Bảo vệ, sử dụng hiệu quả đất trồng lúa vì mục tiêu an ninh lương thực

07:05, 01/05/2012

Đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, quyết định an ninh lương thực quốc gia, do vậy cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó CNH-HĐH cần có quỹ đất để xây dựng, phát triển hạ tầng. Làm gì để hài hoà được 2 yếu tố này đang là bài toán khó của nhiều địa phương, trong đó có tỉnh ta.

Đất trồng lúa giảm mạnh

Theo thống kê của Sở TN và MT, chỉ trong 10 năm (2000-2010) diện tích đất lúa của tỉnh đã giảm tới 8.291,35ha, từ 88.363,25ha xuống còn 80.071,90ha. Bình quân mỗi năm giảm hơn 800 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh ta đang đẩy mạnh thực hiện CNH-HĐH, cần quỹ đất lớn để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình, dự án. Giai đoạn 2000-2010, tỉnh đã giao, cho thuê 5.445,42ha đất (chủ yếu từ đất nông nghiệp) trong tổng số 7.851,44ha đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp. Trong đó, đã quy hoạch 1.125ha đất để xây dựng các khu công nghiệp (đã thực hiện 649,67ha); quy hoạch 1.009,77ha đất xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh (đã thực hiện 963,17ha, trong đó đã quy hoạch gần 340ha làm đất xây dựng các CCN địa phương, đưa vào thực hiện 240ha). Đất trồng lúa còn được lấy sử dụng cho nhiều mục đích khác như xây dựng trụ sở, làm đường giao thông, thủy lợi, đất ở, đất chứa, xử lý rác thải, đất làm nghĩa trang. Chỉ tính riêng đợt mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng năm 2011 vừa qua, toàn tỉnh đã sử dụng đến hơn 600ha đất lúa cho mục đích này. Một nguyên nhân khác khiến diện tích đất trồng lúa ngày một giảm mạnh, đó là những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh có chủ trương quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Riêng huyện Hải Hậu đã chuyển đổi gần 700ha đất trồng lúa, làm muối sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây cảnh, rau màu. Từ nay đến năm 2013, huyện Hải Hậu có kế hoạch chuyển đổi tiếp khoảng 500ha. Tìm hiểu tại xã  Giao Hà (Giao Thuỷ), chúng tôi được biết thời gian qua xã cũng đã quy hoạch hơn 40ha đất lúa cho một số hộ dân thuê cải tạo sang nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai nói chung, đất nông nghiệp và đất trồng lúa nói riêng ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, nhất là tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên đất cấy lúa khá phổ biến. Trong đợt kiểm tra mới đây, huyện Nam Trực phát hiện nhiều xã vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai với diện tích lớn. Riêng xã Điền Xá có tới 1.239 trường hợp vi phạm, diện tích vi phạm lên tới 72,71ha, chủ yếu là vi phạm tự ý chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng cây cảnh không theo quy hoạch. Trong khi đó, việc mở rộng diện tích đất cấy lúa của tỉnh ta được cho là không thuận lợi bởi diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh (khoảng trên 4.000ha) chủ yếu là đất bãi bồi ven biển thuộc các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bị nhiễm mặn, chỉ thích hợp cho nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng phòng hộ…

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Bảo vệ đất trồng lúa: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trong quá trình CNH-HĐH việc lấy đất nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng để xây dựng, phát triển hạ tầng là điều không thể tránh khỏi. Những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả cũng cần được quy hoạch, chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập. Tuy nhiên, việc diện tích đất trồng lúa của tỉnh ta giảm mạnh trong thời gian qua đang dẫn tới nhiều hệ luỵ phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia. Mặc dù sản lượng lương thực những năm gần đây của tỉnh luôn ổn định, bình quân đạt gần 1 triệu tấn/năm nhưng diện tích đất lúa của tỉnh giảm mạnh khiến quỹ đất nông nghiệp của tỉnh giảm đáng kể, sản xuất nông nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng. Do vậy, bảo vệ diện tích đất trồng lúa là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề, cuối năm 2011, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa trên cả nước. Mới đây, Bộ NN và PTNT phối hợp với các bộ, ngành chức năng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Dự thảo nhấn mạnh, đất trồng lúa là tư liệu sản xuất đặc biệt, là yếu tố quyết định đến an ninh lương thực quốc gia, vì vậy phải được bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích sử dụng khác. Dự thảo nghị định cũng quy định chặt chẽ hơn các nguyên tắc lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; điều kiện và thẩm quyền xét duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; quy định trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa và người sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ các địa phương và người nông dân trồng lúa. Khi được Chính phủ phê duyệt thực hiện, đây sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ diện tích đất lúa đang giảm mạnh hiện nay. Được biết, trong số 3,8 triệu ha đất trồng lúa của cả nước cần bảo vệ, Chính phủ giao đến năm 2015 tỉnh ta phải giữ được 77.000ha đất lúa, đến năm 2020 giữ được 75.000ha trong tổng số hơn 80.000ha đất lúa của tỉnh hiện nay. Trước đó, ngày 23-3-2011, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 04 về việc tăng cường quản lý việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ nghiêm ngặt quy hoạch đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiến hành việc thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc chuyển đất trong nhóm đất nông nghiệp và chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhất là tình trạng tuỳ tiện chuyển đổi đất cấy lúa sang trồng cây cảnh. Trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, hai trong số các quy hoạch cần thực hiện khi xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải thể hiện rõ các vùng, các khu vực đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến thời điểm này, 100% số xã, thị trấn trong tỉnh đều đã thực hiện xong việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Theo đó, đất trồng lúa đều được các địa phương quy hoạch thành 2 vùng rõ rệt gồm vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực và vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Khó khăn hiện nay là làm sao bảo vệ được những diện tích đất lúa đã quy hoạch này. Thực tế cho thấy, so với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác, thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp. Theo đó, một sào lúa cấy 2 vụ năng suất thường đạt trên dưới 4 tạ thóc. Như giá thị trường hiện tại chỉ được trên dưới 3,5 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, thu nhập của nông dân còn lại không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ, nếu có, cũng chưa thực sự có tác dụng khuyến khích nông dân trồng lúa. Vì vậy, tình trạng nông dân tự ý chuyển đổi sản xuất trên đất lúa vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong khi các biện pháp quản lý của chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả.

Để bảo vệ đất trồng lúa, thời gian tới chính quyền các cấp trong tỉnh cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai nói chung, đất nông nghiệp và đất trồng lúa nói riêng. Khi phải lấy đất trồng lúa sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc lấy đất “bờ xôi ruộng mật” sử dụng cho những việc không thực sự cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng lúa hằng năm. Nhà nước cần sớm xây dựng, áp dụng các chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân trồng lúa, từng bước đưa lợi nhuận từ trồng lúa lên ngang bằng hoặc cao hơn các loại cây nông nghiệp khác, giúp nông dân yên tâm, gắn bó lâu dài với cây lúa, góp phần bảo vệ, duy trì quỹ đất trồng lúa đang từng ngày bị thu hẹp./.

Duy hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com