Đảng bộ xã Mỹ Phúc gắn công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội

07:07, 29/07/2016
Là địa bàn tiếp giáp với Thành phố Nam Định, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) có Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần, có Quốc lộ 10, Quốc lộ 38 đi qua, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với quan điểm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, những năm qua, Đảng ủy xã Mỹ Phúc tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tăng cường phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sức mạnh nội lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đảng bộ xã Mỹ Phúc hiện có 267 đảng viên sinh hoạt tại 18 chi bộ. Với mục tiêu tăng cường xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng ủy xã đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong đó coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bồi dưỡng thế hệ cán bộ trẻ để tạo nguồn kế cận; đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra; xây dựng và phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chi bộ đã tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên một cách nghiêm túc, có hiệu quả, nhất là việc tổ chức triển khai, thực hiện, sơ kết, tổng kết Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ủy xã Mỹ Phúc đã xây dựng bổ sung chuẩn mực đạo đức theo gương của Bác để cán bộ, đảng viên thực hiện. Đặc biệt, Đảng ủy xã đã đề ra hai nhiệm vụ cụ thể gồm: “Nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức các hội nghị, các cuộc họp Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể” và “Nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương, hiệu quả công tác của người đứng đầu, của cán bộ, công chức đối với các tổ chức và đơn vị”. Đồng thời tiến hành tổ chức kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc theo 3 nội dung trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đối với tập thể Đảng ủy, từng cấp ủy và đảng viên. Sau kiểm điểm, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch khắc phục sửa chữa những hạn chế, yếu kém; trong đó tập trung vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; tăng cường công tác quản lý đất đai, chỉ đạo kiên quyết công tác dồn điền đổi thửa, quản lý lễ hội… Qua đó đã góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong sạch vững mạnh. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã luôn tập trung lãnh đạo xây dựng, đào tạo, quy hoạch cán bộ đảm bảo sự đổi mới, tính kế thừa và phát triển; thường xuyên cử cán bộ theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, trình độ lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ năm 2015 đến nay, Đảng uỷ xã đã cử 10 cán bộ đi học lớp trung cấp Lý luận chính trị; kết nạp 11 quần chúng ưu tú vào Đảng; cử 25 quần chúng ưu tú đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần tích cực vào việc quản lý giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức của Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Việc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên hằng năm được Đảng bộ thực hiện nghiêm túc, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy xã đã thi hành kỷ luật 7 đảng viên, đề nghị khai trừ 1 đảng viên, xóa tên 2 đảng viên dự bị. 
Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Công Lực, thôn Lựu Phố, chuyên làm nhà giả cổ và các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Công Lực, thôn Lựu Phố, chuyên làm nhà giả cổ và các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, Đảng uỷ xã Mỹ Phúc đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương; khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đảng ủy xã đã lãnh đạo thành công việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyển hẳn sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các hộ dân trong xã đã chuyển đổi tư duy sản xuất, đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: trồng chuối ngự, niễng, tắc kè… Trong phát triển sản xuất TTCN và dịch vụ thương mại, xã đã đề ra nhiều cơ chế khuyến khích tạo thuận lợi cho các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động như hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề; đồng thời đề ra những quy định chung về đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh môi trường và ứng xử văn minh trong kinh doanh thương mại, đặc biệt là kinh doanh trong khu vực lễ hội. Trên địa bàn xã hiện có gần 550 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề mộc, may mặc, dịch vụ vận tải, kinh doanh ăn uống, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm tạo việc làm cho gần 5.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, với lợi thế của địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa (25 điểm di tích, di sản; trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh), hằng năm diễn ra nhiều lễ hội thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước về tham quan, chiêm bái, tìm hiểu văn hóa nên Đảng ủy xã đã chỉ đạo, khuyến khích phát triển kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch; vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của di tích lịch sử - văn hóa gắn với du lịch, lễ hội trong sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND xã đã thành lập ban quản lý đối với các di tích được Nhà nước công nhận, xây dựng đề án quản lý có sự thống nhất từ xã đến các thôn, xóm có di tích trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, đưa công tác quản lý di tích, lễ hội của địa phương đi vào nền nếp. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 300 hộ dân tham gia các hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội… cho thu nhập ổn định. Kinh tế phát triển, xã có điều kiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM trên địa bàn. Trong 5 năm qua, bằng nguồn ngân sách của địa phương, sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, xã đã đầu tư xây mới 20 phòng học cao tầng, các công trình phụ trợ và khuôn viên các trường THCS, tiểu học và mầm non; nâng cấp và xây mới 5 phòng trạm y tế; đổ bê tông gần 30km đường liên thôn; cải tạo, nâng cấp chợ Viềng và các kênh tưới tiêu KC4-2-7, KC4-2-10; xây dựng khu xử lý rác tập trung của xã… với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng.
 
Đồng chí Trần Hữu Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Nhờ tập trung chăm lo công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã Mỹ Phúc đã nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên trong lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã luôn đạt 8%. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 85%, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 15%. Xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2011-2015). Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,76%. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thời gian tới, Đảng bộ xã Mỹ Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những năm tiếp theo./. 
 
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com