Tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước

07:07, 07/07/2012

Theo số liệu thống kê của Sở TT và TT, hiện nay toàn tỉnh có hơn 1,8 triệu thuê bao di động trả trước của 5 nhà mạng Viettel, MobiFone,Vinaphone, Vietnam Mobile, Gtel. Số lượng thuê bao này thường xuyên biến động. Để siết chặt việc quản lý thuê bao di động trả trước, từ 3 năm nay ngành TT và TT đã triển khai thực hiện Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT của Bộ TT và TT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý hoạt động của thuê bao di động trả trước hiện vẫn ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thị trường dịch vụ viễn thông ở tỉnh ta hiện vẫn tràn lan sim đã được kích hoạt sẵn gồm: sim khuyến mãi, sim số đẹp, sim đôi, sim sinh viên... Đến bất cứ một cửa hàng bán sim thẻ điện thoại nào cũng có thể dễ dàng mua được một chiếc sim điện thoại đã được kích hoạt; người tiêu dùng mua sim về gọi hết tiền trong tài khoản rồi vứt sim gây lãng phí đầu số. Nhiều người sử dụng sim khuyến mại để chào mời quảng cáo, cờ bạc; gọi trêu đùa vào các số điện thoại khẩn cấp như 113, 115; gọi điện hoặc nhắn tin nặc danh..., gây bức xúc trong dư luận. Thông tư số 22 quy định, mỗi cá nhân không được phép đăng ký quá 3 số thuê bao di động trả trước của một nhà mạng nhưng mỗi cá nhân đều có thể dễ dàng sở hữu cùng lúc nhiều số điện thoại thuê bao trả trước. Việc các đại lý kinh doanh sim thẻ điện thoại bất chấp quy định để kích hoạt sim trước là do khách mua thường muốn tiện lợi, nhanh chóng (không muốn đăng ký thông tin), số tiền chênh lệch được hưởng khi bán sim cao hơn khi bán thẻ cào từ 2.000 - 5.000 đồng.

Mua bán sim di động trả trước của Chi nhánh Mobile Nam Định.
Mua bán sim di động trả trước của Chi nhánh Mobile Nam Định.

Để chấn chỉnh tình trạng loạn thuê bao, sim điện thoại trả trước như hiện nay, Bộ TT và TT đã ban hành Thông tư 04-2012/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước; chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2012. Điểm mới của Thông tư 04 so với Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước được Bộ TT và TT ban hành năm 2009 là: Các đại lý bán hàng thương mại không nằm trong hệ thống đăng ký thông tin mà chỉ có chủ điểm giao dịch ủy quyền và điểm cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp được ủy quyền làm nhiệm vụ đăng ký. Các mạng di động phải có điểm đăng ký, có biển hiệu rõ ràng. Đối với doanh nghiệp có thị phần khống chế phải có điểm đăng ký đến tận xã hoặc có điểm ủy quyền.  Các điểm đăng ký thông tin thuê bao trả trước phải có phương tiện lưu trữ thông tin cá nhân như máy scan, photocopy, máy tính để lưu chứng minh thư và hộ chiếu của khách hàng. Các doanh nghiệp phải tách điểm bán sim và điểm đăng ký thông tin cá nhân; riêng các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế như: MobiFone, VinaPhone, Viettel thì 100% các xã trên toàn quốc đều phải có điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn giải pháp ủy quyền cho các bưu cục, bưu điện, VNPost. Thông tư 04 cũng quy định nghiêm cấm mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao; các thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao mà không cần phải bẻ sim cũng bị nghiêm cấm; bắt buộc phải đăng ký lại thông tin cá nhân khi thay đổi chủ thuê bao. Về giấy tờ đăng ký thông tin, trước đây, khách hàng có thể sử dụng nhiều loại giấy tờ tùy thân để đăng ký thông tin thuê bao trả trước như chứng minh thư nhân dân, chứng minh thư công an, chứng minh thư quân đội, hộ chiếu... nhưng theo Thông tư 04 khách hàng chỉ được dùng chứng minh thư nhân dân để đăng ký. Trong vấn đề khai báo thông tin, Bộ TT và TT đã quyết định sử dụng đầu số 1414 để các thuê bao có thể tự kiểm tra thông tin, nếu phát hiện ra sai, lỗi thì có thể đăng ký lại trong thời gian 3 tháng. Sau ba tháng mà không kiểm tra, không cung cấp lại thông tin đúng thì mới bị cắt mạng chứ không phải sau ngày 1-6 là cắt luôn… 

Để Thông tư 04 đi vào thực tế và phát huy hiệu lực, góp phần chấm dứt tình trạng loạn sim rác, Sở TT và TT đã phối hợp với Cục Viễn thông tập huấn về quản lý thuê bao di động trả trước cho toàn bộ cán bộ trong ngành và các doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm triển khai công tác tập huấn nội dung, phương pháp thực hiện quy định Thông tư đến tất cả các đại lý của đơn vị mình quản lý, đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp phải thông báo nội dung của Thông tư 04 đến toàn bộ thuê bao trả trước của đơn vị để khách hàng nắm rõ, thực hiện đúng quy định. Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đều đang khẩn trương hoàn tất các điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý thuê bao di động trả trước như: nghiên cứu, tìm hiểu đối tác để tận dụng tối đa hạ tầng dùng chung; xây dựng, đưa vào hoạt động trang web của đơn vị và cân đối đầu tư trang thiết bị của các điểm giao dịch. Riêng tại doanh nghiệp Mobile, mặc dù chỉ có khoảng 400 nghìn thuê bao di động trả trước, thấp hơn số lượng thuê bao của hai doanh nghiệp Viettel, Vinaphone nhưng ngay trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện công tác quản lý thuê bao trả trước; kiên quyết cắt thuê bao và trả số thuê bao về kho đối với các khách hàng đã đăng ký nhưng không kích hoạt sử dụng sau một tháng; các trường hợp muốn sử dụng lại số thuê bao vẫn phải dùng chứng minh thư để tiến hành đăng ký lại như lần đăng ký đầu…/.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com