Ngày xuân bàn chuyện “Ly nông bất ly hương”

08:01, 30/01/2012

Những ngày giáp Tết, các chuyến xe ô tô khách từ Hà Nội về Nam Định đều chật kín bởi những người đi làm ăn xa trở về sum họp với gia đình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Chuyện về một bộ phận lao động nông thôn ''Ly nông, ly hương'' lên thành phố tìm việc làm đang là vấn đề được cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm. Để không phải “ly hương”, cần tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người lao động.

Ở xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường), trong mấy ngày Tết, các trục đường chật kín các loại xe ô tô. Đồng chí Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Nghiệp cho biết, đó là trên 200 chiếc xe taxi (hãng taxi Thiên Vương) do người Thọ Nghiệp làm lái xe taxi tại Hà Nội mang về và cả những chiếc xe riêng. Đồng chí còn cho biết, tỷ lệ người đi “làm ăn xa” chiếm  khoảng 50% số người trong độ tuổi lao động của địa phương (trên 5.000 người). Nhiều gia đình cả vợ, chồng đều đi làm ăn xa. Thu nhập của những lao động phổ thông với các nghề như giúp việc, buôn đồng nát, xe ôm, xây dựng… bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, còn đối với lái taxi thì trên 10 triệu đồng/người/tháng. Có những gia đình khi con học đại học thì cả nhà cùng đi lên theo, bố mẹ thì làm các nghề để nuôi con ăn học… Để phát triển ngành nghề thu hút lao động của địa phương, xã Thọ Nghiệp đã du nhập một số nghề như móc sợi, may công nghiệp, đúc vỏ lon hộp..., tạo việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Tuy nhiên, các nghề này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu việc làm, thu nhập, nên phải rời quê đi kiếm việc làm là vấn đề bức bách của người dân trong xã. Không chỉ ở xã Thọ Nghiệp mà hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh đều có tình trạng nông dân lên thành phố kiếm việc làm, việc đồng áng, chăm sóc ruộng vườn đều giao hết cho những người ở nhà, chủ yếu là người già. Ở thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực), nổi tiếng với nghề làm bánh đa, bánh phở thì nay "phở Giao Cù" đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo người dân nơi đây, 60%-70% số người ở độ tuổi lao động của xã đều đi làm ăn xa.

Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) chăm sóc cây vụ đông.
Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) chăm sóc cây vụ đông.

Sản xuất nông nghiệp thời gian lao động tập trung vào gieo cấy và thu hoạch, tính cả hai vụ, tổng thời gian làm việc chưa hết một tháng nên nhu cầu việc làm và thu nhập của nông dân rất lớn. Ở nhiều địa phương trong tỉnh có đến 50%-60% số người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Những người đi làm ăn xa đã mang về nguồn thu nhập khá cho gia đình, cải thiện cuộc sống, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái từ việc nhiều người đi làm ăn xa cũng không ít: bố mẹ già không có người chăm sóc; con cái thiếu sự dạy dỗ, giáo dục của cha mẹ, nhiều học sinh bê trễ việc học hành; người già, trẻ em phải đảm nhận cả những công việc nặng nhọc; một số người đi làm ăn xa về mang theo cả tệ nạn nghiện hút ma tuý, gây phức tạp về ANTT ở địa phương...

Để khắc phục tình trạng nông dân đi làm ăn xa với những hệ luỵ phức tạp, những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo khôi phục các nghề truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi để đưa nghề mới về nông thôn nhằm tạo việc làm, thu nhập cho nông dân. Các hình thức hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề nông thôn được triển khai có hiệu quả tại nhiều nơi. Huyện Nam Trực phát triển mạnh nghề cơ khí ở Thị trấn Nam Giang và xã Nam Thanh; nghề dệt Nam Hồng; hoa cây cảnh Điền Xá. Ý Yên có nghề đúc đồng, cơ khí, gỗ mỹ nghệ; Xuân Trường có nghề sản xuất máy móc phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng... Điển hình là huyện Ý Yên có ba xã có làng nghề truyền thống phát triển mạnh như Yên Xá, Yên Ninh và Yên Tiến. Hiện trên địa bàn 3 xã có 187 doanh nghiệp trong đó Yên Xá là 90 đơn vị, Yên Tiến là 62 đơn vị và Yên Ninh là 35 đơn vị. Như vậy, chỉ tính 3 xã trên số lượng doanh nghiệp đã chiếm gần bằng 2/3 toàn huyện. Tổng số thu ngân sách từ phát triển kinh tế của 3 xã trên đến tháng 10-2011 là hơn 5 tỷ đồng. Nhưng, ngoài con số trên thì con số hàng chục nghìn lao động của các địa phương này hầu như không phải ly hương có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội. Đó là thế mạnh của việc phát triển các làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, trong hơn 90 làng nghề truyền thống của tỉnh, chỉ được một số làng nghề có hiệu quả kinh tế cao trong điều kiện khó khăn mọi mặt đối với doanh nghiệp, hộ sản xuất cá thể. Yếu tố bền vững ở đây đều được lãnh đạo địa phương có nghề ghi nhận do phần lớn sản phẩm vẫn phục vụ nhu cầu trong nước. Riêng những nghề sản xuất các mặt hàng xuất khẩu do tính cạnh tranh cao, cộng với thị trường chưa ổn định dẫn đến sản xuất bấp bênh như xã Yên Tiến (Ý Yên), Vĩnh Hào (Vụ Bản)... Để người dân không phải “ly hương” thì phải giải quyết được việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân và thu nhập đó phải ổn định để người dân không phải đi xa. Vậy, "nghề gì" để tạo việc làm cho bà con tăng thu nhập ngay chính mảnh đất quê hương. Và "cơ giới hóa thế nào" để giảm lao động trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề nan giải cho các cấp ngành từ Trung ương đến cơ sở. Trả lời được các câu hỏi này thì vấn đề “ly nông bất ly hương” mới được giải quyết. Và để thực hiện CNH-HĐH nông thôn và thực hiện “ly nông bất ly hương” cần quan tâm đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực; trong đó phải đổi mới mạnh mẽ cả về mục tiêu, nội dung phương pháp, tổ chức đào tạo và đưa nghề, đưa doanh nghiệp về các vùng nông thôn./.

Bài và ảnh: Văn Bắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com