Góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (kỳ 3)

06:06, 30/06/2021

[links()]

(Tiếp theo và hết)

III - Tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Với nhiều giải pháp đồng bộ, việc phát huy vai trò của nhân dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã tạo bước chuyển rõ rệt trong các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, góp phần tích cực đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng vào cuộc sống. Trong đó, đã từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kỷ cương và trật tự hành chính trong cơ quan, đơn vị theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm; tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng, nâng cao vai trò, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền; tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,9%/năm, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 14,2%/năm, giá trị hàng xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2,2 tỷ USD. Chương trình xây dựng NTM có sự khởi sắc và tạo được dấu ấn đậm nét, đã hoàn thành sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều thành tích mới. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh duy trì thành tích 25 năm liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 95%. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) giảm còn dưới 1%. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Người dân xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) xem bảng niêm yết các thủ tục hành chính tại Trụ sở UBND xã (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Bài và ảnh: Văn Trọng
Người dân xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) xem bảng niêm yết các thủ tục hành chính tại Trụ sở UBND xã (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). 

Tuy nhiên, việc tham gia góp ý, phản ánh của nhân dân về biểu hiện suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Ở một số địa phương, hiệu quả phát huy vai trò giám sát, góp ý kiến của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa cao; việc tổ chức để nhân dân góp ý kiến trực tiếp cho cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm. Một số nơi do không làm tốt công tác tuyên truyền định hướng, xử lý tốt các vấn đề mới nảy sinh nên tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn xảy ra; có vụ việc kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi còn hình thức; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp với tình hình thực tế. Trình độ năng lực, kinh nghiệm giám sát và phản biện xã hội của một số cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu... Để tiếp tục phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về quyền, trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; nhận diện 27 biểu hiện và tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cung cấp thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để dân được biết, bàn bạc; tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân. Thực hiện công khai minh bạch trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo cơ chế để người dân phát hiện, phản ánh các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; quy định về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; cơ chế bảo vệ người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến cán bộ, đảng viên được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền gần dân, vì dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các Quyết định số 217-QĐ/TW, số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động xây dựng quy chế làm việc định kỳ giữa đoàn thể và các cơ quan Nhà nước đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tiếp tục chủ động, tích cực làm tốt việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Chú trọng lựa chọn nội dung giám sát tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, những vấn đề nhân dân có nhiều bức xúc, kiến nghị, phản ánh. Hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng./. 

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com