Để Hiến pháp thực sự là của dân

08:03, 12/03/2013

Để xây dựng Hiến pháp của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thì vấn đề quan trọng làm sao phải tập hợp, tập trung được trí tuệ, tâm huyết, ý chí của toàn dân. Hiến pháp của dân phải do dân tự làm nên. Mọi vấn đề liên quan đến đạo luật gốc, đạo luật cơ bản này đều phải thể hiện được ý chí của dân. Xác định vấn đề quan trọng đó, trong tiến trình xây dựng Hiến pháp mới, các kỳ họp Quốc hội trước đó và Quốc hội khoá XIII đã có chuẩn bị kỹ lưỡng từ chủ trương, tinh thần đến nội dung của Dự thảo Hiến pháp mới (từ việc tổng kết, sửa đổi Hiến pháp 1992). Và ngày 23-11-2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (NQ số 38/2012/QH13).

Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân đã nêu rõ mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Có thể nói, việc Quốc hội xây dựng, thông qua để Chủ tịch nước ban hành Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với đạo luật gốc, cơ bản của đất nước trước hết đã là một sự "luật” hoá, sự khẳng định về quyền, nghĩa vụ của mọi công dân, người dân đối với đất nước, thể hiện trách nhiệm đối với Nhà nước của mình - Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhân dân đóng vai trò là trung tâm để xây dựng, làm nên đạo luật gốc này.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (UBDTSĐHP), theo đánh giá của UBDTSĐHP, đến nay, việc lấy ý kiến đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhiều cơ quan, địa phương đã bước đầu tập hợp, tổng hợp các ý kiến của dân. Theo báo cáo của các địa phương, đa số nhân dân tin tưởng, phấn khởi và cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi, đồng thời có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp. Nếu được tiếp thu "gạn đục, khơi trong” thì sẽ có một bản Hiến pháp chất lượng, thể hiện được ý chí nhân dân. Tuy nhiên, cũng qua kiểm tra của UBDTSĐHP cũng đã thể hiện nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến đến từng hộ dân cư, từng người dân ở thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, khu công nghiệp...? Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương vừa qua đã nêu rõ, việc lấy ý kiến cần phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. "Các địa phương tiếp nhận trung thực ý kiến của nhân dân, thể hiện quan điểm đánh giá rõ ràng, không mơ hồ chung chung. Phải có cơ sở lý luận để phản bác lại những quan điểm sai lệch với đường lối của Đảng. Không để lợi dụng việc góp ý kiến cho sửa đổi Hiến pháp mà làm sai lệch đường lối của Đảng, Nhà nước”. Việc góp ý kiến vào bản Hiến pháp vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội thể hiện quyền của mỗi công dân, của mỗi người dân Việt Nam. Nếu mỗi cá nhân, mỗi đơn vị không thực hiện hết quyền, không làm tròn trách nhiệm của mình sẽ là kẽ hở làm phát sinh những khó khăn, vướng mắc, là cơ hội cho kẻ xấu với dụng ý cá nhân, thiếu tính xây dựng lợi dụng. Vấn đề là cần phải minh bạch, phải có tính xây dựng. Ngay cả những ý kiến có thể là trái chiều, nhưng thực chất là ý kiến tâm huyết, xây dựng có lợi cho đất nước, dân tộc nếu không được đưa ra thảo luận, bàn góp cũng đã là sự thiệt thòi chung. Cần xác định việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự vừa là quyền, vừa là cơ hội để mỗi người dân phát huy trí tuệ của mình xây dựng đất nước.

Có thể thấy rằng, thời gian qua bên cạnh một số nơi có cách làm mới, sáng tạo thì không ít nơi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn hời hợt, hình thức. Có nhiều cơ quan tổ chức góp ý sơ sài, thiếu thực chất. Nhiều nơi triển khai chậm. Theo kế hoạch, lẽ ra ngay từ khi Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân được ban hành, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã phải được công bố, các ban, ngành, địa phương đã phải triển khai cho nhân dân, cho mỗi người dân tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu để rồi nghiền ngẫm, trên vị trí, lĩnh vực của mình góp tiếng nói của mình. Thế nhưng, có nơi, có chỗ khi theo kế hoạch đã hết nửa thời gian mới bắt đầu triển khai xuống dân. Trong khi đó, Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân có yêu cầu rất cao. Phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Việc tổ chức lấy ý kiến phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết  kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác... Với yêu cầu như trên, rất cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành công phu, yêu cầu sự đặc biệt quan tâm của mỗi đơn vị, cá nhân, nhất là những người có trách nhiệm.

Để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự đi vào thực chất, để xây dựng một bản Hiến pháp thực sự do dân, của dân, trước tình hình chung, ngày 6-3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Công văn số 250 về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết, trong đó đã nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến. Và công điện nêu rõ việc đóng góp ý kiến của dân tiếp tục cho đến 30-9-2013, trước khi Dự thảo được trình Quốc hội thông qua. Với một thời gian còn khá dài, với trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi người Việt Nam, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm tiếp cận, nghiên cứu kỹ lưỡng, có chính kiến của mình. Mọi vấn đề đưa ra có lợi cho đất  nước, cho dân tộc cần được tiếp thu, trao đổi kỹ càng, kể cả cần phải lấy ý kiến chung để nhân dân cùng phúc quyết.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đưa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên Chương II, ngay sau Chương I - Chế độ chính trị, với nhiều điều khoản mới đã thể hiện sự đặc biệt quan tâm, chủ trương nâng cao hơn nữa quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước ta. Mỗi cá nhân, đơn vị phải thể hiện hết trách nhiệm và mỗi người Việt Nam trước hết phải thể hiện quyền, trách nhiệm đóng góp vào bản Hiến pháp của mình./.

Theo daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com