Những tiến bộ mới trong khuyến nông đang được nhân rộng

07:09, 23/09/2010

Với chức năng chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp để nông dân ứng dụng nhằm không ngừng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, lực lượng khuyến nông trong tỉnh mỗi năm xây dựng hàng trăm mô hình khảo nghiệm, trình diễn tại các địa phương.

Vụ đông 2009, HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) trồng hơn 70 ha, thu nhập bình quân 1,2-1,4 triệu đồng/sào. Ảnh: Dương Đức
Vụ đông 2009, HTX Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) trồng hơn 70 ha, thu nhập bình quân 1,2-1,4 triệu đồng/sào.
Ảnh: Dương Đức

Để bổ sung vào tập đoàn giống lúa cấy của tỉnh theo hướng năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh và thiên tai, mỗi vụ Khuyến nông tỉnh thu thập 30-35 dòng giống lúa lai và lúa thuần khác nhau đưa vào khảo nghiệm ở 3 vùng sinh thái của tỉnh: Giao Tiến (Giao Thuỷ), Chi nhánh giống Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), Minh Tân (Vụ Bản) và trình diễn 3-4 giống có triển vọng tại hàng chục HTX trong toàn tỉnh. Riêng vụ xuân năm 2010, Khuyến nông tỉnh đã đưa vào khảo nghiệm 46 giống lúa mới và gần chục giống có triển vọng đã qua cấy khảo nghiệm để trình diễn. Qua nhiều vụ trình diễn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn và đề nghị đưa vào cơ cấu cấy 2 giống lúa thuần và 1 giống lúa lai. Giống lúa thuần BC15 là giống cảm ôn, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, năng suất đạt 60-70 tạ/ha, cao hơn giống lúa cấy đối chứng KD18 là 10-15%. BC15 thích ứng với tất cả các chân đất, kể cả chân vàn trũng và chống đổ tốt, thời gian sinh trưởng ngắn; gạo ngon, cơm mềm, vị đậm, giá thóc thương phẩm cao hơn các giống lúa khác và chỉ đứng sau BT7. Giống lúa thuần TBR45, năng suất đạt 70-78 tạ/ha, cao hơn các giống lúa cấy đối chứng 16-23%. Giống lúa TBR45 là giống ngắn ngày, cấy được cả 2 vụ trong năm đều cho năng suất cao, cơm ngon, gạo trong, chất lượng tốt; giống thích ứng với chân vàn, vàn cao, chống bạc lá tốt, chưa thấy nhiễm bệnh đạo ôn, nhiễm rầy nhẹ. Đây là giống thay thế cho KD18, VHC trong tương lai và thực tế 2 giống lúa thuần này ở phía bắc tỉnh có xã cấy 50-70% diện tích, năng suất và hiệu quả cao. Do đây là giống lúa thuần, giá giống rẻ hơn nhiều so với lúa lai và nông dân có thể tự để giống cho cấy vụ sau, năm sau theo chương trình sản xuất giống nông hộ đã được triển khai tại các địa phương cách đây 3-4 năm. Giống lúa lai 3 dòng TX111 có thời gian sinh trưởng ngắn, sức chống chịu và thích ứng cao, gieo cấy được ở cả 2 vụ trong năm. Năng suất lúa thực tế trong nhiều vụ gần đây đạt 70-90 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa D.ưu 527 là giống lúa lai chủ lực hiện đang cấy tại tỉnh ta, không những năng suất cao hơn mà chất lượng gạo, cơm cũng hơn hẳn giống lúa D.ưu 527 và các giống lúa lai 3 dòng hiện đang được cấy trên đồng ruộng tỉnh ta. Giống lúa TX111 được mệnh danh là "ba nhất" đang từng bước thay thế giống D.ưu 527 và một số giống lúa lai khác. Giống lạc mới L26 là giống ngắn ngày được đưa vào trồng trình diễn tại HTX Bắc Cường (Ý Yên) ngay trong vụ xuân 2010; năng suất đạt 48 tạ/ha, cao hơn giống trồng đối chứng cùng trong chân đất và cách chăm sóc là 6,25%. Đặc biệt giống lạc L26 chất lượng tốt, vỏ lụa nhẵn, màu hồng rất được người tiêu dùng ưa chuộng…

