Giao Xuân gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

02:12, 31/12/2011
Thu hoạch ngao ở bãi biển Giao Xuân (Giao Thủy).
Thu hoạch ngao ở bãi biển Giao Xuân (Giao Thủy).
Ảnh: Internet

Những năm gần đây, xã Giao Xuân (Giao Thủy) đã tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong sản xuất thủy sản, các hộ nuôi ngao trong xã đã chuyển từ cách thức làm ăn riêng lẻ sang hợp tác theo nhóm 2, 3 hoặc 5 người nhằm hỗ trợ nhau tài chính, tăng cường đầu tư BVMT, thích ứng trước biến đổi khí hậu (BĐKH). Xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi ngao bền vững với cơ chế quản lý tốt và áp dụng chung một quy tắc sản xuất an toàn, BVMT, hỗ trợ nhau tăng cường vị thế trên thị trường. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, sau 3 tháng thả ngao giống, tốc độ tăng trọng của ngao cao hơn các năm trước từ 2-3 lần, tỷ lệ sống cao hơn so với các năm trước. Hiện nay, nhờ hoạt động nuôi trồng phát triển theo hướng bền vững, BVMT nên 600 chủ nuôi ngao trong xã đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân đạt 150 nghìn đồng/người/ngày. Nhiều hộ dân trong xã còn tham gia chương trình phát triển kinh tế du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tham gia chương trình phát triển mô hình du lịch này, xã đã đẩy mạnh chương trình trồng rừng sinh thái, bảo vệ các đàn chim di cư… Nhân dân tích cực học tập, áp dụng kỹ năng sử dụng hiệu quả, chính đáng nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường xung quanh để cung cấp cho du khách các dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường như: ngắm cảnh làng quê, bãi bồi sân chim, ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi chung với gia đình các hộ dân trong xã. Chỉ tính riêng năm 2011, hoạt động du lịch cộng đồng xã Giao Xuân đã thu hút gần 1.000 khách trong và ngoài nước, đem lại thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/tháng cho hơn 20 hộ dân trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, đã có một doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp Ecolife đã cải tạo quán cà phê thành sân khấu giao lưu, có góc thư viện trang bị sách báo, tạp chí và có một hệ thống máy tính kết nối internet để phục vụ nhân dân trong xã cũng như du khách du lịch giao lưu, chia sẻ thông tin và sáng kiến về ứng phó với BĐKH. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 2011, Ecolife Cafe đã tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng thu hút hàng trăm lượt người tham gia các bài học về sinh kế mới, môi trường và các kỹ năng cần thiết để ứng phó tốt hơn với BĐKH. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hàng chục hộ dân tham gia nuôi giun quế với quy mô 100m2 đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần cải tạo chất lượng đất. Đến nay, các hộ dân trong xã còn thành lập CLB sinh kế thân thiện môi trường với 30 thành viên tham gia. Thông qua các mô hình nuôi trồng hải sản thân thiện với môi trường, người dân ven biển nhận thức rõ hơn về mối quan hệ giữa nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch, sẽ đi kèm với ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, qua đó, tự nguyện tham gia BVMT và hệ sinh thái biển theo hướng bền vững. Xã đã thành lập đội thu gom rác thải tại 100% số thôn xóm và ban hành các quy chế nhắc nhở, xử phạt nghiêm các trường hợp xả thải rác thải không đúng nơi quy định.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, hiện xã đang khẩn trương xây dựng một bãi xử lý rác thải tập trung tại xóm Xuân Tiên với diện tích 2ha; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nghiêm túc áp dụng các biện pháp BVMT trong sản xuất, kinh doanh./.

Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com