Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; năng động, sáng tạo xây dựng huyện Mỹ Lộc giàu mạnh, văn minh

06:07, 10/07/2020

Trần Minh Thắng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Lộc

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mỹ Lộc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định ý chí của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện quyết tâm “Phát huy truyền thống quê hương, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 có 70% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Trong 5 năm qua, Đảng bộ, quân và dân toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, nổi bật là:

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo, trong đó, công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ luôn được coi trọng, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của địa phương, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/HU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”. Việc quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được đổi mới với các hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, chú trọng cụ thể hoá nhiều vấn đề sát với thực tiễn của địa phương. Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng được đổi mới, có chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên đạt kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được củng cố, phát triển; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng hướng về cơ sở, đảm bảo thiết thực, tập trung xây dựng các tổ chức trong sạch, vững mạnh.

Kinh tế của huyện có bước phát triển mới, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 11,07%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ trong nền kinh tế; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 85% (năm 2015 chiếm 78%); ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15% (năm 2015 chiếm 22%). Quy mô kinh tế được mở rộng hơn. Tổng giá trị sản xuất tăng 1,23 lần; thành lập mới 137 doanh nghiệp, tăng hơn 2 lần so với năm 2015; hơn 1.000 hộ đăng ký kinh doanh. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh 2010) tăng bình quân 2,35%/năm; giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 112,5 triệu đồng/ha. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn. Đã hình thành 5 cánh đồng lớn (30ha trở lên), trồng lúa chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới; huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, về đích trước hơn 1 năm so với mục tiêu Đại hội đề ra, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn qua 5 năm đạt trên 3.900 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015; hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện lực, trường học, văn hóa, y tế, trụ sở làm việc quan trọng... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị, nông thôn của huyện.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những thành tích mới. Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng lên. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, xanh - sạch - đẹp - an toàn. Công tác quản lý lễ hội chuyển biến tốt hơn. Thực hiện kịp thời các chính sách xã hội và an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh trật tự khi Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc hoạt động trở lại.

Một góc xã nông thôn mới Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư
Một góc xã nông thôn mới Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Ảnh: Viết Dư

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mỹ Lộc rút ra bài học kinh nghiệm chủ yếu như sau:

Một là: Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, sức chiến đấu, vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Hai là: Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp theo phương châm vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn cụ thể, bức xúc của địa phương, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo hiệu quả hoạt động. Đảm bảo sự lãnh đạo vừa toàn diện, đồng bộ, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt quy chế làm việc, phát huy dân chủ và trách nhiệm tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân; bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình.

Ba là: Bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong cấp uỷ, thường vụ, thường trực cấp uỷ trên cơ sở thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Tăng cường chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bốn là: Bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển văn hoá - xã hội với quốc phòng, an ninh. Quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: đời sống, việc làm, vệ sinh môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội... Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ và tham gia giám sát của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương. Chăm lo nâng cao đời sống, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, nhất là đối với những vấn đề lớn như: Xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu kiện, tranh chấp... Thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hoá, nhân đạo, từ thiện.

Năm là: Tích cực tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong việc thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, kế hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Sáu là: Xây dựng và bảo đảm ổn định xã hội từ cơ sở là yếu tố then chốt đảm bảo ổn định chính trị, đồng thuận xã hội và phát triển kinh tế trong toàn huyện. Chú trọng công tác tuyên truyền, cổ động, phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo hướng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của địa phương, chăm lo, bảo vệ quyền lợi thiết thực, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ huyện Mỹ Lộc xác định mục tiêu tổng quát: Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân; tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy lợi thế của địa phương để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh về kinh tế - xã hội. Triển khai tích cực kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phát triển kinh tế hài hoà, gắn kết với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Giai đoạn 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Lộc quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có một số chỉ tiêu chủ yếu: Giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) tăng bình quân 10-12%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh 2010) tăng bình quân 2-2,5%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng (giá so sánh 2010) tăng bình quân 16-17%/năm. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 11-12%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế (giá trị sản xuất) nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10%; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 350 tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống còn dưới 0,17%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2025: 70% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%; trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ 15 đến 20%. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%; trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ 15 đến 20%. Tỷ lệ chính quyền cơ sở vững mạnh đạt 80% trở lên...

Để đạt các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện Mỹ Lộc tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá: Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng đô thị thông minh; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn huyện theo quy hoạch, nhất là các nhà đầu tư lớn, có công nghệ cao, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp, đô thị, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Chú trọng công tác quản lý thực hiện quy hoạch trên địa bàn huyện. Tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và các thành phần kinh tế để đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Kiên quyết khắc phục tình trạng buông lỏng công tác quản lý đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Quan tâm các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội. Tiếp tục củng cố vững chắc quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Mỹ Lộc tiếp tục phát huy truyền thống, thành tựu đạt được; đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo; quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII; tạo bước phát triển mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng huyện Mỹ Lộc giàu mạnh, văn minh./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com