Những trang trại nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm hiệu quả cao ở Xuân Trường

07:02, 01/02/2012

Từ nhiều năm nay, huyện Xuân Trường đã chú trọng phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, huyện chủ trương phát triển đa dạng các loại hình trang trại nuôi thủy sản, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích quy hoạch, chủ yếu là những vùng đất kém hiệu quả, xa khu dân cư; trang trại nuôi thủy sản ở vùng đất trũng, đất nhiễm mặn, đất bãi ven sông…

Anh Lê Văn Bản ở xã Xuân Hoà (Xuân Trường) nuôi thuỷ sản, mỗi năm lãi từ 250-300 triệu đồng.
Anh Lê Văn Bản ở xã Xuân Hoà (Xuân Trường) nuôi thuỷ sản,
mỗi năm lãi từ 250-300 triệu đồng.

Đến nay, tại hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã hình thành các trang trại, gia trại sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Xã Xuân Hòa có gần 30ha vùng đầm được 15 hộ nhận thầu nuôi thủy sản từ đầu những năm 2000. Ban đầu các hộ nuôi chủ yếu tôm sú nhưng hiệu quả không cao nên từ năm 2005, các hộ đã chuyển đổi theo phương thức nuôi đa con. Gia đình anh Lê Văn Bản ở xóm 15 xã Xuân Hòa nhận đấu thầu 5ha và đã đầu tư 5 tỷ đồng để cải tạo ao đầm và mua các thiết bị phục vụ nuôi thủy sản. Năm 2007, anh Bản dành riêng một ao nuôi cá trắm đen và cá vược; đến năm 2010, anh nuôi thêm cá diêu hồng, mỗi năm thu trên 10 tấn cá các loại. Để đạt năng suất cao và tiết kiệm thức ăn trong một ao nuôi, anh thả xen các loại cá. Khi cá truyền thống nặng khoảng 1kg thì anh thả cá vược nặng 0,4-0,5kg. Mỗi năm sau khi thu hoạch xong, anh đều vệ sinh ao đầm nên vùng nuôi không bị ô nhiễm, cá không bị bệnh. Từ nuôi cá, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh có nguồn thu từ 250-300 triệu đồng. Ở Xuân Hòa hiện có nhiều hộ nuôi thủy sản có mức thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ các ông Phạm Đức Cảm ở xóm 13, Lê Thế Nhật ở xóm 15, bà Ngô Thị Liễu ở xóm 1… Các hộ nuôi đều được tập huấn kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ khoa học để tăng năng suất và bảo vệ đàn cá nuôi. Gia đình anh Bản đã đầu tư trên 60 triệu đồng để dựng nhà bạt rộng 1.500m2 che gió, bảo đảm nhiệt độ để nuôi 7.000 con cá vược nhỏ, tránh bị rét trong mùa đông. Khu nuôi thủy sản xã Xuân Vinh rộng hơn 30ha cũng có nhiều hộ nuôi đạt năng suất, hiệu quả cao. Mô hình trang trại tổng hợp của anh Trần Thanh Năm rộng hơn 5ha nuôi cá truyền thống và nuôi lợn mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, các xã của huyện Xuân Trường đều xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại nuôi gia súc, gia cầm. Xã Xuân Kiên có 5 hộ, xã Xuân Tân có 6 hộ, xã Xuân Ngọc có 10 hộ, xã Xuân Thượng có 4 hộ, xã Xuân Tiến có 7 hộ, xã Xuân Thành có 8 hộ có trang trại nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao. Hộ ông Mai Văn Chiến ở xã Xuân Kiên nuôi 8.000 con gà thịt; hộ ông Nguyễn Văn Tuyến ở xã Xuân Ninh nuôi 3.000 con vịt thịt. Ngay từ năm 2004, anh Bùi Xuân Quang ở xóm 8, xã Xuân Kiên đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng trên 500m2 chuồng trại nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp. Ban đầu, anh nuôi mỗi lứa 100 con lợn thịt, mỗi năm 3 lứa, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh thu 40-50 triệu đồng. Khi đã có kinh nghiệm anh đã nuôi thêm lợn nái siêu nạc. Hiện, anh có 25 con lợn nái siêu nạc; lợn con anh tiếp tục nuôi vỗ thành lợn thịt và bán lợn giống cho bà con quanh vùng. Năm 2011 anh bán được hơn 35 tấn lợn thịt, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Đến nay, huyện Xuân Trường có 21 trang trại đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm và gần 50 trang trại, gia trại có mức doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Để các trang trại, gia trại phát triển bền vững, huyện Xuân Trường chỉ đạo các xã, thị trấn công khai quy hoạch đất phát triển trang trại, gia trại, khuyến khích các hộ tự dồn đổi ruộng cho nhau hoặc cho thuê dài hạn ruộng trong vùng quy hoạch để làm trang trại. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để tạo quỹ đất xây dựng trang trại; tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn để xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi; nuôi thủy sản./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com