Nhìn lại năm 2011: Vững vàng trong sóng gió

02:12, 29/12/2011

Đầu năm 2011, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Cùng đó, Bộ Chính trị có Kết luận số 02 và Quốc hội có Nghị quyết số 59 về điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Đó là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, thể hiện bước tiến mới trong tư duy phát triển và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân đồng tình ủng hộ và quốc tế đánh giá cao...

Bức tranh toàn cảnh

Bố cục và màu sắc bức tranh tổng thể kinh tế năm 2011 của Việt Nam với những nét chấm phá chủ đạo là: Chính phủ nhất quán điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công; miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Kết quả là, bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP (kế hoạch là 5,3%), thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ. Chính sách tiền tệ được xử lý chặt chẽ, linh hoạt và có nhiều quyết đoán mạnh mẽ hơn: Ước cả năm, tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%; vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm tỷ trọng vốn vay của khu vực phi sản xuất; lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát khá chặt chẽ và có kết quả bước đầu. Nợ công được giữ ở mức an toàn. An ninh năng lượng và lương thực được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì liên tục...

Việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư và Cty chứng khoán là vô cùng cấp thiết. Ảnh: PV
Việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư và
Cty chứng khoán là vô cùng cấp thiết. Ảnh: PV

Trong điều kiện giá cả thị trường tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Cùng với việc ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chương trình và chính sách hiện có, trọng tâm là hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; tạo việc làm gắn với đào tạo nghề; trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khó khăn và khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ nhân dân tham gia hệ thống bảo hiểm và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; nhiều chế độ, chính sách về an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã được ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng diện thụ hưởng nhằm giúp người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn.

Năm 2011 vẫn ghi nhận những cú "sốc" kinh tế trên nhiều lĩnh vực..., mà điển hình là cú sốc "mở hàng" đầu năm - điều chỉnh tỷ giá VND với USD (tăng 9,3% từ ngày 11-2-2011). Tiếp ngay sau đó là dồn dập những cú sốc về tăng giá xăng - dầu (từ 17 đến 24%) và giá điện (15,2%). Sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn những cú sốc tăng giá "khủng" sau thời gian dài cố nén trước đó đã làm bùng phát các xung lực tiêu cực dẫn đến hệ lụy lạm phát cao kéo dài với mức hơn 1% so với tháng trước suốt ba quý đầu năm, khiến ba lần Chính phủ phải chính thức điều chỉnh mức CPI từ mức kế hoạch đến cuối năm 2011 là 7,5% lên 15%, rồi phấn đấu đạt chỉ 18%, bất chấp đã có cải thiện rõ rệt so với mọi năm về hạn mức tăng tín dụng (chỉ còn khoảng 12% so với kế hoạch dưới 20%) và thâm hụt NSNN (chỉ còn 4,8% so với kế hoạch 4,9%).

Năm 2011, cũng là năm ghi nhận nhiều tranh cãi cả trên các phương tiện thông tin đại chúng và tạo lúng túng cho ngân hàng, cũng như những nghi ngại cho người dân về cố gắng kiểm soát thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 23-2-2011 của Chính phủ; đặc biệt là các động thái cố gắng khống chế trần lãi suất huy động và hạn mức tín dụng, hạn chế đối tượng được tiếp cận giao dịch tín dụng ngoại tệ, thậm chí tịch thu ngoại tệ buôn bán "ngoài luồng"; lập rào cản hành chính "tiêu chuẩn hóa" nhằm giảm thiểu đối tượng đủ chuẩn được phép thực hiện nhiệm vụ độc quyền Nhà nước về nhập khẩu, sản xuất và buôn bán vàng miếng.

Dù được tiên liệu từ đầu năm, song dư luận cũng không tránh khỏi sốc khi tin nợ xấu của khối ngân hàng thương mại tăng vọt tính đến cuối tháng 10-2011 lên 76 nghìn tỷ đồng, tức tới hơn 3,5% tổng dư nợ, trong đó 47% là nợ khó đòi. Đặc biệt, những vụ đổ vỡ tín dụng đen bùng nổ trên nhiều địa phương cả nước, nhất là ở các đô thị lớn vào những tháng cuối năm 2011, với quy mô "khủng" hàng vài trăm tỷ đồng, đã không chỉ tạo sốc trong đời sống hàng trăm nghìn hộ gia đình có liên quan trực tiếp và gián tiếp, mà còn làm tăng sự e ngại về độ lành mạnh và nguy cơ tạo sốc đổ vỡ đô-mi-nô của thị trường tín dụng trong nước...

Năm 2011, lần đầu tiên gây sốc cho nhà đầu tư khi bùng nổ những đợt đại hạ giá các bất động sản và chứng khoán vốn trong tình trạng ế dài trước đó. Không phải là việc đóng băng rồi chờ giá ấm, nóng trở lại như mọi năm, mà thật sự là phải hạ giá từ 30 đến 40%, thậm chí 50% so với giá đỉnh cao, nhưng vẫn khó tìm khách hàng đến với những chung cư cao cấp và nhà liền kề, biệt thự vốn bị bỏ hoang cả năm nay. Bất ngờ hơn khi giá trên thị trường chứng khoán giảm thê thảm còn khoảng 900 đồng/cổ phiếu, trong khi tuyệt đại đa số hàng hóa và dịch vụ khác đều đồng loạt tăng giá theo mức lạm phát...

Dự báo kinh tế 2012

Nhận diện những bất cập và đặc biệt xử lý tốt các hệ quả đã, đang và sẽ phát sinh của những cú sốc kinh tế nêu trên trở thành một trong những yêu cầu bức thiết để ngăn ngừa và kiểm soát tốt hơn sự tái lặp các cú sốc đó trong tương lai.

Theo nhiều dự báo của các tổ chức chuyên nghiệp và cá nhân uy tín trong và ngoài nước, năm 2012, nhất là trong nửa đầu năm, đặc biệt trong quý 2-2011, nhìn chung sẽ có nhiều tín hiệu mầu xám hơn năm 2011 xét cả về kinh tế và xã hội, cả trên phạm vi thế giới cũng như quốc gia và mỗi ngành... Đặc biệt, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục xu hướng yếu và yếu hơn, kể cả USD, Euro; khả năng đồng nhân dân tệ, yên Nhật và rúp Nga sẽ tăng giá chậm...

Ngày 20-9-2011, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 4% cho hai năm 2011 và 2012, thấp hơn 0,3% so với dự báo đưa ra vào tháng 6. Ở trong nước, tiếp tục phải xử lý các tồn tại cùng những vấn đề đã, đang và sẽ đặt ra.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn. Trong "Tổng quan kinh tế thế giới năm 2011" mới công bố tháng 9-2011, IMF đã đưa ra những dự báo khá lạc quan cho Việt Nam.

Và, điểm nhấn nổi bật cho tài chính Việt Nam năm 2012 sẽ là sự tiếp nối nhất quán các xu hướng chủ trương, điều hành và chính sách đang thực hiện năm 2011. Tuy nhiên, sẽ có sự cải thiện đáng kể một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính vĩ mô, như mức lạm phát, lãi suất, cân đối ngân sách và tổng vốn đầu tư ngân sách, tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, cũng như sự gia tăng quy mô và vai trò đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư xã hội./.

Theo: nhandan.com.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com