuất các sản phẩm đồ thờ tại xưởng của ông Lương Đình Chiến, xóm 7, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).

“Nặn” nên cái dáng hình của một bức tượng, thợ đục phải trải qua rất nhiều công đoạn. Gỗ để làm tượng thường là các loại dổi, gụ, pơ mu, mít… Gỗ được chọn phải là những loại “vàng tâm”, chắc và càng già thì càng tốt. Có như vậy, tượng mới không bị co ngót. Chọn được gỗ rồi, thợ đục cẩn thận cắt gỗ ra luộc. Thời gian ngâm nước, ngâm lửa trên bếp 6 tiếng cho hiệu quả đặc biệt, giúp gỗ đỡ co giãn, không chảy nhựa. Luộc xong gỗ thì pha súc gỗ ra từng chi tiết rồi tiến hành đục. Họ gọi một cách chuyên ngành là “phá”. Trước khi phá, thợ nhìn, nghiên cứu mẫu vẽ hoặc ảnh chụp sẵn rồi khắc họa theo. Phá xong, thợ mới lắp ráp các chi tiết và tiến hành công đoạn chà nhẵn bằng giấy ráp. Xem bức tượng “hòm hòm”, trông được mắt thì mang tượng đi quay sơn và phấn (tạo màu cho quần, áo, tóc, da…). Một bức tượng đẹp là bức tượng hoàn thiện cả phần thân và mặt, thân thể phải chắc chắn, đường nét sắc, mặt tượng có thần thái, khí chất, màu sắc sơn hài hòa đến từng chi tiết...

  Anh Ngô Văn Hoành, xóm 6, xã Xuân Tiến hiện làm thợ ở cơ sở của ông Chiến. Anh Hoành học nghề mộc cũng đã được 7 năm nay, giờ đã được chuyển sang làm thợ đục. Theo anh Hoành: “Làm thợ đục khó hơn thợ mộc rất nhiều. Sản phẩm yêu cầu phải tinh xảo, vì vậy đòi hỏi hoa tay của thợ cao hơn. “Tuy đã làm thợ mộc, có kinh nghiệm nghề tương đối lâu, nhưng vẫn rất khó để đẩy nhanh tiến độ đục 1 bức tượng. Để làm được 1 tượng cỡ vừa cao chừng 1m, tôi “đánh trần” khoảng 1 tháng cật lực mới xong. Đủ để thấy nghề đục tượng công phu, phải nhẫn nại ra sao”. Giá trị của một bức tượng, vì vậy, nằm chủ yếu ở công làm, được tính toán dựa trên tài hoa, mỹ thuật của người thợ. 

“Nhất nghệ tinh”…

Xưởng đục của gia đình ông Chiến là xưởng đục tượng quy mô nhất của dòng họ Lương tại xã Xuân Tiến. Tại xưởng, trong nhà ông Chiến bày cơ man nào tượng, tòa, kiệu… Đối với sản phẩm như tòa hoặc kiệu khi làm xong phần “thô”, thợ đục tiến hành thếp vàng hoặc bạc cho sản phẩm. Ông Chiến cho biết: “Tùy vào khách hàng thích bọc vàng hay bạc thật mà chúng tôi làm. Tuy nhiên, việc phủ vàng thật lên sản phẩm thường rất ít có khách yêu cầu. Mà nếu có thì chủ yếu dành cho những sản phẩm loại nhỏ”. Hỏi ông Chiến, trong 3 loại sản phẩm tòa, kiệu và tượng, thứ nào làm khó hơn, ông trả lời dứt khoát, đục tượng vẫn khó, kỳ công hơn cả. Tòa và kiệu chỉ đòi sự tỉ mỉ, thận trọng, tượng thì yêu cầu cao hơn, phải biết nắm bắt được tinh thần của bức tượng. Cho đến nay, xưởng của ông Chiến đã từng đục bức tượng cao nhất khoảng 10m, bức nhỏ thì vào khoảng 20-30 phân. Mỗi tháng xưởng đục của ông Chiến cũng xuất xưởng được 2 đến 3 bức tượng, 5 đến 7 tòa.

Xưởng đục của ông Chiến đa phần thợ còn rất trẻ, có thợ chỉ khoảng 14-15 tuổi. Ông Chiến chia sẻ: “Hầu hết là con cháu trong nhà, trong họ. Tranh thủ những lúc được nghỉ học, đứa nào đứa ấy tay tràng, tay đục học nghề. Cho đến nay, nghề đục tượng của dòng họ Lương được nhiều người trong xã biết đến, làm theo. Tuy nhiên, công đoạn làm mặt tượng chủ yếu do con cháu họ Lương đảm nhiệm. Chúng tôi không truyền bí quyết ra ngoài”. Do tính chất nghề rất “kỹ” nên công thợ cũng khá. Tuỳ tay nghề mà ông trả các mức lương khác nhau, dao động từ 150-200.000 nghìn đồng/ngày. Làm thợ đục không nặng nhọc nhiều như làm thợ mộc. Hiện nay, làm nghề tượng bằng các chất liệu ở xã Xuân Tiến phát triển đa dạng. Có những hộ gia đình đúc tượng bằng thạch cao, có những hộ gia đình làm tượng bằng xi măng, hóa chất… Tuy nhiên, phổ biến và được ưa chuộng hơn cả vẫn là làm tượng bằng gỗ. Mỗi loại tượng đều có thị trường riêng và… ít phải lo lắng về khâu tiêu thụ: “Riêng đối với tượng gỗ, thị trường tương đối ổn định. Chúng tôi không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho sản phẩm. Tượng, tòa, kiệu làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Khách phải đặt trước hàng tháng trời mới có hàng”, ông Chiến cho biết. Tuy không cho biết cụ thể thu nhập một năm, nhưng nhìn cơ ngơi nhà ông Chiến, lương trả cho thợ, đủ biết thu nhập của xưởng khá cao.

Trưa tháng 6 nắng chói chang, vuốt những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán, thợ đục “nhí” Lương Văn An tâm sự: “Em mới được nghỉ hè, xin vào xưởng nhà bác học nghề. Bố em hiện cũng có xưởng đục nhưng nhà em chuyên về đục tòa, kiệu. Em thì thích đục tượng bởi “mê” những khuôn mặt mới mẻ, biết biểu hiện cảm xúc, ngày một hiện hình qua bàn tay người thợ từ những súc gỗ vô tri. Em nghĩ, khi người thợ bỏ công, tâm sức với bất kỳ sản phẩm nào, mọi thứ cũng sẽ có… tâm hồn. Trước hết là tâm hồn, tình cảm của những người thợ”. Nghe phát biểu khá “già đời” của cậu thợ nhí, các thợ đục trong xưởng cùng cười vang, đồng tình. Chúng tôi chợt nhận ra, chẳng phải lo lắng tương lai cho cái nghề thủ công gia truyền của một dòng họ, bởi sự ý thức nghề cao độ của những máu mủ, ruột rà đời sau. Không phải đơn giản chỉ vì đó là cơm áo hằng ngày của họ, mà có thể còn bởi tình yêu giản dị, sự trân trọng của người lao động với nghề nghiệp. Do đó, cần bồi đắp cho những đôi tay tài hoa có dịp được phát tiết, thăng hoa...

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com