Huy động trí tuệ toàn dân xây dựng Hiến pháp

05:01, 05/01/2013

Từ ngày 2-1, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bắt đầu đóng góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong xã hội nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I (1946). Ảnh: TL
Bác Hồ bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I (1946). Ảnh: TL

Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, liên quan trực tiếp đến cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhằm phát huy đầy đủ và sâu sắc dân chủ xã hội chủ nghĩa, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ra Chỉ thị số 22-CT/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Nghị quyết của Quốc hội, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thực hiện từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước, là bản khế ước phản ánh ý chí chung của toàn xã hội về những vấn đề quan trọng của một quốc gia. Về bản chất, Hiến pháp điều chỉnh mọi loại quan hệ chủ đạo, có tính nguyên tắc và tính nền tảng nhất. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần phải dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, triển khai theo một quy trình, thủ tục đặc biệt và tuân theo các nguyên tắc nhất định. Để có bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ nhiều tháng qua, các chuyên gia pháp luật, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng của Nhà nước đã nghiên cứu, khảo sát, chuẩn bị công phu. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã có sự kế thừa những giá trị khoa học về nội dung và kỹ thuật lập hiến trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Bên cạnh đó, trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 còn bảo đảm sự kế thừa những thành tựu về luật Hiến pháp của các nước trên thế giới, làm rõ mối quan hệ giữa Hiến pháp với các cam kết và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là trong trường hợp các điều ước quốc tế trái với quy định của Hiến pháp Việt Nam.
Hiến pháp là sự kết tinh trí tuệ của dân tộc trong lịch sử lập hiến, vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp rất cần có sự đóng góp trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và toàn xã hội. Nghị quyết của Quốc hội đã nhấn mạnh: “Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Trong lịch sử lập hiến của nước ta, trong quá trình xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vào năm 2001 đều đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các cấp ủy Đảng cần đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ để quán triệt trong toàn thể đảng viên về mục đích, quan điểm, định hướng trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Các địa phương, cơ quan, đơn vị phải động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh đầy đủ và chính xác các ý kiến của nhân dân.

Để Hiến pháp thực sự là kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hãy hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com