Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng

08:04, 23/04/2012

Trong quý I và đầu quý II-2012, NHNN đã 2 lần hạ lãi suất huy động vốn. Tiếp đó, phần lớn các ngân hàng đã thực hiện hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với mức lãi suất vay hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh chưa thể có lãi. Đáng lo ngại là vẫn có không ít ngân hàng vẫn lách luật về lãi suất trong huy động vốn và cho vay đối với doanh nghiệp. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng với mức lãi suất hợp lý, cần thực hiện các biện pháp cụ thể.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 4.200 doanh nghiệp, trong đó có gần 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn từ ngân hàng. Theo thống kê dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay doanh nghiệp đến cuối năm 2011 đạt 8.400 tỷ đồng với 1.523 doanh nghiệp, chiếm 46,4% tổng dư nợ nền kinh tế tỉnh. Trong quý I, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đều khẳng định đang dư nguồn vốn, dư nợ cho vay giảm 2,25%, chỉ đạt 18.660 tỷ đồng so với 19.090 tỷ đồng cuối năm 2011; số lượng doanh nghiệp vay vốn chỉ trên 200 doanh nghiệp. Nguyên nhân do lãi suất ngân hàng quá cao nên mặc dù rất cần vốn, doanh nghiệp cũng không dám vay vì nếu có vay để sản xuất, kinh doanh cũng không thể có hiệu quả (!). Qua tìm hiểu thực tế, từ cuối năm 2011, các ngân hàng đều có điều chỉnh hạ lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất cho vay doanh nghiệp được niêm yết vẫn ở mức từ 19% đến trên 20%. Giữa tháng 3-2012, khi NHNN quyết định hạ lãi suất huy động thêm 1% thì mức lãi vay doanh nghiệp được niêm yết vẫn ở mức bình quân trên 17%/năm, chỉ có một số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với lãi suất 16,5%/năm. Đến đầu tháng 4-2012, khi lãi suất huy động tiếp tục được giảm thêm 1%, còn 12%/năm, nhưng mới chỉ có một vài ngân hàng hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp xuống 16,5%/năm. Hầu hết các doanh nghiệp đang vay vốn đều khẳng định ở tình trạng bắt buộc phải vay để tránh phá sản hoặc vì những lý do bất khả kháng chứ không thể có lãi (!).

