Qua tháng hành động Vì chất lượng VSATTP: Xử phạt còn thiếu tính răn đe

03:06, 11/06/2010

 

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra chất lượng VSATTP tại nhà hàng Thu Thuỷ (TP Nam Định). Ảnh: Dương Đức
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra chất lượng VSATTP tại nhà hàng Thu Thuỷ (TP Nam Định).                                              Ảnh: Dương Đức

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 9409 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, trong đó có 5653 cơ sở do UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, chiếm 60%; 3107 cơ sở do cấp huyện quản lý và 649 cơ sở cấp tỉnh quản lý. Trong Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm nay, toàn tỉnh đã thành lập 244 đoàn thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP, đã tiến hành kiểm tra ở 5610 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong đó riêng tuyến xã kiểm tra được 4154 cơ sở.

Trong Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP, công tác đảm bảo VSATTP bước đầu đã nhận được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể các cấp song trên thực tế chất lượng công tác thanh, kiểm tra về VSATTP còn nhiều vấn đề đáng bàn trong đó hoạt động xử lý, xử phạt các cơ sở có vi phạm còn hời hợt khiến cho hoạt động thanh, kiểm tra thiếu tính nghiêm túc, răn đe. Qua báo cáo nhanh kết quả kiểm tra ở 5610 cơ sở, có 3744 cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP, còn lại 1866 cơ sở không đạt, tuy nhiên chỉ có 526 cơ sở bị xử lý với mức độ chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, không có cơ sở nào bị đóng cửa, chỉ có 4 cơ sở sản xuất bánh phở bị thu hồi, tiêu huỷ sản phẩm do phát hiện trong bánh phở có phooc môn với số lượng sản phẩm bị tiêu huỷ không đáng kể so với số sản phẩm tiêu thụ trên thị trường mỗi ngày. Có 8 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt thu được trong Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP là 4,2 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi cơ sở vi phạm chỉ bị phạt trung bình 500 nghìn đồng, một mức phạt quá nhẹ so với những lỗi vi phạm.

Hiện nay, trong điều kiện công tác quản lý chất lượng VSATTP còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm chất lượng VSATTP diễn ra khá phổ biến, nhất là ở những cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố, hầu hết không đảm bảo các quy định về nhà xưởng, điều kiện, trang thiết bị sản xuất, đội ngũ nhân viên, những người trực tiếp làm công việc chế biến kinh doanh thực phẩm không được tập huấn về kiến thức VSATTP... Đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, những vi phạm chủ yếu vẫn là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng, tuy nhiên số cơ sở bị phát hiện còn quá ít, điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều vi phạm về VSATTP bị bỏ qua. Ở TP Nam Định, trong Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành trong quá trình kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm rượu có chứa chất metanol nhưng không tiến hành tịch thu, tiêu huỷ theo quy định(!). Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh trong điều kiện nhà xưởng chật hẹp, mất vệ sinh nhưng chỉ bị nhắc nhở. Từ việc xử phạt chưa nghiêm dẫn đến tư tưởng coi thường của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Thông thường đối với các cơ sở bị đóng cửa, đình chỉ sản xuất, đoàn thanh tra sẽ lập biên bản gửi đến cấp quản lý, trực tiếp là UBND huyện, thành phố hay các xã phường nhưng vì nhiều lý do, công tác giám sát thực hiện chưa được chặt chẽ nên có khi đình chỉ hôm trước, hôm sau cơ sở lại trở lại hoạt động bình thường mà không gặp bất cứ một trở ngại nào(!). Đơn cử gần đây nhất là vụ sản xuất, kinh doanh mỡ bẩn tại cơ sở Dũng Xuân ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực), lực lượng Cảnh sát Môi trường đã phát hiện và đã có quyết định đình chỉ hoạt động song khi đoàn thanh tra liên ngành xuống kiểm tra vẫn thấy cơ sở sản xuất bình thường. Khi được hỏi thì chủ cơ sở nói là sản xuất mỡ để dùng bôi trơn máy đùn gạch tại các cơ sở sản xuất gạch song trên thực tế, mỡ này được bán cho các nhà hàng, các cơ sở chế biến kinh doanh thực phẩm khác trong và ngoài địa bàn. Điều đó cho thấy việc giám sát xử lý hậu thanh tra còn lỏng lẻo.

Theo quy định của Pháp lệnh VSATTP, UBND các cấp phải chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý Nhà nước về VSATTP trên địa bàn quản lý, nhất là ở cấp xã, phường - nơi quản lý đa số các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có nhiều nguy cơ mất VSATTP nhưng trên thực tế ở một số nơi, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác này, do vậy hiệu lực quản lý Nhà nước về VSATTP còn bị buông lỏng dẫn đến ý thức chấp hành của các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm còn hạn chế, tình trạng vi phạm quy định về VSATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, một số ngành chức năng có liên quan như ngành nông nghiệp, quản lý thị trường, khoa học công nghệ... chưa thực sự vào cuộc trong việc đảm bảo VSATTP trong lĩnh vực mình quản lý, vẫn còn tư tưởng coi công tác đảm bảo VSATTP là nhiệm vụ của ngành Y tế. Vì vậy hiện nay, việc quản lý chất lượng VSATTP ở các khâu nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, rau củ, các loại thịt gia súc, gia cầm hầu như còn bị bỏ ngỏ.

Hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm. Muốn làm tốt công tác này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng như Y tế, Quản lý thị trường, Công an, NN - PTNT, sự "vào cuộc" của chính quyền các địa phương... Cần có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với các cơ sở có vi phạm. Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra của các cơ sở vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở có vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng./.

Hoài Phương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com