Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở một xã vùng giáo

08:07, 13/07/2021

Với trên 99% dân số theo đạo Công giáo, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) là một trong số ít xã Công giáo toàn tòng trên cả nước. Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên, nhân dân trong việc thi đua lao động, sản xuất, đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Khu trung tâm xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) hôm nay. Ảnh: Khối Nguyên

Khu trung tâm xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) hôm nay.

Ảnh: Khôi Nguyên

I. “Việc gì khó có… đảng viên”

Những năm gần đây, xã Nghĩa Lạc có bước chuyển mình mạnh mẽ. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, tiện ích. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Hệ thống giao thông, chợ nông thôn được làm mới, mở rộng, nâng cấp; các nhà văn hóa xóm, điện đường, hệ thống camera an ninh giám sát… đầy đủ khang trang, đồng bộ. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%... Đó là những kết quả đáng trân trọng từ những quyết sách “thấu tình, đạt lý”, hợp lòng dân, được cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tạo hiệu ứng tích cực động viên người dân hăng hái tham gia. Thực tiễn sinh động từ các phong trào ở 13 xóm, đội của xã đã chứng minh cho điều đó. Một trong những “khâu đột phá” trong xây dựng xã NTM được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Lạc xác định chính là xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế cũng như đi lại của người dân. Suốt 10 năm qua, từ sự tiên phong gương mẫu thực hiện của những đảng viên, phong trào tình nguyện hiến đất mở đường được bà con giáo dân nơi đây tích cực hưởng ứng, trở thành phong trào sâu rộng. Còn nhớ, năm 2013, khi tỉnh có chủ trương mở rộng tuyến đường tỉnh 488C chạy qua các khu dân cư trên địa bàn xã. Theo quy hoạch tuyến tỉnh lộ này được nâng cấp mở rộng từ 7m lên 11m, trong đó lòng đường rộng 9m. Để có đất mở rộng đường đúng quy hoạch, gần 3km qua địa bàn xã có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng về đất và công trình trên đất. Gia đình đảng viên Trần Đức Hiệt ở xóm Nguyên Lực là hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhất là đất mặt đường, lại sắp mở rộng, việc giải phóng mặt bằng các công trình giao thông được thực hiện theo cơ chế xây dựng NTM nghĩa là không có đền bù hỗ trợ về đất hay công trình, tài sản trên đất nên với hàng trăm mét vuông đất không dễ để bàn giao nếu tư tưởng người dân chưa thông?!. Được Thường trực Đảng ủy xã tuyên truyền, vận động, đồng chí Hiệt đã thấm nhuần, tự giác vận động người thân trong gia đình hiến 240m2 và 4 anh chị em trong dòng họ hiến hơn 460m2 đất thổ cư để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Đồng chí Hiệt tâm sự: Ban đầu nhiều người cũng so sánh, tính toán hơn thiệt bởi chỗ này, nơi kia được hỗ trợ đền bù khi Nhà nước giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. Nhưng khi nghe tôi giải thích, việc hy sinh một phần mặt bằng của mình so với số tiền Nhà nước bỏ ra đầu tư xây dựng cả tuyến đường thì có thấm gì. Công trình hoàn thành, mình là những người được hưởng lợi đầu tiên. Đường sá phong quang, rộng rãi, sạch đẹp cũng góp phần nâng giá trị phần đất còn lại của chính các gia đình… Theo gương đảng viên Trần Đức Hiệt, hàng trăm hộ dân trong xóm đã tự nguyện tháo gỡ công trình trên đất, giải phóng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Cũng từ đây, phong trào “hiến đất làm đường” tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ ra các xóm, đội. Trong những năm qua, nhân dân trong xã đã hiến 14ha đất thổ cư, đất ruộng để làm đường giao thông, đường nội đồng. Mới đây nhất, khi huyện triển khai xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn đi qua địa bàn xã đoạn tiếp giáp tỉnh lộ 488C đến nhà văn hóa xóm Đồng Lợi với tổng chiều dài 1.119m; gia đình đảng viên Trần Đức Hiệt và gia đình các em đã hiến 330,4m2 đất ruộng để làm đường. Thế mới thấy khi “đảng viên” đi trước thì “làng nước theo sau” việc dù khó đến mấy cũng được thực hiện dễ dàng!