Cùng với việc khảo nghiệm, trình diễn theo mô hình để tuyển chọn các giống lúa, cây trồng mới, vụ xuân 2010 Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục lựa chọn một số loại phân bón hữu cơ vi sinh nhằm cải tạo đất, khắc phục tình trạng canh tác làm nghèo đất do thiếu phân chuồng hiện nay và tăng chất lượng, khả năng chống chịu đối với cây trồng. Từ thực tế ở các điểm trình diễn như HTX Xuân Lạc (Xuân Trường), HTX Bắc Cường (Ý Yên)… phân hữu cơ vi sinh nhãn hiệu Sông Gianh có hàm lượng hữu cơ 20% được khẳng định tốt nhất vừa cho năng suất, chất lượng cao, vừa tạo ra sức chống chịu hơn hẳn và hiệu quả lớn nhất. Hạch toán kinh tế, bón phân vi sinh này với cây lúa cho thu nhập cao hơn 2,5-2,7 triệu đồng/ha khi đã trừ hết chi phí vật chất so với mô hình đối chứng. Các mô hình gieo sạ được tiến hành tại các địa phương thực sự là một tiến bộ kỹ thuật. Chỉ sau 9-10 phút, một lao động đã gieo sạ xong 1 sào ruộng, giảm hoàn toàn công lấy bùn, gieo mạ, nhổ mạ, cấy… theo phương pháp truyền thống. Lượng thóc giống trong gieo sạ cũng giảm 40-50% so với cấy truyền thống, dàn lúa gieo sạ sinh trưởng phát triển tốt, cân đối, cứng cây, bộ rễ khoẻ. Thời gian sinh trưởng cũng rút ngắn hơn so với lúa cấy 7-8 ngày và năng suất thu thực tế tăng 10-13,8%. Hiệu quả sản xuất tăng trên dưới 3 triệu đồng/ha so với cấy lúa truyền thống. Năm 2009, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nông dân mua 650 chiếc máy gieo sạ và đến nay người nông dân đã tự đầu tư mua sắm máy gieo sạ với số lượng lên tới trên 1000 máy. Vụ xuân năm 2010, có xã gieo sạ hàng đạt tới 72% diện tích như xã Nam Mỹ (Nam Trực) và nhiều xã có diện tích gieo sạ chiếm 20-50% diện tích như Giao Tiến (Giao Thuỷ), Hải Hà (Hải Hậu), Trung Thành (Vụ Bản), Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng)…

Năm 2010, qua Hội Khuyến nông tỉnh, Nhà nước đã hỗ trợ mua 13 chiếc máy gặt đập liên hợp thích ứng với từng chân ruộng và hầu hết các chân ruộng cấy tại các địa phương trong tỉnh máy gặt đập liên hợp đều có thể sử dụng trong thu hoạch. Với bình quân 5 phút cho 1 sào ruộng thì một ca 8 giờ làm việc của máy với 3 công nhân có thể thu hoạch được 3,5ha (96,7 sào Bắc Bộ). So với gặt truyền thống bằng liềm thì 1 ca máy vận hành hiệu suất bằng 97 người lao động. Vụ xuân 2010, tại Nghĩa Hưng giá thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ là 90-100 nghìn đồng cho mỗi sào, nhưng thuê nhân công gặt bằng tay nhiều hộ đã phải bỏ ra 130-150 nghìn đồng cho 1 sào ruộng. Từ mô hình trình diễn, đến nay tuy thống kê chưa đầy đủ nhưng số lượng máy gặt đập liên hợp ở tỉnh ta đã đạt gần 100 máy.

Còn nhiều mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được xây dựng mang lại hiệu quả kinh tế cao như thâm canh lúa, thâm canh cây màu, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc, chăn nuôi gà an toàn sinh học, cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt… nhưng việc nhân ra diện rộng còn chậm. Để những tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng nhanh, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao từng bước CNH-HĐH nông nghiệp là nhiệm vụ không riêng của ngành NN-PTNT./.

Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com