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT Nghĩa Hưng.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn tại Ngân hàng NN và PTNT Nghĩa Hưng.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh đã được UBND tỉnh, NHNN tỉnh tập trung chỉ đạo từ đầu năm 2011. Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn khó khăn vì nhiều quy định của các ngân hàng khiến doanh nghiệp không có cơ hội làm hồ sơ vay vốn. Đặc biệt, hoạt động cho vay của các ngân hàng chưa thực sự trở thành người bạn đồng hành với doanh nghiệp khi khó khăn mà chỉ mở cửa với những doanh nghiệp có triển vọng, tiềm năng. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bất thường với ngành Ngân hàng, giao trách nhiệm cho ngành Ngân hàng trong các tháng còn lại của năm phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa về tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp của tỉnh. Ngành Ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm chính nếu doanh nghiệp của tỉnh gặp khó khăn vì nguyên nhân thiếu vốn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Thương mại CP Công thương tỉnh mặc dù nguồn vốn huy động chỉ đạt 1.830 tỷ đồng, trong khi dư nợ là 2.073 tỷ đồng nhưng đã đề nghị được tiếp vốn từ hội sở chính để đảm bảo sẵn sàng vốn cho doanh nghiệp có nhu cầu mà không phụ thuộc vào nguồn vốn tại chỗ. Hệ thống ngân hàng NN và PTNT, cũng đẩy mạnh dư nợ cho vay đối với khối doanh nghiệp. Dư nợ tháng cuối năm 2011 của Ngân hàng NN và PTNT Bắc Nam Định riêng tại KCN Hòa Xá đã đạt trên 700 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh có tuần đã giải ngân 26 món vay của doanh nghiệp. Các ngân hàng ngày càng thể hiện rõ sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua quy định cho vay tín chấp, cho vay để doanh nghiệp phát triển tốt nhất. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển áp dụng phương thức đánh giá tài sản thế chấp theo giá thị trường, cho vay không thế chấp với doanh nghiệp có uy tín. Ngân hàng NN và PTNT từ giữa năm đã thực hiện nới rộng mức cho vay đối với doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất, cho vay dựa vào khả năng phát huy, bù đắp vốn của doanh nghiệp. Ngân hàng Công thương tỉnh đã ký cam kết tín dụng với hạn mức lớn với nhiều doanh nghiệp cần vốn như Cty CP Dệt may Sơn Nam (257 tỷ đồng), Cty CP Dược phẩm Nam Hà (69 tỷ đồng), Cty TNHH May Trường Tiến (16 tỷ đồng)… Nhưng như vậy chưa đủ, đồng hành với cho vay còn phải đảm bảo mức lãi suất hợp lý để doanh nghiệp phát huy được hiệu quả vốn vay, thậm chí, hạ lãi suất vốn vay hiện nay được xem là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Để hạ lãi suất, trước hết phải ngăn chặn được tình trạng vi phạm quy định, cố tình vượt trần lãi suất huy động vốn của NHNN. Ngày 13-3-2012, NHNN đã giảm lãi suất cơ bản 1%/năm, lập tức các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm. Thế nhưng lãi suất cho vay đối với các DN chỉ giảm từ 2-4%/năm, vẫn còn ở mức từ 17-19%/năm. Phân tích của các chuyên gia tài chính cho thấy nếu như lãi suất huy động các kỳ hạn đúng 13%/năm như quy định, lãi suất huy động không kỳ hạn ở mức thấp dưới 5%/năm thì lãi suất đầu vào của các ngân hàng khoảng 11%. Như vậy, lãi suất cho vay ở mức 14-15%/năm là ngân hàng đã có lãi. Thế nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức 17-19%/năm. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngân hàng có thật sự huy động với lãi suất 13%/năm hay không? Thực tế cho thấy, ngay sau khi NHNN giảm lãi suất 1%, các ngân hàng ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi. Khách hàng gửi tiền tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng ngay; có ngân hàng có tần suất trúng thưởng lên tới 100%, cào trúng thưởng và chương trình quay số trúng thưởng cuối chương trình với giải đặc biệt từ 1 tỷ đồng trở lên... Cộng thêm chi phí này, lãi suất huy động thực đã cao hơn 13%. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi từ chính sách, biện pháp của Trung ương và NHNN Việt Nam. Đối với địa bàn tỉnh ta, trách nhiệm đảm bảo đúng quy định về trần lãi suất trước hết thuộc về NHNN tỉnh. Thực trạng hiện nay cho thấy công tác quản lý, giám sát các ngân hàng thương mại trên địa bàn tuân thủ quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn chưa chặt chẽ. Từ năm 2011 đến nay, đã có dư luận về việc một số ngân hàng huy động với lãi suất vượt trần nhưng NHNN tỉnh chưa phát hiện ra vụ việc nào. Công tác xử lý một số ngân hàng vi phạm chưa kiên quyết, chưa đủ tính răn đe. Đơn cử như trong việc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13-2-2012 của Thống đốc NHNN vừa qua. Kết quả thanh tra của Thanh tra NHNN tỉnh đến ngày 20-3-2012 có tới 8/13 ngân hàng thương mại chưa thực hiện quy định niêm yết công khai lãi suất. Mặc dù NHNN đã có công văn nhắc nhở nhưng đến ngày 29-3, vẫn còn 3 phòng giao dịch của 2 ngân hàng chưa khắc phục mà không hề có biện pháp xử lý ngoài việc tiếp tục nhắc nhở. Việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về báo cáo lộ trình giảm lãi suất, đến hết tháng 3-2012 cũng chưa thấy ngân hàng nào nộp báo cáo cho NHNN (!). Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ thủ tục, hồ sơ cho vay vốn, lực lượng thanh tra, kiểm tra của NHNN cần phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra, Tài chính… tổ chức các vệt, đợt kiểm tra, phát hiện vi phạm, đồng thời xây dựng đường dây nóng tiếp nhận thông tin, xây dựng cơ chế, quy chế kiểm tra chéo giữa các ngân hàng… Sau khi có phát hiện vi phạm, phải có thái độ xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Cùng với trách nhiệm của NHNN, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có thái độ tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Tâm lý chung của không ít doanh nghiệp là mặc dù phát hiện ngân hàng huy động với lãi suất vượt trần, một số cán bộ ngân hàng sách nhiễu, gây khó khăn trong thẩm định, duyệt hồ sơ vay vốn và một số ngân hàng đòi lãi suất vượt mức niêm yết mới cho vay… nhưng đều ngại va chạm với ngân hàng, sợ bị gây khó khăn nên không dám công khai (!). Doanh nghiệp phải nhận thức việc huy động và cho vay của ngân hàng cũng là một hoạt động kinh doanh, cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp tiếp tục tránh né, ngại va chạm thì những vi phạm đó sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến chính doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com