Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà trăn trở “bài toán” lao động

08:10, 26/10/2011
Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà đầu tư máy tiện CNC vừa tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm.  Bài và ảnh: Vân anh
Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà đầu tư máy tiện CNC vừa tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Tiền thân từ một cơ sở sản xuất hàng mộc mỹ nghệ truyền thống ở La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà (quốc lộ 10 - TP Nam Định) đã phát triển nhanh cả về quy mô và thị trường. Cty hiện có hai cơ sở sản xuất, một cơ sở tại làng nghề La Xuyên và trụ sở chính cũng là nơi sản xuất kinh doanh, tiếp thị giới thiệu sản phẩm ở ven quốc lộ 10. Anh Nguyễn Văn Hiền, giám đốc Cty cho biết: Năm 2011 là năm khó khăn chung của các doanh nghiệp nhưng do không quá phụ thuộc vốn vay ngân hàng nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty vẫn ổn định. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Cty đã đầu tư hàng tỷ đồng trang bị máy sấy gỗ chân không phục vụ nhu cầu sử dụng vài nghìn khối gỗ tự nhiên mỗi năm, và hệ thống máy đục CNC có thể đục các chi tiết, họa tiết hoa văn phức tạp, đáp ứng yêu cầu sản xuất các đơn hàng lớn. Cty chú trọng tuyển dụng đội ngũ cán bộ tin học, thiết kế kỹ thuật, đồ họa bằng máy tính làm nhiệm vụ tư vấn, thiết kế mẫu mã sản phẩm kết hợp với những yếu tố tinh hoa của nghề mộc truyền thống với phong cách hiện đại. Sản phẩm của Cty đa dạng, gồm đồ mộc cho nội thất văn phòng công sở, hội trường, nhà khánh tiết, hay biệt thự, khách sạn, gia đình... Cty luôn bảo đảm việc làm ổn định cho khoảng hai trăm lao động tại chỗ và vài trăm lao động ở các cơ sở vệ tinh. Ngoài việc trả lương phù hợp cho các bộ phận, Cty còn có các ưu đãi bồi dưỡng giữa ca, ăn trưa… Tuy nhiên vấn đề lao động đang là điều trăn trở lớn của Cty. Hiện tại Cty sắm cả xe ca, hàng ngày sang tận Thái Bình đón công nhân, chiều lại đưa về. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động là do ngành sản xuất chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh nên lực lượng lao động tại chỗ không cung cấp kịp. Mặt khác, năm nay do bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp không thể nâng giá hợp đồng để bù đắp cho các chi phí gia tăng đột biến như giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhiên liệu… nên mặc dù đã giảm lợi nhuận kinh doanh để giữ ổn định sản xuất cũng khó để tăng lương theo yêu cầu của người lao động. Một nguyên nhân khác là tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh lao động không lành mạnh; lợi dụng tâm lý “đứng núi này trông núi khác” của một bộ phận lao động, có doanh nghiệp “dùng chiêu” cho người “rỉ tai” công nhân chỗ này, chỗ kia trả lương cao hơn trong khi hợp đồng lao động không được ký kết chặt chẽ các điều khoản ràng buộc trách nhiệm các bên khi phá vỡ hợp đồng nên người lao động dễ dàng “nhảy việc”. Ở Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà, lao động đến học việc được trả lương 2 triệu đồng/tháng trong thời gian 5 tháng, hết thời hạn này nếu tay nghề vững được trả lương theo công việc. Mặc dù việc ký kết hợp đồng lao động cũng chặt chẽ nhưng Cty vẫn không tránh khỏi tình trạng công nhân bỏ Cty vào thời điểm khó khăn để xin việc chỗ khác. Để góp phần tháo gỡ vấn đề này, các tổ chức hiệp hội của doanh nghiệp nên tổ chức các hoạt động tập huấn, tư vấn cho các doanh nghiệp về công tác nhân sự, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục người lao động có kiến thức đầy đủ, toàn diện về quyền lợi và trách nhiệm hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com