Đảng viên Nguyễn Thanh Bình, xóm Đồng Hưng đã tiên phong gương mẫu, đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp để trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Khôi Nguyên

Đảng viên Nguyễn Thanh Bình, xóm Đồng Hưng đã tiên phong gương mẫu, đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp để trồng hoa, cây cảnh.

Ảnh: Khôi Nguyên

Phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho người dân luôn là bài toán khó với nhiều địa phương trong thực hiện tiêu chí thu nhập. Làm thế nào để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ngay tại địa bàn, nông dân không phải “ly hương” luôn là điều Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nguyễn Thanh Bình trăn trở suy nghĩ. “Phải có mô hình thực tế hiệu quả để người dân tận mắt thấy và tin theo”. Nghĩ là làm, ông Bình và gia đình quyết định chuyển đổi cải tạo diện tích vườn tạp sẵn có để trồng cây cảnh. Ông Bình bàn với vợ con mua đất màu bổ sung nền vườn, bón phân, vôi bột cải tạo đất; phá cây xoài không còn hiệu quả; đồng thời dành nhiều thời gian tìm đọc thông tin về kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh; rồi đi khắp các tỉnh, thành phía Bắc để tham quan, học tập. Sau khi nắm rõ kỹ thuật, ông đầu tư trồng 300 gốc quất, 200 gốc đào, 200 gốc mẫu đơn đỏ, mẫu đơn vàng. Chọn đúng đối tượng thực hành đúng kỹ thuật, cây hoa đã không phụ người. Trừ chi phí mỗi năm nhà ông thu lãi 120-150 triệu đồng. Theo gương đảng viên Nguyễn Thanh Bình, nhiều đảng viên, hội viên CCB trong xã đã cải tạo vườn tạp, phát triển phong trào trồng hoa, cây cảnh mang lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình. Năm 2020, xã có 45 hội viên CCB được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 6 hội viên đạt cấp tỉnh, 28 hội viên cấp huyện. Nhiều hội viên phát triển kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm như các hội viên Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Thiệp, Đinh Văn Thành…

Xóm Đồng Lực là địa bàn trung tâm và được Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Lạc lựa chọn làm điểm xây dựng xóm NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bí thư chi bộ xóm Đồng Lực Trần Trung Viện cho biết: Với mục tiêu hoàn thành xây dựng xóm NTM nâng cao trong năm 2021 và xóm NTM kiểu mẫu trong năm 2023, Ban chi ủy chi bộ xóm đã ra nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ xây dựng xóm NTM nâng cao; phân công từng đảng viên phụ trách từng phần công việc cụ thể. Các đảng viên làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao; từ đó vận động mọi người chung tay góp sức thực hiện với phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, lấy chi bộ đảng làm nòng cột; gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Nhờ đó đến nay trên 300m đường thôn xóm đã được mở rộng với mặt đường rộng 3m, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng tiêu chuẩn đô thị, hệ thống camera an ninh. Xóm thành lập tổ thu gom rác thải và thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn để xử lý. Sáng thứ 7 của tuần đầu tiên hàng tháng chị em trong chi Hội Phụ nữ xóm tổ chức quét dọn, nhặt cỏ, tỉa cây và thu gom rác thải… Nhờ sự năng động, nhạy bén, nhiệt tình, trách nhiệm của Bí thư chi bộ và các đảng viên mà xóm Đồng Lực luôn đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Xóm có trên 92% người dân tham gia bảo hiểm y tế, gần 60% hộ gia đình được dùng nước máy… Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh trong suốt 10 năm qua.

Tinh thần, trách nhiệm nêu gương tiên phong làm “việc khó” của cán bộ, đảng viên trong xã đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương./.

(Còn nữa)
Vũ Xuân Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com