Nét mới trong chỉ đạo sản xuất vụ mùa 2013

08:05, 20/05/2013

Chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa 2013, UBND tỉnh chỉ đạo không đưa giống lúa BT7 vào cơ cấu gieo cấy mặc dù BT7 là giống chất lượng cao, năng suất khá, được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong vụ xuân từ năm 1993 trở lại đây. Đây là một quyết định đúng bởi giống lúa BT7 đã nhiễm với tất cả các loại sâu, bệnh. Hiện tại, một số loại sâu bệnh hại lúa như đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu, lem lép hạt… đã có thuốc đặc trị, riêng bệnh bạc lá lúa chưa có thuốc đặc trị. Trong nhiều năm qua, bệnh bạc lá lúa liên tục xảy ra ở vụ mùa, trong đó tập trung chủ yếu trên giống BT7. Mặc dù đã được ngành NN và PTNT khuyến cáo hạn chế thấp nhất gieo cấy giống lúa BT7 trong vụ mùa để tránh "mất mùa riêng" nhưng diện tích gieo cấy giống lúa này ở các địa phương trong tỉnh vẫn không giảm: Năm 2011 diện tích gieo cấy là 21.802ha, chiếm 27,17% tổng diện tích cấy; năm 2012 gieo cấy 23.271ha, chiếm 29,22% tổng diện tích lúa gieo cấy. Diện tích nhiễm bệnh bạc lá lúa ở vụ mùa cũng tăng lên, gây tổn hại năng suất và sản lượng; năm 2011 diện tích nhiễm bệnh bạc lá 5.378ha; năm 2012 diện tích nhiễm bệnh bạc lá 6.267ha... Để từng bước thay thế giống BT7, từ nhiều vụ mùa trước, Sở NN và PTNT đã đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chất lượng cao, năng suất, chất lượng gạo cao hơn hoặc tương đương giống BT7 và hoàn toàn kháng bệnh bạc lá. Đó là giống RVT, thời gian sinh trưởng 100-105 ngày trong vụ mùa, năng suất đạt 55-60 tạ/ha; giống lúa Trân Châu Hương, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 100-105 ngày, năng suất trung bình đạt 55-60 tạ/ha; giống lúa NĐ5, thời gian sinh trưởng 100-105 ngày trong vụ mùa, năng suất trung bình đạt 50-60 tạ/ha; giống lúa Thiên Trường 750, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 100-103 ngày, năng suất trung bình đạt 50-60 tạ/ha, rất thích hợp với chân đất vàn và vàn cao; giống lúa TBR27, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 100-105 ngày, năng suất trung bình đạt 60-65 tạ/ha. Các giống lúa này được tỉnh chỉ đạo đưa vào thay thế giống BT7 trong vụ mùa 2013. Cũng từ vụ mùa năm 2013, tỉnh không đưa vào cơ cấu gieo cấy 2 giống lúa Bắc ưu 253 và Bắc ưu 903 vì nhiễm bệnh bạc lá, thời gian sinh trưởng dài. Để thay thế các giống lúa này, tỉnh chủ trương cấy bằng các giống lúa lai, không nhiễm bạc lá, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng gạo, cơm khá như: Nam Dương 99, CT16, TH3-3… để gieo cấy trên các chân ruộng trũng, ruộng nhiễm chua, mặn. Sở NN và PTNT yêu cầu các đại lý, Cty giống cây trồng trên địa bàn tỉnh không đưa các giống lúa ngoài cơ cấu của tỉnh về cung ứng, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống.
Nông dân xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống.

