Diễn văn Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh (9-2-1907 - 9-2-2017)

08:02, 10/02/2017

(Do đồng chí Đoàn Hồng Phong,
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh trình bày)

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; 
- Kính thưa các vị đại biểu khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, trong không khí phấn khởi mừng Xuân Đinh Dậu, mừng Đảng quang vinh vừa tròn 87 tuổi; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nội là cụ Đặng Xuân Bảng học rộng, tài cao, tính tình trung trực; đã từng là Án sát, Tuần phủ một số tỉnh, thành. Thân phụ là nhà khảo cứu, viết sách nổi tiếng Đặng Xuân Viện. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Từ hết mực thảo hiền.
 
Đồng chí Trường Chinh được sống trong một ngôi làng Hành Thiện “mỹ tục, thuần phong”, có truyền thống hiếu học. Thuở nhỏ, đồng chí có điều kiện thường xuyên được tiếp xúc với các bậc đàn anh tham gia phong trào Đông Du, nghe bình văn yêu nước của các sĩ phu ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, lại tận mắt chứng kiến quân thực dân Pháp đóng tại đình làng đàn áp dã man phong trào yêu nước… Khi lớn lên, chuyển ra Thành phố Nam Định để học, đồng chí như đã là một hạt giống đỏ được gieo mầm trên mảnh đất cách mạng và nhanh chóng trở thành một nhà cách mạng chân  chính. 
 
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh được mở đầu bằng sự kiện tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu vào năm 1925; khi đó đồng chí vừa tròn 18 tuổi, đang theo học ở Trường Thành Chung - Thành phố Nam Định. Đến năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc bãi khóa đòi truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau cuộc bãi khóa, bị thực dân Pháp đuổi học, đồng chí chuyển lên Hà Nội, thi đỗ vào học ở Trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương.
 
Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên,  một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1929, đồng chí là một trong những người tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Năm 1930, khi mới 23 tuổi, đồng chí đã được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị bắt, kết án 12 năm tù và đày đi ở nhà tù Sơn La. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị; đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí khác được trả tự do. Ra tù, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp tại Hà Nội và là Xứ Uỷ viên Bắc Kỳ. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, đồng chí chuyển vào hoạt động bí mật.
 
Năm 1940, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa I của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là quyền Tổng Bí thư. Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa I, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, chủ bút tờ báo “Cờ giải phóng”, “Tạp chí Cộng sản”, Trưởng ban Công vận Trung ương. Năm 1943, đồng chí bị tòa án binh của thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt tại Hà Nội.
 
Ngày 9-3-1945, sau sự kiện Nhật hất cẳng Pháp, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đến tháng 8-1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc. Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định đường lối kháng chiến kiến quốc.
 
Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí đã cùng với tập thể Bộ Chính trị đề ra những quyết sách chiến lược quan trọng để cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi tới thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân năm 1975.
 
Từ khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội cho đến lúc từ trần vào ngày 30-9-1988, đồng chí Trường Chinh luôn được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó các trọng trách lớn: Năm 1981, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 14-7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 12-1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí xin rút không đảm nhận các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và chỉ làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa từ khoá II đến khoá VII. 

Kính thưa các vị đại biểu khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh rất kiên định, phong phú và sôi động. Với cương vị 3 lần làm Tổng Bí thư, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước; dù bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Phẩm chất đạo đức cách mạng, trí tuệ và tài năng của đồng chí luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh; nhất là ở các bước ngoặt quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.
 
