Giao Thiện khai thác tiềm năng kinh tế vùng rừng ngập mặn

06:04, 12/04/2012

Xã Giao Thiện (Giao Thủy) nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Xuân Thủy nên nhiều hộ dân trong xã tham gia khai thác hải sản và nguồn lợi từ rừng ngập mặn. Tuy nhiên, do khai thác tràn lan, sử dụng các ngư cụ thô sơ nên hiệu quả kinh tế thấp và ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái.

Chăm sóc nấm sò tại gia đình chị Vũ Thị Thu Hằng, xóm 24, xã Giao Thiện.
Chăm sóc nấm sò tại gia đình chị Vũ Thị Thu Hằng, xóm 24, xã Giao Thiện.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, rừng ngập mặn, Đảng ủy, UBND xã Giao Thiện đã tranh thủ các dự án của Trung ương và địa phương hỗ trợ nhân dân khai thác hiệu quả các nguồn lợi ở địa phương. Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai thực hiện các mô hình nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy hải sản; phổ biến, hướng dẫn hội viên về quy trình kỹ thuật, cách lựa chọn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Trong đó mô hình hỗ trợ nông dân nuôi tôm bền vững, thực hiện các giải pháp hồi phục ao tôm bị suy thoái bằng mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng ngập mặn để tái tạo rừng và ổn định hệ sinh thái, thu hút nhiều hộ nuôi tham gia. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, Hội Nông dân xã đã tổ chức hướng dẫn cho hội viên phương pháp nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn và nâng cao nhận thức về lợi ích của quy trình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá trị trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường, sức khoẻ cộng đồng… Do đó, hơn 1.000 hộ dân trong xã đã chuyển từ khai thác rừng ngập mặn tự nhiên sang quây vùng khai thác kết hợp nuôi trồng thuỷ, hải sản. Đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản của xã đạt gần 2.000ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Cồn Ngạn và một phần trong nội đồng. Bằng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và bán công nghiệp với con nuôi chủ lực là tôm sú, tôm rảo, cua và ngao giống, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, nhân dân trong xã còn tận dụng diện tích mương dẫn nước, ao hồ, đầm, vũng ở cả vùng nước ngọt và nước lợ để trồng rau câu. Với cách chăm bón đơn giản (thả giống một lần, thu hoạch nhiều đợt trong năm, mỗi đợt từ 15-20 ngày), mỗi ha rau câu đạt năng suất 3-5 tấn. Hiện nay, ở Giao Thiện có khoảng 100 hộ thả rau câu kết hợp với nuôi cá hoặc nuôi cua biển. Đây là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với mô hình nuôi thuỷ sản theo hình thức bán thâm canh, vì ngoài giá trị kinh tế, rau câu còn có tác dụng cải tạo môi trường nước, tạo khoáng chất và các sinh vật phù du có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cua biển, cá vược, cá rô phi đơn tính. Từ mô hình này, gia đình các ông: Trần Phú Tắp, Trần Văn Thái, ở xóm 17; Mai Kế Hồ ở xóm 24; Trần Văn Thiện, Trần Văn Lợi ở xóm Tân Hồng… đã đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh nuôi trồng, nghề khai thác hải sản ở xã cũng phát triển, thu hút hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận với gần 200 phương tiện khai thác gần bờ. Năm 2011, doanh thu từ nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản của xã đạt khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài phát triển kinh tế biển, xã Giao Thiện còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và mở thêm một số nghề mới như: trồng nấm, nuôi ong lấy mật. Trong đó, nghề trồng nấm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút trên 30 hộ dân tham gia sản xuất với mức thu nhập bình quân 30-50 triệu đồng/năm. Các hộ dân trong xã đã thành lập CLB trồng nấm nhằm phổ biến kiến thức, kỹ thuật mới cho các hội viên và liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tránh bị tư thương ép giá. Nhiều hộ chọn nấm sò là giống chủ lực vì dễ làm, năng suất cao, tiêu tốn ít nguyên liệu và có thị trường tiêu thụ ổn định. Anh Vũ Văn Thư ở xóm 24 cho biết, với 1 tấn nguyên liệu sẽ cho tương đương một tấn nấm sò, 2 tấn nấm rơm hoặc nấm mỡ. Với quy mô 45.000 bịch nấm, vụ đông năm 2011, gia đình anh đã thu hoạch được 3 tấn nấm thành phẩm, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Những chuyển đổi hợp lý trong phát triển kinh tế từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh ở vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân xã Giao Thiện. Năm 2011, tổng thu nhập của toàn xã đạt trên 146 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com