Xác định mô hình hợp lý, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

07:06, 06/06/2017

Ngày 5-6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đánh giá cao nội dung Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, trong đó nhận định: “Để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm như trên, trách nhiệm chính trước tiên thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, người tiêu dùng thực phẩm, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. 

Hiện nay, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm gồm 3 cơ quan: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN và PTNT. Nhiều đại biểu QH nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay là do sự phân công quản lý Nhà nước chưa hợp lý. 

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Báo cáo đã đưa ra nội dung quan trọng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc nêu trách nhiệm này còn chung chung. Thực trạng về quản lý an toàn thực phẩm hiện nay có trách nhiệm của cả 3 bộ, nhưng Báo cáo không nêu rõ trách nhiệm mỗi bộ, chỉ ra hạn chế, yếu kém của bộ nào là chính. UBND là cấp có trách nhiệm chính tại địa phương, song địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt cũng chưa được liệt kê trong Báo cáo. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, không làm rõ được trách nhiệm của mỗi bộ, ngành, địa phương, sẽ khó đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

 Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng từ nguồn tin của Văn phòng QH phục vụ hoạt động giám sát cho biết, về việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, 53,4% người được hỏi trả lời là không hợp lý hoặc chưa hợp lý. Cũng câu hỏi đó, kết quả khảo sát của Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp thống kê cho thấy: 73% cán bộ y tế, 60% cán bộ công thương và 57% cán bộ nông nghiệp được hỏi cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm như hiện nay là không hợp lý. Từ dẫn chứng này, đại biểu thấy rằng giữa người dân và cán bộ quản lý chuyên ngành đã có sự tiệm cận về ý chí khi đánh giá về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay. 

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng cho rằng, một số quy định về phân công trách nhiệm còn chồng chéo và nhiều bất cập. Việc quản lý một số mặt hàng, sản phẩm còn sự giao thoa giữa các bộ, chưa phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm chủ trì, nên dẫn đến buông lỏng quản lý hoặc không phân định rõ trách nhiệm chính thuộc bộ nào. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất một cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, không nên để 3 bộ cùng quản lý như mô hình hiện nay. 

Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đánh giá, việc quy định về quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay được phân công theo chức năng sẵn có của các bộ này. Thực tế cho thấy, sự phân công này tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa có sự phối hợp hiệu quả, nhất là chưa thực sự chuyên môn hóa ở một số nơi và thống nhất trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đại biểu nêu: “Quản lý an toàn thực phẩm cần tuân thủ quy luật tự nhiên và sự toàn vẹn của chuỗi cung ứng thực phẩm. Việc 3 bộ khác nhau quản lý đã vô tình băm nhỏ chuỗi cung ứng này và làm giảm đi hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm”. 

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn như hiện nay. Lý do một phần bởi các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phổ biến ở quy mô hộ gia đình, phân tán. Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm còn chưa đầy đủ. Quy trình sản xuất lạc hậu, việc sử dụng chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia trong nuôi trồng, chế biến còn tràn lan, chủ yếu làm theo kinh nghiệm, thiếu quy chuẩn. Một bộ phận các cơ sở, cá nhân kinh doanh mang tính chộp giật, sản xuất chạy theo lợi nhuận, không màng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn kiến nghị, Nghị quyết của QH cần có những mục tiêu định lượng với thời hạn cụ thể bên cạnh việc đề ra những định hướng, giải pháp mang tính chất định tính để Chính phủ chủ động thực hiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giúp QH, các cơ quan của QH, đại biểu QH thực hiện công tác giám sát. Điển hình như cần quy định tỷ lệ giảm mỗi năm bao nhiêu phần trăm số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 100% tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; phấn đấu 80% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 80% chợ được kiểm soát, quy hoạch an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, cần khẩn trương tổng kết mô hình quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm hiện nay, nhất là mô hình quản lý đã và đang được thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, sớm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan đầu mối, cơ quan chủ trì, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, phân tán lực lượng; phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chức năng từ cấp Trung ương đến cơ sở trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai kiến nghị, cần thiết lập đường dây nóng với số ngắn gọn, dễ nhớ, để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các khu sản xuất tập trung, KCN. Các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM; đưa việc thực hiện vấn đề an toàn thực phẩm vào cơ chế tự quản trong hương ước, quy ước làng, xã ở các vùng nông thôn để xử lý hiệu quả các vấn đề của cộng đồng. Xác định cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội LHPN các cấp, bởi phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ tại cộng đồng, cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình. 

Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với đề xuất của Đoàn Giám sát cho phép sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính từ vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của địa phương. Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, mức trích cho khen thưởng ở mức 20-30% như trong Dự thảo Nghị quyết là còn thấp. Số tiền xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm không lớn như trong lĩnh vực an toàn giao thông. Vì vậy, đại biểu đề nghị dành tỷ lệ từ 50-70% nguồn này để khen thưởng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, việc tăng cường kinh phí, nguồn lực cho quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ nên xác định đây là giải pháp tạm thời, thực hiện trong một thời gian nhất định. Về lâu dài, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng cần tính toán một cách đồng bộ việc xử lý nguồn kinh phí xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước đã được hưởng lương, chế độ phụ cấp trách nhiệm, làm ngoài giờ… nên không nhất thiết phải trích từ 20-30% kinh phí phạt cho khen thưởng. Qua xem xét, nếu thấy lực lượng này xứng đáng được hưởng thêm chế độ khác thì cần có quy định rõ ràng. Nguồn chi cho các chế độ hưởng thêm nên được trích từ ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch; không nên trích phần trăm từ tỷ lệ tiền phạt vì khoản tiền này ở nhiều địa phương hiện đang khó thống kê được chính xác, đầy đủ. 

Tham gia giải trình, làm rõ các ý kiến đại biểu QH tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thông tin về đợt giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của QH trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng đánh giá đợt giám sát đã đáp ứng đúng yêu cầu, mong mỏi của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

Qua trực tiếp tham gia cùng Đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đoàn đã triển khai giám sát theo phương thức vừa tổ chức thực hiện theo chương trình kế hoạch, vừa tiến hành giám sát đột xuất nhằm nắm bắt khách quan những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã tham gia giám sát ở các địa bàn nóng bỏng về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi đi thực tế, Đoàn giám sát đã xây dựng kế hoạch tổng kết, báo cáo, tiến hành rà soát, lấy ý kiến công phu, dân chủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH, đảm bảo thông báo kết quả giám sát sát với tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng nêu: Trong 5 năm qua, kể từ khi thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Việt Nam đã sản xuất, chế biến được khối lượng sản phẩm nông nghiệp cơ bản đảm bảo nhu cầu cho hơn 90 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch trên 70 triệu tấn nông sản, với giá trị đạt trên 140 tỷ USD, thặng dư xấp xỉ 43 tỷ USD; góp phần cùng kết quả đạt được trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, đưa tuổi thọ bình quân của người Việt Nam lên 74 tuổi.

Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo công tác giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh. Với chức năng là cơ quan trực tiếp quản lý về sản xuất nông nghiệp, bản thân lãnh đạo Bộ NN và PTNT, từ bộ trưởng đến các thứ trưởng, các đơn vị chức năng đã theo sát các Đoàn giám sát, tiếp thu ý kiến về các tồn tại, hạn chế của ngành. “Chúng tôi coi đây là một cơ hội cho ngành để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tái cơ cấu nông nghiệp. Không chỉ chờ QH ban hành Nghị quyết, mà những vấn đề phát hiện ra khi đi theo Đoàn giám sát thì bộ đã xem xét chỉnh sửa ngay” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bộ trưởng cho biết hoạt động quản lý phân bón cũng là một trong những vấn đề rất bức xúc. Hiện nay, hằng năm Việt Nam dùng 8-10 triệu tấn phân bón vô cơ, trong khi tỷ lệ phân hữu cơ rất ít. Trước đây, lĩnh vực phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản lý. Bộ NN và PTNT quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Việc hai bộ cùng quản lý lĩnh vực phân bón đã nảy sinh nhiều bất cập, chồng chéo. Sau khi QH có ý kiến tập trung quản lý phân bón về một đơn vị, Chính phủ đã quyết định chính thức giao Bộ NN và PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về phân bón. Bộ đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Công thương, dự kiến trong quý III-2017 này sẽ hoàn thành và trình Nghị định về quản lý phân bón và xử phạt trong quản lý phân bón, hướng tới tập trung quản lý theo hệ thống./.

Theo tapchicongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com