Đồng chí Trường Chinh đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng lần đầu tiên vào năm 1941. Đây là thời điểm dân tộc ta ở trong thời kỳ vô cùng đen tối, đất nước ta trong hoàn cảnh một cổ hai tròng dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân dân ta bị đàn áp dã man, cơ sở cách mạng bị khủng bố, tan rã hàng loạt; cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, bắn giết. Quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, đồng chí Trường Chính đã rời Pắc Bó - Cao Bằng về xuôi trực tiếp chỉ đạo phong trào, đề ra sáng kiến lập hệ thống liên hoàn các An toàn khu.  Ngay sau đêm Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, đồng chí đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và ra chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa. Đồng chí đã cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng chiến lược, nắm bắt đúng thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
 
Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng 8, đất nước ta ở thế ngàn cân treo sợi tóc, chính quyền cách mạng non trẻ bị bủa vây, với bối cảnh thù trong giặc ngoài, thực dân Pháp mưu đồ, dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Nhưng dưới sự chỉ đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư đã cùng với tập thể Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời đề ra đường lối cách mạng, phát động toàn quốc kháng chiến và trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Quan điểm về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của Đảng ta đã được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đây vừa là một tác phẩm quân sự, là cương lĩnh hành động của Đảng ta, vừa là một khẩu hiệu khẳng định niềm tin sắt đá của Đảng ta, nhân dân ta vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Trong Điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, Đảng ta đã khẳng định: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí, nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng 8 đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với các cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, rồi sau đó là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí đã có những đóng góp to lớn, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chiến đấu kiên cường, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Trong công cuộc xây dựng đất nước, Tổng Bí thư Trường Chinh là người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Năm 1986, khi đồng chí Lê Duẩn qua đời, một lần nữa đồng chí Trường Chinh được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm Tổng Bí thư. Đất nước ta lúc bấy giờ đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề; Đảng ta đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6. Trên cương vị Tổng Bí thư, với tầm nhìn xa trông rộng, với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động; đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; đồng chí đã chủ động đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương đổi mới đất nước. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI của Đảng: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”;“Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức chính trị”.
 
Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế là một cống hiến đặc biệt xuất sắc về tư tưởng, lý luận của đồng chí Trường Chinh, đánh dấu bước chuyển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta; là sự vận dụng hết sức sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước ta. Đại hội VI đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta với tư cách là Đại hội của Đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn của sự nghiệp đổi mới mà Tổng Bí thư Trường Chinh là một trong những người đề xuất và khởi xướng.
 
Kính thưa các vị đại biểu khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Qua quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh, chúng ta thấy ở trong đồng chí nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà  hoạt động cách mạng đã hòa quyện vào nhau, đan xen, bổ trợ cho nhau. Không những thế, đồng chí còn là một nhà báo, nhà văn hóa, nhà thơ lớn có đạo đức cao đẹp, có trái tim trong sáng, có tri thức uyên thâm và hành vi mẫu mực.
 
Từ khi tham gia Đảng Cộng sản, đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi để xác lập, địa vị thống trị của hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của đất nước ta. Đồng chí đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp); “Chống chủ nghĩa cải lương”; “Chính sách mới của Đảng”; “Kháng chiến nhất định thắng lợi”; “Bàn về cách mạng Việt Nam”; “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược”… Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí Trường Chinh đã làm rõ và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam. Những lý luận đó đã góp phần định ra đường lối chiến lược của Đảng, đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam.
 
Là một nhà văn hóa lớn, đồng chí thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đều đánh giá đúng tình hình, nêu lên trách nhiệm cụ thể của văn hoá. Hàng loạt tác phẩm cùng các bài viết của đồng chí về văn hóa đã góp phần tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điểm đặc sắc, đúng đắn của Đảng ta về lĩnh vực văn hóa. Nổi bật nhất là những đóng góp của đồng chí trong quá trình soạn thảo Đề cương văn hoá Việt Nam; Báo cáo về Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam... Đây là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và hình thành một nền văn hoá Việt Nam mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Đến hôm nay, những tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị, chứng tỏ vốn tri thức uyên thâm, sức sáng tạo kỳ diệu và tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trường Chinh.
 
