Khắc phục khó khăn trong sản xuất vụ xuân 2013

08:12, 18/12/2012

Sản xuất vụ xuân 2013 đang đứng trước những khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, vụ xuân năm nay ấm; các trận rét đậm, rét hại sẽ xảy ra trong cuối tháng 1 và đầu tháng 2, đúng giai đoạn tỉnh ta tập trung gieo cấy lúa xuân. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước, hạn kèm theo mặn lấn sâu vào các cửa sông cũng tác động không nhỏ đến nước tưới ngay từ khi làm đất nhất là ở 3 huyện ven biển. Kinh nghiệm cho thấy, những năm vụ xuân ấm, nếu thâm canh không tốt năng suất sẽ không cao, thậm chí nếu để lúa trỗ vào nửa cuối tháng 4 gặp rét “Nàng Bân” thì không còn năng suất. Vụ xuân ấm, không cày ải được, cỏ dại, lúa chét mọc nhiều, sâu bệnh sẽ diễn biến phức tạp. Gió mùa đông bắc lệch đông sớm, mưa ẩm, sương mù nhiều là cơ hội cho bệnh đạo ôn bùng phát thành dịch; rầy lưng trắng, rầy nâu duy trì đàn từ vụ mùa di trú sang và nguy cơ bệnh lùn sọc đen bùng phát. Đất không được ải, chế độ khí trong đất không được cải thiện, quá trình khoáng hoá, giải phóng độc tố trong đất chậm, khiến đất bí. Các vùng đất chua, mặn khi tháng 3 nắng lên, hiện tượng “xì phùn, bốc mặn” sẽ làm cho cây trồng khó sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, hiện tại nhiều xã, thị trấn trong tỉnh đang tổ chức dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) cũng ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất vụ xuân năm 2013…

Cán bộ, công nhân viên Cty CP Giống cây trồng Nam Định kiểm tra giống trước khi cung ứng cho địa phương.
Cán bộ, công nhân viên Cty CP Giống cây trồng Nam Định kiểm tra giống trước khi cung ứng cho địa phương.

Từ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện DĐĐT, phấn đấu trong tháng 12-2012, các địa phương giao ruộng thực địa cho các hộ, đồng thời huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc đẩy nhanh tiến độ làm thuỷ lợi nội đồng, kết hợp với chỉnh trang đồng ruộng, đắp đường ra đồng… Tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ; tổ chức sản xuất vụ xuân gắn với sản xuất vụ mùa, vụ đông; phát triển nhanh mô hình sản xuất hàng hoá tập trung với mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp sạch; thực hiện tốt thâm canh cây trồng, tích cực, chủ động phòng, chống dịch bệnh... Để phát huy hiệu quả sau DĐĐT, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường ra đồng theo tiêu chí NTM, trong vụ xuân 2013, tỉnh chỉ đạo mỗi xã, thị trấn trong tỉnh xây dựng ít nhất 1 cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 30ha trở lên để sản xuất lúa hàng hoá tập trung, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới như: gieo sạ hàng, đồng trà, đồng giống, cùng một phương thức canh tác và có doanh nghiệp tham gia. Trong chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, toàn tỉnh tập trung gieo cấy các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao như Nhị ưu 838, CT16, Nam Dương 99, TX111, N.ưu 69, TH3-3 (lúa lai), BT7, NĐ5, QR2, RVT, NĐ1, nếp N87, nếp N97 (lúa thuần). Trong đó giống lúa thuần chủ lực là BT7, NĐ5, RVT, nếp N87, nếp N97. Đối với những vùng, chân ruộng bị nhiễm nặng bệnh bạc lá vụ mùa năm 2012 thì hạn chế gieo cấy giống BT7; riêng đối với huyện Xuân Trường hạn chế đến mức thấp nhất diện tích gieo cấy giống lúa BT7 trong vụ xuân 2013 và không dùng giống lúa BT7 gieo cấy trong vụ mùa năm 2013 và các năm tiếp theo mà thay bằng các giống lúa thuần chất lượng, năng suất cao: RVT, NĐ5… Trong cơ cấu mùa vụ, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy sớm thời vụ gieo cấy vụ xuân bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, dùng phương pháp gieo sạ hàng để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa. Như vậy gieo cấy vụ xuân ở tỉnh ta chủ yếu dùng trà xuân muộn, hoàn thành gieo mạ trước lập xuân (4-2-2013). Cấy ngay sau Tết Nguyên đán và cơ bản cấy xong trước ngày 20-2-2013. Phương thức gieo mạ nền là chủ yếu, chỉ gieo mạ dày xúc hoặc dược thưa để cấy trên các chân ruộng trũng, ven sông. Mở rộng tối đa diện tích gieo sạ hàng ở những vùng chủ động tưới tiêu nước, phấn đấu các địa phương có diện tích gieo sạ hàng đạt từ 20% diện tích trở lên; vừa chủ động các phương án chống rét cho mạ xuân, vừa chủ động chuẩn bị giống lúa ngắn ngày để dự phòng, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích mạ gieo dự phòng. Ngay từ vụ xuân này, UBND tỉnh yêu cầu: mỗi huyện có 25-30% diện tích lúa xuân thu hoạch trước ngày 20-6-2013 và tổ chức cấy trà mùa sớm, cho thu hoạch trong tháng 9-2013 tạo quỹ đất cho phát triển vụ đông. Các chân ruộng chua phèn, nhiễm mặn, trũng hoặc cao hạn nên cấy các giống lúa lai 3 dòng có khả năng chống chịu tốt, phấn đấu 40% diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai và 60% diện tích gieo cấy bằng giống lúa thuần; trong đó các huyện phía nam bảo đảm 40-50% diện tích lúa lai, 50-60% diện tích lúa thuần; riêng các xã ven biển tập trung gieo cấy lúa lai. Các huyện phía bắc tỉnh nên gieo cấy 30% diện tích lúa lai và 70% diện tích gieo cấy lúa thuần, đồng thời chuyển đổi diện tích cao hạn sang trồng cà chua, dưa, bí, lạc… Các chân ruộng trũng, úng, gieo cấy giống lúa lai.

Khắc phục khó khăn, chủ động các phương án ứng phó với sự biến đổi của thời tiết, khí hậu; chuyển dịch nhanh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; tiếp thu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, từng bước cơ giới hoá các khâu trong sản xuất…; bảo đảm giành thắng lợi trong sản xuất vụ xuân, tạo tiền đề cho thắng lợi vụ mùa, mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa là bước đi đúng đang được UBND tỉnh chỉ đạo kiên quyết ngay từ khi chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2013 và xuyên suốt trong cả năm 2013, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com