Thành ủy Nam Định đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ địa phương

08:07, 05/07/2016
Đảng bộ Thành phố Nam Định có 92 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc, trong đó có 37 Đảng bộ và 55 chi bộ. Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 14-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thời gian qua, Thành phố Nam Định luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ thành phố và lịch sử Đảng bộ các phường, xã; đồng thời triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương nhằm khơi dậy tinh thần cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.​
Một số ấn phẩm của Đảng bộ Thành phố Nam Định đã xuất bản.
Một số ấn phẩm của Đảng bộ Thành phố Nam Định đã xuất bản.

 Để triển khai và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, Thành ủy Nam Định đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung tinh thần của Chỉ thị 15-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành phố về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng đến cán bộ và nhân dân. Đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn các phường, xã tiến hành sưu tầm tư liệu phục vụ công tác viết lịch sử Đảng. Do đó việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng được các cấp ủy trên địa bàn thành phố triển khai một cách chủ động, nghiêm túc, sáng tạo. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức các ấn phẩm lịch sử cách mạng của các địa phương, Thành ủy Nam Định đã phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các lớp tập huấn cho các đồng chí làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các phường, xã, từ việc xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn, tổ chức các cuộc hội thảo, cho những ý kiến kết luận về những vấn đề nổi cộm và việc thẩm định các công trình lịch sử trước khi xuất bản. Cụ thể như đối với cuốn Lịch sử Đảng bộ Thành phố Nam Định, trước khi tổ chức biên soạn, thành phố rất chú trọng đến công tác sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài những tư liệu thành văn như các báo cáo, chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy được khai thác từ các cơ sở lưu trữ của tỉnh, thành phố và các địa phương, đơn vị có liên quan, Thành ủy Nam Định còn phát động cán bộ, nhân dân, nhất là cán bộ lão thành cách mạng cung cấp tư liệu, kết hợp khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác như hồi ký, hiện vật, di tích... phục vụ cho công tác viết lịch sử Đảng. Đối với lịch sử Đảng bộ các phường, xã, Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, cử cán bộ xuống các địa phương trực tiếp hướng dẫn việc sưu tầm, tập hợp các tư liệu lịch sử; hướng dẫn đề cương và thống nhất đề cương sơ thảo lịch sử địa phương. Sau khi sơ thảo, các đơn vị tiếp tục xin ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh bản sơ thảo của Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trước khi xuất bản. Vì vậy, hầu hết sách lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng các địa phương khi xuất bản đều đảm bảo tính khách quan khoa học; phản ánh được bức tranh lịch sử địa phương một cách đầy đủ, chân thực và sinh động. Nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung tổng kết kinh nghiệm lịch sử nên đã góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, cũng như xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Đến nay, thành phố đã hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương gồm: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Nam Định với 1.100 bản; Lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống các phường, xã với hơn 9.800 bản và công trình nghiên cứu khoa học xã hội “Thành Nam - địa danh và giai thoại” với hơn 1.000 bản…

Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng được Thành ủy Nam Định chú trọng. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Phòng GD và ĐT thành phố biên soạn và đưa vào giảng dạy “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Nam Định” cho các đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng và bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; tổ chức các buổi nói chuyện thời sự cho các đồng chí cán bộ nghỉ hưu trên địa bàn, bí thư các cấp ủy cơ sở. Một số cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức tham quan các di tích lịch sử, gặp mặt truyền thống, toạ đàm, giao lưu giữa các thế hệ cựu chiến binh, cựu quân nhân, cán bộ lão thành cách mạng với thanh, thiếu niên, học sinh... đã tạo nên nhiều kênh thông tin giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cho mọi đối tượng. Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục thành phố đã đưa việc giảng dạy lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy chính khóa trong hệ thống giáo dục của thành phố. Trong đó nhiều trường học đã tích hợp hoạt động ngoại khóa tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm và các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố. Đây là cách giáo dục lịch sử cách mạng trực quan hiệu quả nhất. Vào dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã biên soạn bài viết khái quát về những mốc son lịch sử, những sự kiện lớn trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới của thành phố để tuyên truyền trên Đài Phát thanh thành phố và hệ thống đài truyền thanh các xã, phường. Qua đó đã góp phần giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở địa phương, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. 

Thời gian tới, thành phố tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) tới các cấp ủy Đảng; sơ kết, tổng kết công tác biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tiếp tục sưu tầm những tư liệu, chứng cứ lịch sử trong toàn xã hội để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung trong những lần tái bản sau. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy và học lịch sử trong các nhà trường; tập trung nhân rộng mô hình giáo dục truyền thống lịch sử gắn với các di tích lịch sử địa phương./.
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com