Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn

09:09, 17/09/2010

 

Làng văn hoá Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực).  Ảnh: Xuân Thu
Làng văn hoá Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Ảnh: Xuân Thu

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hướng tới mục tiêu "Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường". Cùng với các mục tiêu phát triển kinh tế xây dựng hệ thống chính trị, chương trình đặc biệt chú trọng đến nội dung, mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở cơ sở, nơi triển khai thực hiện, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân về nội dung, mục tiêu của chương trình xây dựng NTM chưa thực sự đầy đủ. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đề án của các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng NTM đề cập chủ yếu đến nội dung đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn; nội dung phát triển văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc ở nông thôn ít được đề cập, chưa có các giải pháp giải quyết cụ thể, có tính khả thi. Nhận thức không đầy đủ này sẽ dễ dẫn đến sự "chệch hướng" trong quá trình triển khai thực hiện, mục tiêu tổng thể, hài hoà giữa phát triển kinh về và văn hoá - xã hội ở nông thôn sẽ không được đảm bảo thực hiện. Và trong thực tế, trên địa bàn nông thôn trong tỉnh vẫn còn không ít những vấn đề xã hội phát sinh gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đã mang lại cho nông thôn tỉnh ta sự đổi thay, phát triển toàn diện. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Hoạt động kinh tế diễn ra khá sôi động. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, dịch vụ. Số hộ khá, giàu tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương đều chỉ còn dưới mức 10%, nhiều xã chỉ còn 3-4%, không còn hộ đói. Nhiều địa phương đã đạt được một số tiêu chí trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM do Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó, địa bàn nông thôn của tỉnh vẫn đang tồn tại, xuất hiện thêm nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhất là tình trạng lao động nông thôn thiếu việc làm, chi phí cho các dịch vụ xã hội (khám chữa bệnh, học hành của con em…) vượt quá khả năng chi trả của hầu hết các hộ dân nông thôn; tai, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng; dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được ngăn chặn hiệu quả; các giá trị văn hoá truyền thống đang ngày càng bị mai một… Trường hợp vợ chồng anh Q, chị T ở thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực), chỉ có 2 sào ruộng khoán, nuôi thêm vài con lợn, con gà nên kinh tế gia đình luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhất là từ khi đứa con đầu đến tuổi đi học. Để tháo gỡ khó khăn, vợ chồng anh đã cho chị T sang Đài Loan làm nghề giúp việc gia đình. Cùng đi với chị T còn có hơn 10 chị khác trong xã. Từ khi vợ vắng nhà, anh Q bỗng đổi nết, từ một người hiền lành, chăm chỉ anh sinh tật rượu chè, cờ bạc, "quên" cả việc chăm sóc, dạy bảo con cái. Tiền công chị T gửi về không đủ cho anh trả nợ vì chơi bời. Chuyện gia đình anh Q, chị T không phải là trường hợp cá biệt mà đang khá phổ biến ở các thôn làng trong tỉnh. Ruộng đất ít, chi phí sản xuất cao, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, không có nghề phụ, nên họ "đổ" về các đô thị tìm kiếm việc làm thêm, số khác tìm kiếm cơ hội đi lao động ở nước ngoài. Bên cạnh lợi ích trước mắt (có thêm thu nhập giải quyết khó khăn), việc lao động nông thôn thường xuyên phải đi làm ăn xa để lại nhiều hệ luỵ xã hội phức tạp, cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ, con cái thiếu sự chăm sóc, dạy bảo đầy đủ của cha mẹ, rủi ro, nguy cơ mắc tệ nạn xã hội cao. Nếu như trước đây, số người nghiện ma tuý thường xuyên tập trung ở khu vực đô thị thì hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực nông thôn. Kết quả khảo sát của Công an tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh cho thấy ở hầu hết các xã trong tỉnh đều có người nghiện ma tuý, một số địa phương đã trở thành "điểm nóng" về vấn nạn này. Thời gian qua, chỉ riêng xã Nam Thanh (Nam Trực) đã xảy ra hơn 10 vụ buôn bán, sử dụng ma tuý bị công an bắt giữ, xử lý. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Công an xã Nam Thanh cho biết: "Hiện xã có 14 người nghiện có hồ sơ quản lý, 9 người thuộc diện nghi nghiện. Tuy nhiên, số người nghiện của xã thực tế lớn hơn rất nhiều". Cùng với tình trạng thiếu việc làm, tai tệ nạn xã hội gia tăng, địa bàn nông thôn trong tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác như ô nhiễm môi trường ở các làng quê đã trở thành vấn đề nổi cộm, bức xúc, mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu. Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy các chỉ số an toàn môi trường ở hầu hết các làng nghề trong tỉnh đều không đảm bảo. Tỷ lệ người dân mắc các bệnh hiểm nghèo liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các làng nghề khá cao, tuổi thọ bình quân thấp.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống từ lâu đã được đặt ra. Tuy nhiên làm thế nào để gìn giữ, phát huy thì vẫn chưa được cụ thể hoá. Trong khi đó tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí trong việc cưới, việc tang, lễ hội đang tái diễn ở cấp độ cao hơn, hoạt động mang tính mê tín diễn ra khá phổ biến. Trên thực tế, ở một số địa phương văn hoá làng xã đã mất đi trong khi văn minh đô thị chưa tới, hoặc nếu tới cũng chỉ là "ảnh hưởng" của văn minh đô thị… Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc phát triển xây dựng, kiến trúc. Hiện xây dựng, kiến trúc nông thôn được thực hiện không theo quy hoạch mà hoàn toàn tự phát.

Phản ánh một số vấn đề văn hoá, xã hội nổi cộm, bức xúc trong đời sống nông thôn hiện nay để thấy rằng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn phải được các cấp uỷ Đảng, chính quyền xác định là một nội dung, đồng thời là mục tiêu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh các mục tiêu phát triển hạ tầng, kinh tế, các địa phương cần tăng cường nguồn lực cho các mục tiêu văn hoá - xã hội nhằm đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển văn hoá - xã hội./.

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com