Thị trấn Thịnh Long mở rộng diện tích trồng dưa lê siêu ngọt

07:05, 16/05/2013

Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có gần 380ha đất chuyên màu. Để khai thác tiềm năng đất đai, những năm gần đây, nông dân thị trấn đã mạnh dạn đưa cây dưa lê siêu ngọt vào trồng. Qua mấy vụ triển khai cho hiệu quả kinh tế cao, cây dưa lê siêu ngọt đang được nông dân thị trấn mở rộng diện tích trồng.

Mô hình trồng dưa lê siêu ngọt của nông dân Thị trấn Thịnh Long thu lãi từ 250-330 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng dưa lê siêu ngọt của nông dân Thị trấn Thịnh Long thu lãi từ 250-330 triệu đồng/ha.

Năm 2007, sau khi được Hội Nông dân (HND) Thị trấn Thịnh Long tổ chức cho đi tham quan mô hình trồng dưa lê siêu ngọt ở Hải Dương, anh Ngô Văn Hào, Chủ nhiệm CLB làm vườn miền Tân Phú đã trồng thử nghiệm 1,3 sào dưa lê siêu ngọt giống Ngân Huy 223 của Cty Giống cây trồng Nông Hữu (Đồng Nai). Với đặc tính thích nghi rất tốt với chất đất chua mặn, nên ngay từ vụ đầu tiên, năng suất dưa đã đạt 700kg/sào, sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hơn 5 triệu đồng/sào. Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng dưa lê siêu ngọt, HND thị trấn đã tổ chức các hội nghị đầu bờ giới thiệu về mô hình, tích cực vận động, tuyên truyền để các hội viên tham gia. HND thị trấn còn mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho các hộ trồng dưa, nhờ đó dưa liên tiếp được mùa, được giá. Đến nay, tổng diện tích trồng dưa lê siêu ngọt của thị trấn được mở rộng lên 150ha, trong đó tổ dân phố 22 có 80ha, vùng chuyển đổi Thống Nhất và Đại Thành 70ha. Dưa lê siêu ngọt Ngân Huy 223 là giống cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, khả năng chịu bệnh tốt, quả đều và đẹp, khi chín có màu trắng ngà, thịt quả giòn ngon và rất ngọt. Tuy nhiên, để tạo nên chất lượng “siêu ngọt” như dưa lê trồng ở Thịnh Long, cần có phương pháp chăm bón, dưỡng quả phù hợp. Hạt giống dưa lê được nông dân gieo trong các bầu giá thể, ươm trong 20 ngày mới đánh ra ruộng trồng. Các bầu giá thể được làm tơi xốp, nhiều dinh dưỡng giúp cây phát triển bộ rễ, hút dinh dưỡng tốt hơn, không những thế thời gian sinh trưởng của cây dưa lê được rút ngắn từ 60 ngày xuống chỉ còn 45-50 ngày (thời gian trồng trên ruộng chỉ còn 25-30 ngày). Đặc biệt, từ năm 2012, nhiều hộ dân đã áp dụng trồng dưa lê bằng phương pháp che phủ nilon để hạn chế thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho đất. Vì giống dưa lê Ngân Huy 223 ưa khí hậu ấm áp nên được nông dân trồng phổ biến từ tháng 3 đến tháng 7 dương lịch. Vụ dưa lê năm nay nông dân Thị trấn Thịnh Long lại được mùa, quả to, chất lượng thơm ngọt nên ngay từ đầu mùa các thương lái trong và ngoài tỉnh đã về thu mua, nông dân không phải lo tiêu thụ, chi phí vận chuyển, bảo quản. Tại cánh đồng dưa lê ở tổ dân phố số 22, từ sáng sớm nông dân đã ra đồng thu hoạch để kịp xuất bán cho thương lái. Ông Phạm Văn Hà trồng hơn 1 mẫu dưa lê phấn khởi cho biết: “Dưa lê Thịnh Long đã có thương hiệu tại các chợ nên thương lái đến tận ruộng mua với giá 10-12 nghìn đồng/kg, cao hơn so với mọi năm. Bình quân mỗi sào dưa nhà tôi cho thu hoạch khoảng 1-1,2 tấn quả, trừ chi phí thu lãi khoảng 9-12 triệu đồng/sào”. Nhiều nông dân trồng dưa lê ở Thịnh Long có thu lãi cao như các ông Phạm Văn Tới, Nguyễn Văn Hậu 180-200 triệu đồng/vụ; Vũ Văn Tài 150 triệu đồng/vụ…

Cây dưa lê siêu ngọt đang trở thành “cây làm giàu” cho nhiều nông dân ở Thịnh Long, nên được nghiên cứu nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com