Xem xét ba dự án Luật và thảo luận Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

07:05, 29/05/2017

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 26-5, tại hội trường, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành phiên họp của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.

Báo cáo nêu rõ, hiện tại, qua rà soát có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan quy hoạch để phù hợp dự án Luật Quy hoạch. Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý khoản 1 Điều 69 của dự thảo luật theo hướng Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Tham gia ý kiến thảo luận về nội dung này, đa số các đại biểu tán thành nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Các đại biểu QH Trần Thị Dung (Điện Biên), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cùng một số đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về việc sẽ có nhiều luật cần sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến quy hoạch. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, về số lượng, các luật cần sửa đổi theo danh mục là 32 luật, nhưng qua rà soát số lượng không chỉ dừng ở con số 32 luật, mà có khoảng 50 dự án Luật cần sửa liên quan. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển, qua rà soát, ngoài 32 luật theo danh mục nêu, vẫn còn một số luật, pháp lệnh như Luật Xuất bản, Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng... cũng có quy định về quy hoạch. Nếu theo quy định tại Điều 69 của dự thảo luật thì những quy hoạch này vẫn tồn tại, việc không sửa đổi các luật, pháp lệnh này sẽ không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến về những nội dung của dự thảo luật, các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) và một số đại biểu bày tỏ quan điểm dự án Luật lần này cần có quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ có thể xảy ra trong công tác quy hoạch. Đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung mục tiêu của hoạt động quy hoạch phải vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuân thủ theo quy định của luật này, quy định của pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Đại biểu Nguyễn Bắc Việt có ý kiến, nên bổ sung nội dung quy định để hạn chế tình trạng lộ, lọt ý định quy hoạch trước khi cấp thẩm quyền phê duyệt và trước khi hình thành dự thảo quy hoạch dẫn đến hiện tượng đầu cơ, trục lợi.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, các đại biểu QH đưa ý kiến tranh luận về tính khả thi của luật, theo đó Điều 69 dự thảo quy định hiệu lực thi hành luật từ ngày 1-1-2019. Thời gian từ khi luật được thông qua cho đến luật thi hành còn hơn 16 tháng. Theo quy định trong Phụ lục 2 của dự thảo phải sửa đổi 32 luật mà phần lớn các nội dung luật này chưa có trong dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018. Các đại biểu kiến nghị QH và Chính phủ cần chỉ đạo và xem xét kỹ về thời gian để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phản biện về quy hoạch, vì đây là một kênh quan trọng trong quá trình quy hoạch. Nên nghiên cứu quy định thêm vấn đề phản biện khoa học và việc tổ chức phản biện khoa học trong dự thảo luật. Một số đại biểu đề nghị làm rõ việc lãng phí trong quy hoạch, lãng phí do để quy hoạch treo hay nguồn tiền lập quy hoạch để ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Buổi chiều, QH thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, các đại biểu đồng tình với chủ trương và tinh thần QH ra nghị quyết này, qua đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu, giúp khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay, tăng mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành nghị quyết của QH là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của QH, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn...

Về nội dung Điều 5 trong dự thảo Nghị quyết về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường nêu: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Một số đại biểu cho rằng, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm thì nợ gắn liền với tài sản bảo đảm, khi nợ thì tài sản bảo đảm không được cho phép bán tài sản bảo đảm dưới giá thị trường. Quan trọng hơn làm sao tránh sự lạm dụng trong đấu giá định giá mua bán tài sản, nếu không dễ xảy ra tình trạng trục lợi, cố tình định giá thấp để “ăn” chênh lệch. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu đồng tình cho rằng, việc mua bán nợ xấu phải tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, theo thị trường, trong một số trường hợp cần có tổ chức định giá độc lập. Vì thế, Chính phủ cần báo cáo QH các tình huống có thể xảy ra để ngăn chặn tình trạng nêu trên, không vì xử lý nợ xấu mà gây thiệt hại cho cả chủ nợ...

Một số ý kiến khẳng định nghị quyết này ban hành không phải để hợp pháp hóa tất cả những hoạt động trái pháp luật tạo ra nợ xấu; và về nguyên tắc phải xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về TCTD. Cho ý kiến về phạm vi đối tượng điều chỉnh, Chủ tịch QH nêu nghị quyết này quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD, như thế thể hiện sự công bằng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần được nêu rõ trong nghị quyết theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, đó là không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Về phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nêu trong dự thảo nghị quyết, Chủ tịch QH cho rằng như thế là chưa phù hợp, cần được xác định rõ ràng, làm rõ, cụ thể hơn ngay trong nghị quyết.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) và một số đại biểu cho rằng, trên thực tế, trong quá trình xử lý chủ yếu vướng trong cách giải quyết tài sản thế chấp và thu giữ tài sản thế chấp. Do đó vấn đề xem xét áp dụng thủ tục rút gọn nêu trong dự thảo nghị quyết là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, quy định như trong nghị quyết là chưa đầy đủ, chưa đáp ứng các điều kiện được nêu ở Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Hơn nữa, những quy định nêu trong nghị quyết mặc dù không mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2015, tuy nhiên nội dung ở Điều 7 dự thảo nghị quyết không mang tính khả thi trong thực tiễn, có thể vi phạm quyền và lợi ích của một số cá nhân và tổ chức cùng có giao dịch bảo đảm bằng tài sản. Vì thế, cần tiếp tục rà soát thật kỹ lưỡng những quy định, bảo đảm tính bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia giao dịch dân sự.

