HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:03, 15/03/2013

* Sở GD và ĐT góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Ngày 14-3-2013, HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ đã nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện uỷ, UBND một số huyện và đại diện một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu trong tỉnh.

Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Nghĩa châu
Các đồng chí: Phạm Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Trần Lương Bằng, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Nghĩa Châu

Với tinh thần trách nhiệm, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của mình phát biểu nhiều ý kiến có chất lượng, tỏ rõ chính kiến, nhất là về những nội dung quan trọng như: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên tắc tổ chức bộ máy Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, chế độ chính trị, quyền con người, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai… Hầu hết các ý kiến đóng góp của các đại biểu đều nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình hiện nay và cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chuẩn bị công phu và có nhiều nội dung mới. Tên gọi và bố cục các chương, điều của Dự thảo Luật là hợp lý. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc sử dụng các từ ngữ, thuật ngữ ở một số chương, điều, khoản còn chưa thống nhất, rõ nghĩa, cần phải chỉnh lý cho ngắn gọn và dễ hiểu, nhất là trong những nội dung cơ bản về chế độ chính trị, quyền con người, về kinh tế, về khoa học, công nghệ và môi trường.

Tại hội nghị, đã có 15 đại biểu tham gia đóng góp đánh giá chung nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng như góp ý xây dựng cụ thể vào các chương, điều, đề xuất nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung, đồng thời góp ý về những vấn đề liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý của các bộ, ngành, tổ chức và chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Các ý kiến đóng góp đã đề nghị: Ở điều 4 (chương I) về chế độ chính trị, việc khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức đúng đắn nhưng cần bổ sung từ “duy nhất” thành “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội” cho hoàn chỉnh. Trong phần Lời nói đầu của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị sửa cụm từ “mấy nghìn năm lịch sử” thành “hàng nghìn năm lịch sử” cho chính xác hơn. Ở điều 2 của chương I đề nghị bỏ cụm từ “nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân…” thay bằng cụm từ “dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Nội dung của điều 6 (chương I) cần được thêm từ “của mình” vào sau từ “Nhà nước” cho đúng đối tượng, đúng thực tế hơn và nên viết câu này thành “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước của mình bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”. Riêng đối với điều 21 của dự thảo chỉ được viết với một câu quá ngắn gọn là “Mọi người có quyền sống”, đề nghị cần bổ sung thêm cho hoàn chỉnh và dễ hiểu, dễ thực hiện. Ở khoản 1, điều 34 câu “Mọi người có quyền tự do kinh doanh” là chưa chặt chẽ và đề nghị cần thiết phải bổ sung cụm từ “theo luật định” vào sau câu này. Điều 11 (chương I) cũng cần bổ sung cụm từ “Tổ quốc Việt Nam” cho cụ thể hơn. Ngoài ra, ở điều 47 đề nghị thay đổi cụm từ “phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” bằng cụm từ “phản bội Tổ quốc là tội đặc biệt nghiêm trọng” cho đúng với thuật ngữ của ngành tư pháp; ở khoản 3 của điều 32 cần bổ sung một nội dung “người bị xét xử có quyền tự mình được bào chữa”. Điều 9 về MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận đề nghị bổ sung cụm từ “Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp” cho đầy đủ hơn và thay từ “điều kiện” bằng từ “bảo đảm” ở khoản 3 của điều này để viết thành “Nhà nước bảo đảm để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Nội dung của điều 45 có ghi công dân có “quyền tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” là không phù hợp, nên bỏ từ “tự do” và thay bằng cụm từ “lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp cho phù hợp”. Ở điều 50 được ghi “mọi người có nghĩa vụ nộp thuế” là không chính xác và cần được bổ sung cụm từ “theo luật định” vào sau câu này cho đầy đủ hơn. Hiện nay, vai trò của thanh niên rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do vậy Hiến pháp không nên bỏ điều 66 về thanh niên mà nên giữ lại nội dung này và bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: Sau một thời gian làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do HĐND tỉnh tổ chức đã thành công tốt đẹp. Các đại biểu đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng đối với nhiều nội dung chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó đều nhất trí những nội dung cơ bản về chế độ chính trị, về kinh tế - xã hội, về Toà án nhân dân và Viện KSND, về chính quyền địa phương… Và đều khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Sau hội nghị này, các đại biểu sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia đóng góp thêm ý kiến có chất lượng cả về lý luận, kinh nghiệm thực tiễn vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu và của nhân dân ở các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh sẽ được HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan để báo cáo Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Chính phủ theo quy định.

Ngày 12-3-2013, Sở GD và ĐT tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo sở, lãnh đạo công đoàn ngành GD và ĐT; trưởng các phòng GD và ĐT, hiệu trưởng các trường cao đẳng, TCCN, các trường THPT, trung tâm GDTX trong tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao với tên gọi của Hiến pháp và khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu cần thiết để đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến đóng góp trực tiếp và bằng văn bản đã đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm rõ được nhiệm vụ, trách nhiệm, vai trò và sứ mệnh của Đảng đối với tiến trình phát triển của đất nước, dân tộc và nhân dân, đồng thời đảm bảo được vai trò giám sát hiệu quả hơn của nhân dân đối với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Tuy nhiên cần bổ sung, hiệu chỉnh, sửa đổi nội dung một số chương, điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như: việc sử dụng từ ngữ diễn đạt trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần cụ thể hơn, mang tính phổ thông, đại chúng hơn để đảm bảo mọi người dân đều có thể hiểu và tiếp cận được với những nội dung nêu trong Hiến pháp. Đồng thời nên thay đổi vị trí, trật tự một số điều trong dự thảo để đảm bảo bố cục của Hiến pháp logic hơn. Nhiều ý kiến đóng góp nên bỏ cụm từ “trong hoạt động kinh tế - xã hội” ở điều 60 vì chống tham nhũng, lãng phí phải thực hiện trên mọi lĩnh vực. Điều 21 đề nghị sửa “mọi người có quyền sống” thành “mọi người có quyền sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Điều 65 đề nghị sửa “phát triển GD và ĐT, KH và CN là quốc sách hàng đầu” thành “GD và ĐT là quốc sách hàng đầu và ưu tiên phát triển KH và CN”. Ở điều 66, khoản 2 “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng” và bổ sung thêm cụm từ “đào tạo giáo viên”…

Ngoài ra, một số đại biểu có ý kiến về các vấn đề liên quan về quyền con người; về Nhà nước pháp quyền; hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước; vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc; quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng và một số vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển GD và ĐT. Toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị đã được Sở GD và ĐT ghi nhận, tổng hợp, báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh theo kế hoạch./.

Quốc Tuấn Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com