Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

08:02, 26/02/2013

Ngày 25-2-2013, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong CNVCLĐ và các cấp công đoàn trong tỉnh.

Việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, tập hợp trí tuệ, tâm huyết, nguyện vọng của CNVCLĐ, tạo sự đồng thuận của CNVCLĐ và hệ thống công đoàn trong tỉnh về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời thông qua việc tổ chức lấy ý kiến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi CNVCLĐ và hệ thống công đoàn trong việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Tại hội nghị có 15 ý kiến đóng góp tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành và công đoàn cơ sở trực thuộc. Các ý kiến tham gia tập trung vào việc đánh giá chung về dự thảo Hiến pháp năm 1992, ý kiến cụ thể về nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ý kiến về bố cục và kết cấu, vị trí của các chương, điều, khoản của dự thảo, về ngôn ngữ diễn đạt và kỹ thuật xây dựng của các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung các ý kiến tại hội nghị đều nhất trí cao với sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như tên gọi và bố cục các chương, điều của dự thảo sửa đổi Hiến pháp và đã góp nhiều ý kiến khá toàn diện về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Đối với các ý kiến tham gia đóng góp trực tiếp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại hội nghị, ý kiến đóng góp của LĐLĐ Thành phố Nam Định cho rằng: tên gọi của Hiến pháp và bố cục của Dự thảo Hiến pháp có 11 chương 124 điều, giảm 1 chương 23 điều, sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung mới 11 điều là phù hợp. Ở khoản 2 điều 8 của dự thảo Hiến pháp nên bổ sung thêm từ “trách nhiệm” vào câu: “Cán bộ, công chức, viên chức cần phải tôn trọng, có nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”. Ngoài ra, ở điều 17 khoản 1 nên sửa thành câu: Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. LĐLĐ huyện Xuân Trường đánh giá chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề nghị dự thảo cần làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề về khẳng định chính thể của nước ta là nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ngoài ra, ý kiến cụ thể về nội dung đề nghị ở khoản 2, điều 9 về MTTQ Việt Nam “Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc…” cần bổ sung thêm cụm từ “đoàn kết quốc tế” và ở điều 10 về tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị được sửa thành “tổ chức công đoàn có quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Ý kiến đóng góp của công đoàn ngành Công thương nhất trí cao với điều 10 trong dự thảo Hiến pháp đó là “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội”… đồng thời đề nghị nội dung của dự thảo cần tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân và địa vị pháp lý của Nhà nước. Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp, LĐLĐ huyện Trực Ninh đề nghị ở điều 10 về Công đoàn Việt Nam, vì công đoàn đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động nên đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm từ “chính đáng” vào sau cụm từ “lợi ích hợp pháp” và ở điều 21, chương 2 đề nghị sửa câu “Mọi người có quyền sống” sửa thành “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…

Các ý kiến đóng góp tại hội nghị, LĐLĐ tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ để báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam và HĐND tỉnh vào cuối tháng 2-2013./.

Phạm Quốc Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com