Cần làm rõ hơn quyền miễn nhiệm của nhân dân với đại biểu Quốc hội và HĐND

08:03, 18/03/2013

Thực hiện Thông tri số 10-TT/TU, ngày 8-1-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 04-KH/HĐND, ngày 14-1-2013 của HĐND tỉnh; Kế hoạch số 27-KH/HNDT, ngày 11-1-2013 của Ban Thường vụ Trung ương HND Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, HND tỉnh đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua tổng hợp, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã đóng góp trên 5.300 ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, tổ chức qua các hội nghị, buổi sinh hoạt có 4.891 ý kiến; qua thư điện tử có 116 ý kiến và đóng góp trực tiếp có trên 350 ý kiến. Các ý kiến tham gia đóng góp với tinh thần, trách nhiệm cao, thể hiện được sự nghiên cứu kỹ Dự thảo, đồng thời bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, phát huy được trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân đối với việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đa số cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh nhất trí cao về toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; về bố cục và kết cấu, số lượng, vị trí của các chương, điều, khoản và kỹ thuật trình bày của Hiến pháp là phù hợp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm kế thừa Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới, có nhiều điều, khoản tiến bộ và có tầm nhìn gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Cụ thể, các ý kiến đóng góp tập trung vào một số điều như: Điều 2, đề nghị bỏ tập hợp từ “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” và sửa thành: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ở điều 6, đề nghị thay cụm từ: “Thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” bằng cụm từ: “Thông qua các cơ quan nhà nước”. Điều 7, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đề nghị cần bổ sung làm rõ hơn quyền miễn nhiệm của nhân dân đối với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trong điều 10, đề nghị bỏ điều này bởi vì:  Hiến pháp quy định về tổ chức Công đoàn mà không quy định về các tổ chức khác thì không đầy đủ và không bao quát hết các tổ chức chính trị - xã hội khác trong xã hội Việt Nam hiện nay. Còn nếu Hiến pháp quy định về tất cả các tổ chức quan trọng thì nội dung của Hiến pháp quá nhiều không phù hợp là đạo luật cơ bản. Công đoàn cũng là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên chỉ cần quy định về Mặt trận là trong đó đã có cả Công đoàn và các tổ chức khác. Đối với điều 16, tại khoản 2 đề nghị thay cụm từ “không được” bằng cụm từ “nghiêm cấm” và sửa lại là: “Nghiêm cấm lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác…”. Đối với điều 21, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “quyền mưu cầu hạnh phúc” vào sau cụm từ “Mọi người có quyền sống”. Đối với điều 75, đề nghị sửa lại là Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Thực hiện quyền lập hiến; Ban hành luật; Giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật. Bỏ từ “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” là bởi vì điều 74 đã quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, nhưng điều 75 lại quy định Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp… là không thống nhất với nhau. Đổi chữ “làm luật” thành “ban hành luật” là vì trong Hiến pháp cùng thống nhất dùng một thuật ngữ là các cơ quan Nhà nước đều ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có văn bản luật. Đối với điều 124, đề nghị sửa thành: “Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp do Quốc hội hoặc nhân dân quyết định”. Đề nghị bổ sung thêm quyền đề nghị làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vì Hiến pháp của nước nên có thể do các tổ chức có vai trò quan trọng trong xã hội đề nghị (Đảng và Mặt trận). Đối với điều 123, đề nghị thay quy định “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất” thành “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.

Các ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được HND tỉnh tổng hợp báo cáo về HĐND tỉnh, Trung ương HND Việt Nam theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật./.

Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com