Những chiến sỹ trên trận tuyến mới

07:05, 01/05/2012

Họ là những CCB từng có mặt tại những nơi “túi bom, vựa đạn” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong nhịp sống mới, những người chiến sỹ năm xưa mang phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ anh dũng trong chiến đấu mà còn luôn đi tiên phong trên “mặt trận” phát triển kinh tế, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ của CCB Bùi Xuân Ngọc, làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) là nạn nhân chất độc da cam, tạo việc làm cho 7 lao động, thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ của CCB Bùi Xuân Ngọc, làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) là nạn nhân chất độc da cam, tạo việc làm cho 7 lao động, thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Đồng chí Trần Tất Thân, xã Trung Đông (Trực Ninh) là một trong 3 đại biểu của tỉnh ta vinh dự được biểu dương tại hội nghị biểu dương các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tiêu biểu toàn quốc năm 2011, do Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Quốc phòng, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí chỉ nhận mình là người CCB may mắn trở về sau chiến tranh, tiếp tục đảm nhiệm công việc và nghĩa vụ của một anh lính Cụ Hồ trên mặt trận mới thời kỳ hội nhập, phát triển đất nước. Tháng 6-1969 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên trẻ Trần Tất Thân tình nguyện lên đường tòng quân đánh Mỹ, ông tham gia chiến đấu tại tuyến lửa Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và lập được nhiều chiến công. Ông được kết nạp Đảng ngay tại chiến hào vào năm 1972. Trong một trận đánh ác liệt, nhiều đồng đội của ông hy sinh tại chỗ, ông bị ngất xỉu do bị địch bắn xuyên tay trái và sức ép của pháo. Máy bay địch càn qua, chúng phát hiện ra ông trong tình trạng bất tỉnh và đưa về nhà tù Đà Nẵng. Từ đó, ông Trần Tất Thân bắt đầu những ngày tháng lưu đày qua các nhà tù của chính quyền Mỹ - ngụy. Tại nhà tù đế quốc, ông và các chiến sỹ cách mạng bị địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, nhưng ông Thân và đồng đội vẫn một lòng theo Đảng, bảo vệ tổ chức, không khai nửa lời. Điên cuồng, địch dùng mọi cực hình đòn roi, dùi cui, ngâm nước; dùng dây điện gắn lên cơ thể, quay tít, làm toàn thân ông co giật, ứa máu; ông bị gãy 6 cái răng. Sau mỗi trận đòn “thừa sống, thiếu chết” ông được đồng đội, đồng chí trong khu biệt giam chăm sóc. Không khuất phục được ý chí của những người cộng sản, giặc chuyển ông về nhà tù Cần Thơ. Tháng 2-1975, ông cùng 6 đồng chí tổ chức vượt ngục, nhưng chỉ có một mình ông thoát khỏi sự bủa vây khốc liệt của kẻ thù. Trở về đơn vị, sau giải phóng, ông tiếp tục tham gia chiến đấu và được giao làm nhiệm vụ truy quét quân Phun Rô ở Lâm Đồng. Năm 1976, ông trở về quê nhà xã Trung Đông (Trực Ninh) tham gia công tác ở địa phương và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.

Trong hai cuộc kháng chiến, tỉnh ta có hơn 30 vạn thương, bệnh binh đã hy sinh tuổi thanh xuân và để lại một phần xương máu nơi chiến trường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong nhịp sống hôm nay, với bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ từng tôi luyện qua những năm chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, các CCB, thương, bệnh binh luôn học và làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch “thương binh tàn nhưng không phế”, vượt khó vươn lên tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều tấm gương CCB thương, bệnh binh là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm đến sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ... Nhờ đó, đời sống của họ và gia đình đã có những bước tiến đáng kể, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo làm giàu cho gia đình. Hiện toàn tỉnh có 297 doanh nghiệp, Cty TNHH; 34 HTX, 340 trang trại, 695 gia trại, hộ sản xuất kinh doanh do CCB, thương, bệnh binh làm chủ. Năm 2011, có 2.996 hộ CCB kinh doanh giỏi cấp xã, phường; 527 hộ giỏi cấp huyện; 99 hộ giỏi cấp tỉnh và 5 hộ giỏi cấp Trung ương. Tiêu biểu như các gương CCB: Nguyễn Đức Phấn, thương tật 61% ở Thị trấn Yên Định (Hải Hậu); Cao Văn Luông, thương tật 81% ở xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Trần Văn Bắc, thương tật 81% ở xã Nam Hoa (Nam Trực); Trương Văn Mão ở xã Tam Thanh (Vụ Bản)… Mô hình nuôi thủy sản của đồng chí Trần Văn Thiêm, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm, thu lãi từ 130-170 triệu đồng. Hay mô hình phát triển kinh tế trang trại tổng hợp và sản xuất gạch chịu lực của đồng chí Trần Văn Kế, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. CCB Nguyễn Viết Hiền, thương binh nặng 1/4, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) là CCB tiêu biểu về phong trào thương binh vượt khó làm kinh tế giỏi của tỉnh. Nhập ngũ năm 1967, ông Hiền vốn là chiến sỹ đặc công F324 chiến đấu tại Trị Thiên Huế. Tại trận đánh cao điểm 454 phía tây Thành phố Huế, ông bị thương nặng, hỏng mắt trái. Năm 1971, do điều kiện sức khoẻ yếu, ông được xuất ngũ trở về địa phương với thương tật 1/4. Những ngày đầu, cuộc sống của người CCB, thương binh nặng Nguyễn Viết Hiền gặp rất nhiều khó khăn; những vết thương do bom thù và chất độc da cam ngày đêm hành hạ, số tiền 2 vợ chồng dành dụm được đều trang trải vào việc thuốc men và tiền viện phí cho ông. Không cam chịu đói nghèo, chỉ dựa vào sự đãi ngộ của Nhà nước, vợ chồng ông quyết tâm phát triển nghề mộc truyền thống của gia đình với các mặt hàng mộc dân dụng, phục vụ nhu cầu của bà con địa phương. Những sản phẩm từ bàn tay của người thương binh đã được nhiều người tin dùng vì chất lượng và mẫu mã đa dạng. Bước vào cơ chế mới, ông mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất. Không quản bệnh tật, ông trực tiếp tìm đến các địa phương trong và ngoài tỉnh có truyền thống về nghề mộc để học hỏi, nâng cao tay nghề, tìm kiếm thị trường. Đến nay, cơ sở sản xuất chế biến lâm sản của gia đình ông được trang bị hiện đại với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 10 đến 15 lao động với thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng là một thương binh nặng, ông Mai Đức Xy, xã Nam Thanh (Nam Trực), thương tật 87%, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, ông còn là người đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình. Với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và dịch vụ thú y, thức ăn chăn nuôi công nghiệp, mỗi năm ông nuôi trên 100 con lợn, trên 1.000 con gà, thu nhập trên 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ cho các gia đình hội viên CCB ở địa phương tiền vốn và hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo.

Tích cực phát triển kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội của các CCB là hình ảnh đẹp của những người lính bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com