Nam Trực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường làng nghề

07:05, 16/05/2013

Huyện Nam Trực có 17 làng nghề, trong đó có 13 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống từ năm 2012 với 6 nghề chính, gồm: trồng hoa cây cảnh, xây dựng, dệt may, làm hoa vải nhựa, cơ khí, tái chế nhôm. Ngoài các làng nghề trồng hoa cây cảnh nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp, các làng nghề sản xuất khác đều có yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Phòng TN và MT huyện, do nhiều làng nghề được hình thành từ trước khi có Luật Bảo vệ môi trường nên hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề không làm các thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), tham gia đề án BVMT và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Tại các làng nghề: Vân Chàng, Đồng Côi (Thị trấn Nam Giang), Bình Yên (xã Nam Thanh) hầu hết các hộ sản xuất đều gây ô nhiễm môi trường với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp, chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT nên ngày càng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại các làng nghề cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi, nước thải trong quá trình làm nguội sản phẩm sắt, thép, làm dung môi trong mạ sản phẩm bulông, ốc vít, phụ tùng xe máy, xe đạp có hàm lượng niken, crom, axit cao, chưa qua xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường. Tại làng nghề Vân Chàng mặc dù đã đầu tư khu xử lý nước thải tập trung nhưng hệ thống cống thu gom, thoát nước thải từ hộ dân ra khu xử lý tập trung đã xuống cấp, nhiều đoạn bị tắc, nên khi trời mưa nước thải hòa vào nước mưa chảy tràn ra đường, phát tán các chất độc hại ra môi trường. Tại làng nghề sản xuất, tái chế nhôm Bình Yên, nước thải từ khâu làm mát khuôn đúc, nhúng rửa các sản phẩm nhôm nhiệt độ cao, hàm lượng các hóa chất độc hại như crom, xút lớn nhưng sau khi thu gom cũng không được xử lý, chảy thẳng ra hồ ao, kênh mương… Giải quyết khói, bụi trong quá trình sản xuất, các hộ chỉ lắp đặt ống khói cao từ 10-20m để hút và thải ra môi trường, không qua xử lý. Bên cạnh đó, tại các làng nghề còn tập trung nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, diện tích chật chội và không áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn. Nhiệt độ phát sinh từ các lò cô nhôm, lò đúc sắt, thép, cán rút sắt gây nguy cơ suy nhược cơ thể, chóng mặt, dễ dẫn đến bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho công nhân; lượng xỉ lò thải trong quá trình sản xuất chưa có bãi chứa tập trung nên các hộ đổ đống dọc đường làng, đường thôn, khi gặp nước mưa, xỉ thải trôi xuống kênh, mương gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Các loại phế thải của làng nghề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái gây ra bệnh tật cho người dân. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng qua theo dõi của ngành y tế địa phương, tỷ lệ người mắc bệnh ở các làng nghề này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao, tuổi thọ của người dân giảm.

Sản xuất cơ khí tại gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ, xóm 2, làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh.
Sản xuất cơ khí tại gia đình ông Nguyễn Văn Sỹ, xóm 2, làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh.

Để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các hộ sản xuất tự giác thực hiện quy định về BVMT. Tổ chức xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất gắn với BVMT. Những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Tổng cục Môi trường, Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sỹ, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường đã thực hiện các dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải cho làng nghề Bình Yên và Vân Chàng. Ngoài ra, còn triển khai các mô hình thử nghiệm xử lý nước thải từ quá trình mạ sản phẩm của hộ ông

Nguyễn Đại Bắc, thôn Đồng Côi, mô hình xử lý nước thải từ quá trình nhúng rửa sản phẩm nhôm cho một hộ làng nghề Bình Yên. Dự án của Thụy Sỹ đã đầu tư lắp đặt 93 ống khói cho các hộ nhúng rửa sản phẩm nhôm, 48 ống khói cho hộ cô đúc nhôm ở làng nghề Bình Yên. Dự án Quản lý chất thải nguy hại tỉnh Nam Định đã triển khai các tiểu dự án cải thiện điều kiện sản xuất, môi trường, sức khỏe tại thôn Bình Yên và đã hỗ trợ 195 hộ xây dựng ống khói và hố ga để giảm thiểu khí thải và nước thải trực tiếp ra môi trường với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, cấp phát 117 thùng chứa (dung tích 150 lít) và 93 thùng chứa (dung tích 60 lít) cho các hộ sản xuất thu gom rác thải nguy hại. Hiện tại, với sự hỗ trợ một phần của dự án, các hộ sản xuất trong làng nghề đều xây hố ga thu gom nước thải từ quá trình nhúng rửa sản phẩm nhôm và xây ống khói giảm thiểu khói bụi… Từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và hiệu quả của các dự án, đã từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác BVMT. Cty TNHH MTV Cơ khí Thanh Sơn, làng nghề Bình Yên, đã nghiên cứu và chế tạo thành công lò nhiệt luyện kim loại nhôm bằng điện, công suất 45kWh, thay thế lò đúc truyền thống, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế lượng xỉ thải. Nhiều hộ sản xuất cơ khí tại hai làng nghề Vân Chàng, Đồng Côi đã đưa vào sử dụng.

Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục thống kê phân loại các cơ sở sản xuất theo nhóm để theo dõi và có hướng ưu tiên xử lý đối với các nhóm hộ gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, huyện yêu cầu từng làng nghề xây dựng kế hoạch chi tiết về BVMT để trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Trong đó, các hộ sản xuất phải có phương án xử lý chất thải, kế hoạch BVMT đạt yêu cầu mới được tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về BVMT tại các doanh nghiệp, làng nghề theo hướng áp dụng mức phạt cao nhất và giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc khắc phục vi phạm của các đơn vị./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com