Để bảo đảm năng suất cũng như tạo quỹ đất, thời gian mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc đẩy sớm thời vụ 15-20 ngày so với năm 2012, đồng thời mở rộng diện tích gieo cấy trà mùa sớm và mùa trung sớm, kết thúc gieo cấy lúa mùa trước ngày 20-7. Thực hiện chủ trương này, các huyện, thành phố đã hoàn thành gieo cấy vụ xuân 2013 với thời gian sớm hơn 10 ngày so với vụ xuân 2012, đồng thời sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn nên khả năng vụ lúa xuân sẽ kết thúc trước ngày 20-6-2013, là điều kiện thuận lợi để gieo cấy sớm vụ mùa. Ngoài 5-7% diện tích cấy giống lúa đặc sản (tám, nếp), cơ cấu giống lúa cấy vụ mùa 2013 gồm những giống có thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày, có năng suất, chất lượng khá, chịu úng và ít nhiễm sâu, bệnh, nhất là bệnh bạc lá, tiếp tục đưa cơ giới vào thu hoạch nhanh lúa xuân, tổ chức làm đất bằng máy bảo đảm kỹ, nhuyễn, tổ chức cấy lúa mùa càng sớm càng tốt. Về tỷ lệ cơ cấu cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phấn đấu cấy 25-30% diện tích bằng trà lúa mùa sớm, 45-50% diện tích gieo cấy trà mùa trung sớm, chỉ dưới 20% cấy trà mùa trung và kết thúc cấy lúa mùa 2013 trước ngày 20-7-2013 để tránh được úng đầu và cuối vụ. Để thực hiện đúng thời vụ chỉ đạo, lịch gieo mạ cho trà lúa mùa sớm phải xong trước 20-6, trà mùa trung và trung sớm kết thúc trước 30-6 với phương thức gieo mạ nền là chủ yếu, riêng với chân ruộng trũng sử dụng mạ dược để tránh úng, ngập. Khuyến khích các địa phương tổ chức gieo sạ hàng, ưu tiên cho gieo sạ hàng rộng - hàng hẹp ở các vùng, các chân ruộng chủ động tưới, tiêu và nông dân đã có kinh nghiệm trong gieo sạ, đảm bảo chủ động ứng phó với úng, ngập hoặc hạn có thể xảy ra khi gieo. Trên thực tế đã có bài học đắt giá của huyện Nghĩa Hưng và một vài địa phương khác trong vụ mùa năm 2012 có một số diện tích cấy muộn, thậm chí kéo dài đến tận 10-8 dẫn đến phải cấy đi, cấy lại nhiều lần do gặp mưa lớn gây úng, ngập. Mặt khác, theo thống kê của Sở NN và PTNT, hơn 10 năm gần đây trà lúa mùa sớm luôn cho năng suất cao hơn 10-15% so với trà lúa mùa trung. Không những thế do thu hoạch sớm, tránh được sâu bệnh cuối vụ, không phải phun trừ rầy nâu, sâu đục thân và không chịu áp lực mưa úng cuối vụ nên hiệu quả luôn đạt cao nhất, đồng thời tạo điều kiện để trồng các cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao như bí xanh, cà chua, dưa chuột; hay trồng rau xanh sớm bán đúng thời điểm khan hàng, được giá và có thể luân canh nhiều lứa trong vụ đông; hoặc trồng đậu tương đông theo phương thức làm đất tối thiểu, vừa cho thu nhập khá, vừa cải tạo đồng ruộng. Theo đồng chí Đào Viết Tâm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, việc đẩy sớm thời vụ gieo cấy lúa mùa 15-20 ngày và kết thúc cấy trước 20-7 là phương án khả thi, các địa phương đều làm được nếu chỉ đạo quyết liệt và tổ chức tốt, cũng như biết áp dụng các kỹ thuật mới trong gieo cấy… Phương thức gieo sạ thay cho cấy truyền thống đã được các địa phương áp dụng trên diện tích 2.343ha từ vụ mùa 2012, vừa giảm được đầu tư, công lao động nặng nhọc, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ thuận lợi mở rộng trong vụ mùa 2013. Với các vùng úng trũng không gieo sạ được, mô hình sử dụng máy cấy và phương thức làm mạ khay cũng đã được tổ chức trình diễn nhiều năm nay và được nhiều xã ở huyện Hải Hậu ứng dụng. Một máy cấy có thể thay thế cả trăm lao động cấy, rất thích hợp với điều kiện thiếu lao động trong lúc "đông vụ chí kỳ". Tỉnh ta cũng đã có cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua máy gặt đập liên hợp, mua máy làm đất công suất trung bình nhiều năm nay…

Mặc dù lúa xuân mới đang phơi màu, nhưng công tác chuẩn bị sản xuất vụ mùa đang được các địa phương tập trung chỉ đạo với nhiều giải pháp mới nhằm bảo đảm an toàn nhất và đạt hiệu quả cao nhất, tạo thuận lợi để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông hàng hóa, tiến tới thâm canh 3 vụ trong năm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com