Bảo vệ nguồn nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực

07:04, 03/04/2012
Nạo vét kênh mương, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại phường Cửa Nam (TP Nam Định).
Nạo vét kênh mương, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại phường Cửa Nam (TP Nam Định).

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, đây là nguồn tài nguyên hữu hạn, nếu không giữ gìn và sử dụng đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nước, hoặc không bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Những năm gần đây, Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc thiếu nước, hoặc nguồn nước không bảo đảm chất lượng như: Tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa hanh khô khiến nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, vật nuôi bị khô hạn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm; tại một số vùng nuôi thủy sản do nguồn nước ô nhiễm đã khiến tôm, cá chết hàng loạt… Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước, nên khi Bộ TN và MT phát động chương trình hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3) năm 2012, với chủ đề “Nước và an ninh lương thực”, các cơ quan, ban, ngành và đoàn thể của tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nguồn nước. Sở TN và MT đã phối hợp với các ngành: Nông nghiệp, Y tế, KH và CN, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội… đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2012 với mục tiêu: nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, giá trị của tài nguyên nước và nguy cơ bị ô nhiễm, suy kiệt nguồn nước gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thu hút sự tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước của nhân dân một cách lâu dài, bền vững. Trong hoạt động sản xuất công nghiệp, các ngành chức năng đã vận động các chủ doanh nghiệp thực hiện đánh giá tác động môi trường; xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước thải theo quy định; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và thực hiện quan trắc môi trường theo định kỳ. Tại CCN An Xá (TP Nam Định), các doanh nghiệp, công nhân đã tham gia lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2012 và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Đến nay, trong tổng số 39 doanh nghiệp đang hoạt động tại CCN đã có 11 doanh nghiệp được cấp phép chủ nguồn xả thải. Ban quản lý CCN cũng đã tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Trạm xử lý nước thải tập trung của CCN. Dự kiến Trạm xử lý nước thải này sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu quý II-2012, góp phần xử lý hiệu quả nguồn nước thải sau sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN, bảo đảm nguồn nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải vào sông Vĩnh Giang. Tại KCN Hòa Xá, Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, công suất 4.500m3/ngày đêm, công nghệ xử lý tiên tiến cũng đã được nhà thầu thi công bàn giao cho Cty Khai thác phát triển hạ tầng KCN quản lý, chuẩn bị đưa vào vận hành. Hiện đã có 100 doanh nghiệp, đạt 60% tổng số doanh nghiệp đã đấu nối hệ thống xả thải của đơn vị vào trạm, số doanh nghiệp còn lại đang được đôn đốc hoàn thiện sớm… Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, cùng với việc nâng cao nhận thức, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực tăng cường bảo vệ tài nguyên nước. Trong chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2012, toàn tỉnh đã nạo vét 30 cửa cống, bể hút, 20 kênh cấp I, 322 kênh cấp II, 5.169 kênh cấp III, tôn cao khép kín 1.944 bờ vùng, kiên cố hóa hơn 20km kênh mương với tổng khối lượng đất đào đắp 3.667.506m3, xây 5.810m3 gạch đá, đúc 5.426m3 bê tông. Các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thường xuyên rà soát, kiểm tra, tu bổ các công trình, hệ thống, máy móc để nạo vét, không để tình trạng ách tắc, mất an toàn chất lượng nguồn nước tại các tuyến kênh. Ngành NN và PTNT còn chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tiếp cận các nguồn hỗ trợ kinh phí, tranh thủ các dự án cải tạo chất lượng nguồn nước, nâng cao năng suất cây trồng, cải tạo khu chuồng trại chăn nuôi, giảm thiểu mức độ phát sinh, phát tán nguồn nước ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước. Toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần bảo đảm nguồn tài nguyên nước. Trong chăn nuôi, các hộ dân đã áp dụng quy trình nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, trong đó có nhiều trang trại thực hiện nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP; nhiều mô hình nuôi lợn đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong nuôi trồng thủy sản, các trang trại nuôi lớn và các hộ ở những vùng nuôi thuỷ sản trọng điểm trong tỉnh đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước. Tiêu biểu như, trang trại nuôi ba ba thương phẩm ở xã Nghĩa Sơn và Cty TNHH một thành viên Đông Hải, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đang ứng dụng quy trình thực hành nuôi tốt, luôn đạt 100% các tiêu chí: đảm bảo không gây hại đến môi trường nước, khống chế dịch bệnh trên vật nuôi và đảm bảo VSATTP. 14 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi thuộc xã Giao Phong (Giao Thuỷ) đã áp dụng tiêu chuẩn vùng nuôi phát triển bền vững với diện tích 26,5ha. Trong thâm canh lúa, tỉnh ta đã áp dụng phương pháp gieo sạ hàng với tổng diện tích hơn 7.000ha tại tất cả các huyện, thành phố. Với phương pháp này, bà con nông dân đã hạn chế được sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc gây tác động xấu đến nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh việc ứng dụng phương pháp canh tác mới, hằng năm các huyện đã xây dựng các mô hình trình diễn các giống cây trồng mới và đã tìm ra nhiều giống cây phù hợp với đồng đất, điều kiện và tập quán canh tác của địa phương, cho năng suất, chất lượng cao và ít phát tán các loại hóa chất, thuốc trừ sâu ra môi trường nước. Tiêu biểu như các giống lúa: Syn6, NĐ5, QR1, QR2, SQ2.., các giống lạc L23, L26, khoai tây KT3. Trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hoa màu, bà con nông dân đã chủ động thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc thu gom, xử lý các chai lọ, bao bì đựng phân bón, thuốc trừ sâu sau sử dụng đã được thực hiện, giảm dần tình trạng vứt bỏ bừa bãi, tràn lan ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường nước.

Thời gian tới, để bảo đảm có đủ nguồn nước đạt chất lượng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tạo dựng sự đồng tâm, đồng sức của nhân dân trong việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, bảo vệ nguồn nước, áp dụng phương thức sản xuất an toàn, giảm thiểu tác động xấu đến nguồn nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com