Năm 2012: Thu nhập bình quân hộ nghèo sẽ tăng 1,6 lần

02:02, 02/02/2012

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Trọng Đàm, công tác giảm nghèo năm 2011 đã đạt nhiều kết quả đáng mừng, song chênh lệch giàu nghèo giữa các huyện nghèo và huyện phát triển vẫn còn khá lớn. Do đó, bước sang năm 2012, ngân sách đầu tư cho giảm nghèo năm 2012 dự tính sẽ tăng lên so với năm 2011, trung bình mỗi huyện được đầu tư 200-250 tỷ đồng/năm (trong khi năm 2011, mỗi huyện chỉ được đầu tư trên dưới 200 tỷ đồng).

Nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả. Ảnh: PV
Nhiều mô hình giảm nghèo đã được triển khai hiệu quả.  Ảnh: PV

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB và XH, trong 3 năm (2009-2011), tổng số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là 8.535 tỷ đồng. Bình quân mỗi huyện được bố trí 130 tỷ đồng/huyện, trong đó: 2 năm (2009-2010) bố trí 4.840 tỷ đồng, bình quân 2.420 tỷ đồng/năm. Năm 2011, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí 3.695 tỷ đồng cho 62 huyện nghèo. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, dự án khác, các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư của Trung ương trên địa bàn đã ưu tiên bố trí vốn cho 62 huyện nghèo trong 3 năm khoảng 22.000 nghìn tỷ đồng; bình quân các huyện nghèo được bố trí khoảng 118 tỷ đồng/huyện/năm.

Nhờ các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trên đời sống của người nghèo cơ bản được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 12% theo chuẩn nghèo hiện hành (giảm 2,2%), trong đó các huyện nghèo giảm bình quân 5%, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đáng chú ý đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm ở 62 huyện nghèo với tổng số 82.814 nhà, đạt 97,27% kế hoạch hỗ trợ nhà ở; nhiều địa phương đã hoàn thành sớm mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bước sang năm 2012, Bộ LĐ-TB và XH đặt ra mục tiêu tăng thu nhập bình quân của hộ nghèo lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, riêng ở các huyện nghèo vùng dân tộc, miền núi sẽ tăng 2,5 lần. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm (theo chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2011-2015). Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng; phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, từng bước phát huy lợi thế về địa lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi; lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tới đây Quốc hội sẽ thông qua danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia cho 5 năm tới, trong đó có chương trình giảm nghèo. Chúng ta sẽ triển khai Chương trình này bắt đầu từ năm 2012. Chương trình tập trung cho 62 huyện nghèo cộng với 7 huyện mới được Thủ tướng bổ sung thêm vào diện 30a. Các xã nằm trong Chương trình 135, các xã biên giới, ngang biển, hải đảo cũng tiếp tục được tập trung đầu tư. Về ngân sách đầu tư cho giảm nghèo năm 2012 dự tính sẽ tăng lên so với năm 2011, trung bình mỗi huyện được đầu tư 200-250 tỷ đồng/năm (trong khi năm 2011, mỗi huyện chỉ được đầu tư trên dưới 200 tỷ đồng).

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cần tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt... Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nhanh chóng xây dựng quy hoạch xóa đói giảm nghèo, lấy gốc của vấn đề giảm nghèo bền vững là tạo được quỹ đất sản xuất cho người dân, xây dựng mô hình sản xuất tốt, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy lợi thế và phù hợp từng vùng./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com