Buổi chiều, các đại biểu QH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là giải pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện. Qua đó, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020 đáp ứng nhu cầu thực tiễn của sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới và khắc phục những khó khăn, hạn chế của việc cơ cấu lại các TCTD trong các giai đoạn trước một cách hiệu quả, qua đó góp phần bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống TCTD cũng như nền kinh tế.

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 27-5, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì hội nghị góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. 

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị về vấn đề miễn trừ trách nhiệm tố giác thân chủ của luật sư. “Hài hòa trách nhiệm của người bào chữa và trách nhiệm công dân thì luật sư như thế nào. Nếu tố giác thì xã hội có tẩy chay nghề luật sư hay không. Chúng tôi khẳng định luôn, quy định như dự thảo thì niềm tin của khách hàng với người bào chữa nói riêng và niềm tin của xã hội với nghề luật sư nói chung sẽ mất dần và nghề có thể sẽ thui chột. Cho nên trừ những tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thân chủ chuẩn bị hoặc lên kế hoạch thực hiện thì phải báo ngay, còn tội phạm đã thực hiện thì nên miễn trừ cho luật sư và trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra…”. Một số vị đại biểu QH là luật sư như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm tương tự như đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh.

Tranh luận với đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn nhận, là công dân, ngoài đạo đức nghề nghiệp, luật sư còn phải thực hiện trách nhiệm của công dân nữa. Chủ tịch đề nghị Liên đoàn Luật sư quan tâm thêm đến những nội dung khác nữa trong 500 điều của Bộ luật Hình sự, đừng chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích của ngành mình…

Với kinh nghiệm 8 năm làm luật sư, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ quan điểm ủng hộ Điều 19 vì “Bố, mẹ, anh chị em có trách nhiệm tố giác tội phạm là người thân của mình trong một số trường hợp, thì luật sư cũng phải có trách nhiệm đó. Luật chỉ giới hạn phải tố giác ở tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng là phù hợp. Trách nhiệm của luật sư vừa là bảo vệ thân chủ vừa là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh so với Điều 22 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì luật sư đã được miễn trừ trách nhiệm thêm với các tội phạm nằm trong 70 khung hình phạt, trước là 179 khung hình phạt, đến Bộ luật Hình sự 2015 chỉ còn 109 khung hình phạt.

Kết thúc nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị “cơ quan soạn thảo, thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với Liên đoàn Luật sư” để thiết kế, hoàn thiện điều luật.

Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, có 2 luồng ý kiến khác nhau là: Thống nhất với nhau về việc phải xử lý nhân đạo hơn với trẻ em, không thiên về hình phạt mà thiên về giáo dục, răn đe; nhưng các đại biểu lại có quan điểm rất khác nhau về thế nào là nhân đạo, thế nào là “tốt nhất cho trẻ em”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật pháp là để phòng tránh, ngăn ngừa tội phạm, để làm xã hội lành mạnh hơn và khi vi phạm xảy ra có cơ sở để xử lý. Có nhiều yếu tố cần cân nhắc toàn diện khi quy định vấn đề này, bên cạnh tâm lý lứa tuổi, môi trường xã hội... cũng cần tính đến hậu quả xã hội, hậu quả để lại cho người bị hại, tính cảnh báo răn đe và tính công bằng trước pháp luật… Qua đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thống nhất với đề xuất của Chính phủ phương án 2, tức là trẻ lứa tuổi này không phải chịu trách nhiệm về các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục tranh luận do “nhiều đại biểu nói tán thành với tôi, nhưng lại kết luận ngược tôi”. Ông Nhưỡng phát biểu: “Tôi rất đồng tình là phải xem xét khía cạnh nhân đạo, nhưng khía cạnh nhân đạo trong mối quan hệ giữa kẻ phạm tội với nạn nhân và nhân đạo với chính kẻ phạm tội, ta xem xét khía cạnh nào trước? Như đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã nói, bảo đảm quyền lợi số đông chính là nhân đạo. Nếu đặt con em mình vào vị trí nạn nhân thì chúng ta bảo vệ ai? Nguyên lý pháp quyền là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền được bảo vệ, có tội phải xử lý. Về áp dụng hình phạt, tôi tán thành việc không áp dụng hình phạt nặng với vị thành niên, ưu tiên xử lý qua hòa giải, giáo dục, hạn chế bỏ tù... Nhưng với việc trẻ hóa tội phạm - cả xã hội lên án mà luật pháp chúng ta lại bỏ qua thì không phúc đáp được yêu cầu xã hội”.

Phản hồi ý kiến của đại biểu Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Thái Học nhận định, với tư cách người làm luật, không nên chỉ đặt mình vào vị trí thân nhân người bị hại, mà phải xem xét toàn diện. Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi cần dựa trên thực tiễn tình hình phạm tội từ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của lứa tuổi này như thế nào”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lưu ý là từ trước đến nay trẻ em đủ 14 đến dưới 16 tuổi chưa bị xử lý hình sự với tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, nên đương nhiên không thể có con số thống kê…

Chủ nhật, ngày 28-5-2017, QH nghỉ làm việc.

Hôm nay, thứ hai, ngày 29-5-2017, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Sau đó, QH thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Buổi chiều, QH nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Sau đó, QH thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com