Là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam, ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ, những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí đã từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, tiếp đó là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các cơ quan ngôn luận của Đảng như “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”… Đồng chí còn là một nhà thơ lớn với bút danh Sóng Hồng. Thơ của đồng chí luôn mang hơi thở của thời đại, có sức chiến đấu cao, có lòng nhân ái sâu sắc.
 
Kính thưa các vị đại biểu khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Nam Định tự hào là quê hương đã sinh ra đồng chí Trường Chinh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù bận rất nhiều công việc và giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm, hướng về quê hương. Từ năm 1960 đến 1988 đồng chí Trường Chinh có 8 lần về thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định. Trong các lần về thăm, làm việc với tỉnh, đồng chí đã dành nhiều thời gian về cơ sở, tranh thủ gặp gỡ, tiếp xúc với anh, chị em công nhân, cán bộ, xã viên hợp tác xã; lắng nghe ý kiến của mọi người về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; khích lệ, động viên những thành tích đã đạt được của quê hương, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm còn tồn tại, hạn chế.
 
Trong một lần về thăm bà con quê hương, đồng chí nói: “Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm được bà con. Tuy ở xa nhưng trái tim tôi, lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà”. Có thể nói, mỗi bước đi của Đảng bộ và nhân dân Nam Định đều có sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí, từ công tác lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền đến công tác vận động quần chúng, thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Về dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà (tháng 2-1972), đồng chí đã phát biểu: “Sự lãnh đạo của Đảng là hạt nhân lãnh đạo cách mạng. Hạt nhân phải trong sạch và vững mạnh thì mới lãnh đạo được tốt. Cán bộ, đảng viên ta, nói chung là tốt, nhưng trình độ văn hóa, kỹ thuật và sự hiểu biết về quản lý kinh tế, số đông còn thấp. Do đó, phải nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và nghiệp vụ, đồng thời trau dồi đạo đức cách mạng cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, để phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trên lĩnh vực quản lý nền kinh tế quốc dân, từng bước đưa sản xuất quy mô nhỏ, tiến lên sản xuất quy mô lớn xã hội chủ nghĩa”. Những lời chỉ bảo ân cần của đồng chí Trường Chinh trên nhiều lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đến nay vẫn đang là những vấn đề cấp thiết đặt ra và đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định tiếp tục phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển.
 
Ghi nhớ và thực hiện những lời chỉ dặn của đồng chí Trường Chinh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống văn hiến anh hùng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ qua: Quy mô kinh tế được mở rộng gấp hơn 2,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,7 lần; bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt, xây dựng NTM đạt kết quả nổi bật với 73% số xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, góp phần cải thiện đáng kể vị thế, địa kinh tế, tạo diện mạo mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; văn hóa, xã hội có sự phát triển mạnh mẽ; giáo dục - đào tạo 22 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận theo chuẩn, đa chiều giảm xuống chỉ còn 3,91%.
 
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đang dồn sức tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với những hành động thiết thực để đạt được mục tiêu là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; phấn đấu đến năm 2020, Nam Định là tỉnh NTM, có nền công nghiệp phát triển nhanh theo hướng hiện đại” và “Tập trung xây dựng, phát triển Thành phố Nam Định, để từng bước trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”.
 
Kính thưa các vị đại biểu khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh, ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn và phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí, chúng ta càng trân trọng, tự hào, bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đối với đồng chí và mãi mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định sẽ không ngừng học tập và noi theo tấm gương Tổng Bí thư Trường Chinh; nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng Nam Định phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tương xứng với tiềm năng, để xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, góp phần cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta, nhân dân ta, mãi mãi tưởng nhớ và tự hào về Tổng Bí thư Trường Chinh - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, một nhân cách lớn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Nam Định.
 
Nhân dịp đầu Xuân mới Đinh Dậu 2017 và kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định; tôi xin gửi tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị đại biểu, khách quý, các đồng chí, cùng toàn thể bà con gia tộc đồng chí Trường Chinh và nhân dân lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. 
 
Xin trân trọng cảm ơn! 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com