Làm giàu từ nghề dệt truyền thống

07:06, 07/06/2014

Sau một thời gian mai một, đến nay, nghề dệt truyền thống ở xã Phương Định (Trực Ninh) lại khá phát triển mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân ở đây. Một trong số những thanh niên trẻ tuổi theo đuổi nghề dệt truyền thống của quê hương là anh Bùi Anh Tuấn, thôn Cự Trữ.

Mặc dù còn khá trẻ nhưng Bùi Anh Tuấn (SN 1990) đã có một cơ ngơi khang trang khiến nhiều người mơ ước. Hiện, anh là chủ của một xưởng dệt rộng 220m2, hằng tháng sản xuất được khoảng 60 nghìn mét vải, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 2,7-2,8 triệu đồng/người/tháng. Gia đình Tuấn cũng như nhiều người dân khác trong xã Phương Định vốn gắn bó với nghề dệt vải, trồng dâu nuôi tằm có từ lâu đời. “Nhà tôi đã 3 đời theo nghề dệt vải. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được làm quen với những công việc của hầu hết các gia đình trong làng như: hái dâu, cho tằm ăn, ươm tơ, dệt vải… Tôi cảm nhận được sự vất vả của cái nghề “ăn cơm đứng”, từ đó thêm yêu quý, trân trọng công sức người lao động để làm ra từng mét vải”, anh Tuấn chia sẻ về lý do gắn bó với nghề dệt. Tuổi thơ của anh là những ngày gắn bó với khung cửi, khi dệt tạo ra những tiếng kêu lách cách rất vui tai. Học xong THPT, Tuấn cũng từng có khoảng thời gian xa quê lên Hà Nội tìm việc làm. “Tuy nhiên, do muốn tìm một nghề ổn định hơn và ở gần nhà, được bố mẹ động viên, phân tích, tôi xác định nên về quê lập nghiệp. Nghề dệt truyền thống ở quê tôi đã nuôi sống dân làng bao đời, tôi nghĩ mình cũng có thể lập nghiệp tại quê hương nếu chăm chỉ, chịu khó. “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, câu nói của các cụ hẳn là để nhắc nhở con cháu phải biết gìn giữ lấy nghề gia truyền này”, Tuấn chia sẻ thêm. Năm 2012, Tuấn trở về quê. Để có vốn mở xưởng, một mặt Tuấn nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, mặt khác tự thân vận động hỏi vay mượn thêm bạn bè, anh em. Sau khi đi tìm hiểu thực tế ở nhiều vùng có nghề dệt truyền thống như quê hương và tiếp cận với thị trường, Tuấn nhận thấy không thể dừng lại ở cung cách dệt ngày xưa mà phải đưa máy móc vào sản xuất, chỉ có như vậy mới tăng được năng suất, hiệu quả lao động và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, khi đã gom được tiền đầu tư, Tuấn dành phần lớn vốn để mua máy dệt, xây nhà xưởng.

Nỗ lực làm giàu từ nghề dệt truyền thống, Bùi Anh Tuấn, thôn Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) hiện trở thành “triệu phú trẻ” với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nỗ lực làm giàu từ nghề dệt truyền thống, Bùi Anh Tuấn, thôn Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) hiện trở thành “triệu phú trẻ” với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Từng bước một, xưởng dệt “mơ ước” của Tuấn đã hình thành với 27 máy, 8 lao động làm việc liên tục trong ngày. Cần mẫn làm ăn như con ong chăm chỉ, Bùi Anh Tuấn dần mở rộng được quy mô sản xuất, đầu tư thêm cho nhà xưởng, tạo điều kiện về nguyên liệu cũng như việc làm cho nhiều người trong thôn. Với tư duy nhanh nhạy, coi trọng chất lượng sản phẩm, kể từ ngày lập xưởng dệt tấm, hàng sản xuất của xưởng ra đến đâu được khách hàng đặt mua đến đấy. Sản phẩm của xưởng hiện có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Giang… Bác Nguyễn Thị Tư, ở thôn Cự Trữ, năm nay khoảng 70 tuổi hiện đang đảm nhận công việc gấp tấm trong xưởng dệt. Làm việc tại xưởng dệt từ những ngày đầu mới thành lập, bác Tư có dịp chứng kiến những khó khăn cũng như quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của “ông chủ trẻ” để đưa xưởng dệt phát triển. Bác Tư tâm sự: “Tôi già rồi, hiện không làm được những công việc đồng áng nặng nhọc nữa. Tuy nhiên, ngồi một chỗ không làm gì cũng thấy “buồn tay, buồn chân”. Khi xưởng dệt thành lập, tôi xin vào làm và được cháu Tuấn tạo điều kiện sắp xếp cho làm công việc phù hợp với người già. Hiện nay, ngoài vài sào ruộng canh tác đủ để đảm bảo gạo ăn hằng ngày, công việc hằng ngày của tôi cũng có thêm thu nhập góp phần cùng mọi người trong gia đình trang trải cuộc sống, phụ giúp với các con nuôi các cháu ăn học”.

Điểm nổi bật trong kinh doanh của Bùi Anh Tuấn là rất nhanh nhạy với thị trường, biết cách giữ chữ tín với khách hàng. Nhận thấy nhu cầu thị trường cần dùng mặt hàng gì là Tuấn “chuyển đổi” mặt hàng đó để sản xuất. Năm 2013, tình hình kinh tế chung cả nước có nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến xưởng dệt tấm của anh Tuấn. Hàng sản xuất ra bán chậm hẳn so với các năm khác. Để khắc phục tình hình trên, một mặt xưởng dệt liên tục đổi mới mẫu mã sản phẩm, mặt khác tiếp tục duy trì sản xuất để giữ uy tín, nguồn cung cấp hàng cho khách. Điều đáng quý, mặc dù công việc làm ăn đứng trước nhiều thử thách, Bùi Anh Tuấn vẫn đảm bảo việc làm, trả công lao động đầy đủ cho công nhân. Tuấn có thể “giãn việc” của người lao động chứ không cho ai nghỉ việc. Nhờ quan tâm đến thợ và thực hiện trả lương theo sản phẩm nên đội ngũ lao động của xưởng dệt luôn gắn bó với anh, đồng lòng, nỗ lực đưa xưởng dệt tấm vượt qua khó khăn. Vì vậy, sản xuất của xưởng từ đầu năm 2014 đến nay đã có những tín hiệu tích cực. Trung bình mỗi tháng, xưởng dệt xuất xưởng khoảng 60 nghìn mét vải, tổng doanh thu đạt 37-38 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, quyết tâm đầu tư phát triển nghề truyền thống theo hướng cơ giới hoá, mỗi năm xưởng dệt tấm của gia đình anh Bùi Anh Tuấn, sau khi trừ các khoản chi phí cho lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng.

Nghề dệt vải của xã Phương Định đã và đang là nghề truyền thống giúp bà con cải thiện cuộc sống. Nghề dệt đồng thời cũng thu hút nhiều thanh niên địa phương, giúp họ không phải ly hương đi làm ăn xa. Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, Bùi Anh Tuấn đã tìm ra hướng đi đúng đắn từ nghề dệt vải cha ông để lại. Nỗ lực làm giàu của Tuấn, vì vậy rất đáng được trân trọng, là tấm gương cho nhiều thanh niên nông thôn noi theo trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, tiếp nối và giữ gìn những vốn nghề cổ truyền từ xa xưa./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com