Vụ xuân ở Nam Hải

07:03, 30/03/2012

Là vùng quê thuần nông nên Đảng ủy, UBND xã Nam Hải (Nam Trực) xác định dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là khâu đột phá để thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Cuối năm 2011, xã Nam Hải đã triển khai thực hiện đồng bộ việc DĐĐT ở cả 14 thôn xóm. Sau khi thực hiện DĐĐT, mỗi hộ chỉ còn từ 1-2 thửa canh tác, diện tích đất công ích đều đã được quy gọn thành vùng tập trung. Hiện tại, xã đã quy hoạch được 2 vùng sản xuất chuyên canh, trong đó vùng cấy lúa chất lượng cao rộng 120ha với giống lúa Bắc thơm số 7, BC15 và vùng sản xuất lúa năng suất cao rộng 294ha chuyên cấy các giống lúa lai như Nhị ưu 63, D.ưu 527.

Nông dân xóm 18, xã Nam Hải chăm sóc bảo vệ lúa xuân.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Nông dân xóm 18, xã Nam Hải chăm sóc bảo vệ lúa xuân.

Kết hợp với công tác DĐĐT, xã vận động các hộ xã viên làm thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương đảm bảo tưới tiêu thuận lợi để áp dụng gieo sạ hàng và đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng. Toàn xã đã đào đắp được 34.034m3 đất, trong đó đã mở rộng được hơn 1km đường nội đồng, mặt đường rộng 2,5-3m. Nhân dân các xóm 2, 4, 7 đều tự nguyện hiến đất, bình quân 36m2/hộ. Để nâng cao năng suất lúa ngay từ vụ xuân 2012, xã mở rộng diện tích gieo sạ hàng ở các xóm 11, 12, 18, 19 với tổng diện tích 5ha. HTX hỗ trợ xã viên mua công cụ gieo sạ hàng với mức 600 nghìn đồng/công cụ, đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ và cho xã viên đi tham quan các mô hình về kỹ thuật gieo sạ ở các xã khác. Hiện tại, toàn xã có 6 máy làm đất cỡ trung và 4 máy gặt đập liên hợp giúp tiết kiệm chi phí lao động, giảm thất thoát khi thu hoạch. Bằng việc đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh lúa và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất lúa năm 2011 của xã đạt 117,4tạ/ha; phấn đấu vụ xuân năm 2012 đạt 127 tạ/ha, giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 100 triệu đồng/năm. Trong chăn nuôi, xã tập trung phát triển nghề nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời đưa các con giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình nuôi bán công nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Chị Phạm Thị Phương ở xóm 15 cho biết, gia đình chị nuôi 5 con lợn nái và đàn lợn thịt khoảng 60 con; trung bình mỗi tháng xuất bán được hơn 1 tấn lợn hơi. Năm 2011, doanh thu từ chăn nuôi của gia đình chị đạt hơn 300 triệu đồng. Đầu năm nay, chị đã đầu tư thêm 20 triệu đồng để cải tạo chuồng trại chuyển sang nuôi lợn nái giống siêu nạc sinh sản. Dự kiến đến đầu tháng 4 tới, gia đình chị sẽ nhập 15 con lợn nái ngoại giống Duroc từ Cty Giống Thụy Phương ở KCN Đồng Văn (Hà Nam) và được đảm bảo về chất lượng giống. Để nuôi thành công, quy trình nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh được chị tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, hướng dẫn của Cty Cám Anco, Cty CP Thuốc thú y Trung ương, đồng thời tham gia các lớp tập huấn do Trạm Thú y huyện tổ chức. Hiện tại, xã Nam Hải có 10 gia trại. Các hộ đều đầu tư xây dựng hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của xã năm 2011 đạt 100 tấn/năm.

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, thời gian tới, xã Nam Hải tiếp tục quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, phát triển hệ thống đường giao thông, hệ thống thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com