Xuân Trường với mục tiêu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2015

09:09, 29/09/2010

 

Huyện Xuân trường đang thay da đổi thịt
Huyện Xuân trường đang thay da đổi thịt.
Ảnh: Internet
Xuân Trường là huyện có truyền thống phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Hàng năm, doanh thu  từ ngành công nghiệp của huyện luôn đứng trong "tốp" đầu của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, sản xuất CN-TTCN của huyện tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá cố định năm 1994) của toàn huyện ước đạt hơn 587 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2009. Một số lĩnh vực sản xuất có tốc độ tăng trưởng khá là: cơ khí, dệt may, sản xuất đồ gỗ, chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Sản xuất CN-TTCN phát triển đã thu hút và tạo thêm việc làm cho gần 1000 lao động. Mục tiêu đến hết năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 800 tỷ đồng, trong đó công nghiệp quốc doanh 130 tỷ đồng, công nghiệp dân doanh 670 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu quy đổi là 20 triệu USD. Các làng nghề của huyện phát triển bền vững góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện cũng như của từng xã, thị trấn. Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện, đồng chí Phạm Công Thuận, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định mục tiêu trong 5 năm tới huyện Xuân Trường phấn đấu trở thành huyện công nghiệp. Theo đó, năm 2015 cơ cấu kinh tế của huyện sẽ là: Công nghiệp (50%) - dịch vụ (30%) và nông nghiệp (20%). Khi đó, giá trị sản xuất CN-TTCN ước đạt khoảng 2300 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu của năm 2010. Để đạt được mục tiêu này, sản xuất công nghiệp của huyện phải đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23-24%/năm. Từ tình hình thực tế, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống sản xuất, lao động, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Trường đang quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra. Huyện ủy đã ra nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề, làng nghề nông thôn. UBND huyện tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển CN-TTCN, phù hợp với yêu cầu thị trường và bảo đảm phát triển bền vững. Các ngành, các xã, thị trấn huy động mọi nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển CN-TTCN và làng nghề. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, mở rộng các CCN: Xuân Tiến, Xuân Bắc, CCN trung tâm huyện và CCN đóng tàu. Các ngành nghề được huyện ưu tiên đầu tư phát triển gồm: sửa chữa, đóng mới phương tiện vận tải thủy; công nghiệp dệt may; cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Huyện tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hộ thành lập doanh nghiệp mới; một số doanh nghiệp cũ mở rộng quy mô, ngành nghề, lĩnh vực sản xuất. Từng bước xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN; đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với năng lực tài chính, trình độ quản lý và lợi thế của từng đơn vị, địa phương. Hiện nay ở hầu hết các làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ nên khả năng cạnh tranh của các mặt hàng còn hạn chế. Huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, đồng thời khuyến khích các xã, thị trấn từng bước phát triển làng nghề truyền thống, du nhập thêm một số nghề mới về địa phương để tạo thêm việc làm cho người lao động ở các vùng nông thôn. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí từ quỹ khuyến công của các cấp và địa phương, Chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, huyện sẽ chỉ đạo Phòng Công Thương mở các lớp dạy nghề: cơ khí, hàn điện, sửa chữa phương tiện vận tải thủy, mây tre đan xuất khẩu, thêu ren, chế biến lâm sản… cho lực lượng lao động ở các vùng nông thôn; đào tạo kỹ năng, phương pháp quản lý con người, quản lý tài chính cho chủ doanh nghiệp, tạo nguồn lao động có trình độ tay nghề phục vụ các nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các Cty, doanh nghiệp, làng nghề. Nhờ đó, nhiều Cty, doanh nghiệp đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư, đổi mới trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm: cơ khí, vật liệu xây dựng, dệt may… trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và khoảng 2300 hộ tham gia sản xuất CN-TTCN ở các làng nghề thu hút hàng chục nghìn lao động. Huyện sẽ tiếp tục mở rộng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, CCN để thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành và xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường, bảo đảm phát triển sản xuất CN-TTCN theo hướng bền vững. Huyện huy động tổng hợp các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp các tuyến đường trục liên xã, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá, thu hút đầu tư, nhằm đưa sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Với những mục tiêu, giải pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể, trong 5 năm tới, huyện Xuân Trường phấn đấu sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành huyện công nghiệp đầu tiên của tỉnh./.

Phạm Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com