Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người

09:12, 28/12/2012

LTS: Ngày 26-12-1972, trong lúc cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và một số thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam ở giai đoạn ác liệt nhất, trên trang 1 Báo Nhân Dân đã đăng bài xã luận với tiêu đề: Hà Nội, Thủ đô của phẩm giá con người của nhà báo THÉP MỚI, lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã gây xúc động trong lòng người đọc. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài xã luận nói trên.

Khi quân viễn chinh Mỹ kéo cả nửa triệu vào miền Nam Việt Nam, những nhà văn hóa có lòng tự tôn dân tộc Sài Gòn ném vào mặt bọn xâm lược một cuốn sách nhan đề Người Việt cao quý, khắc họa ý chí, bản sắc và phong cách tâm hồn dân tộc này. Cuốn sách đó, sinh viên Việt kiều ở Tây bán cầu dịch ra tiếng Anh có nhiều người đọc.

Bọn cuồng chiến ở Nhà trắng và Lầu năm góc không hiểu được vì không quen ngôn ngữ của người. Chúng chỉ cậy ngôn ngữ của bom đạn mà thôi.

Năm 1972, đối với bọn xâm lược đầu sỏ là năm của lưỡi không xương và tiếng sủa càn của bom máy bay B.52. Kết hợp với đường lối ngoại giao lắt léo, con chủ bài máy bay B.52 của các bọn chiến lược quân sự Mỹ được tung ra hết mức, những định hủy diệt cả dân tộc này.

Theo tài liệu về cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương của Mỹ do Trường Đại học Coóc-nen nghiên cứu và xuất bản, siêu pháo đài bay B.52 lúc đầu sáng chế ra để ném bom nguyên tử. Theo một Đại tá Mỹ J.Đô-na-van, "vì chiến tranh hạn chế" trở thành một "điều" mới trong tổ chức quốc phòng, bộ chỉ huy không quân chiến lược nhảy xổ vào phương tiện này và thiết kế những thùng chở bom sắt mang chất nổ thông thường cho B.52. Cuộc oanh tạc đầu tiên tiến hành tháng 6-1965 tại Hố Bò (Bắc Biên Hòa). Sau lần ném bom đó, bộ binh địch tiến vào khu vực mục tiêu không tìm thấy một chứng cớ nào về bất cứ một thương vong nào của Quân giải phóng, không tìm thấy một thiệt hại có ý nghĩa nào đối với các cơ sở. Tại sao những cuộc oanh tạc đó vẫn tiếp tục và tăng cường? Chúng ta biết rằng hơn một nửa số bom Mỹ hàng chục triệu tấn giội xuống miền Nam yêu thương của ta là từ trên các máy bay B.52 bấm nút đạp xuống.

Phố Khâm Thiên sau 40 năm bị rải thảm bom B.52 nay trở thành một trong những khu phố thương mại sầm uất của Thủ đô. Ảnh: Hải Linh
Phố Khâm Thiên sau 40 năm bị rải thảm bom B.52 nay trở thành một trong những khu phố thương mại sầm uất của Thủ đô. Ảnh: Hải Linh

Tài liệu của Trường Đại học Mỹ Coóc-nen trả lời: "Những cuộc ném bom đó không phải nặng về mặt giành hiệu quả quân sự trực tiếp mà nặng về tác động tâm lý và chiến lược". Nói theo nghĩa đen, đó là khủng bố, dã man và khủng bố. Tạp chí Đại học không quân Mỹ viết: "Máy bay B.52 là chống nổi dậy từ trên cao 3 vạn thước Anh". Khi mới ném máy bay B.52 từ Gu-am vào chiến trường, bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn cho rải cùng khắp miền Nam một thứ truyền đơn quảng cáo, về đủ một trăm trái bom đen kịt, với lời hăm dọa kiểu găng-xtơ: "Vùng nông thôn này có thể tan biến đi dưới cơn lốc của chất nổ mạnh".

Vì cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không tan biến đi dưới bom của B.52 dùng với mật độ và cường độ mạnh nhất, gió của nó cứ cuốn lòng người, sóng của nó cứ trào bốn biển, cho nên Ních-xơn leo thang chiến tranh man rợ, giơ con ngáo ộp B.52 ra dọa nhân dân ta. Chúng không chỉ dọa mà thôi. Chúng đã giội bom B.52 liên tục xuống khu 4, vùng ven của tiền tuyến lớn. Và ngay từ ngày 16-4, chúng đã giội bom B.52 xuống Hải Phòng trước khi thả mìn phong tỏa các cửa biển của chúng ta. Nhìn những vệt dài hố bom B.52 ở Hải Phòng, phóng viên Mỹ An-to-ni Li-uýt phải điện ngay về nước: "Nhiều thế hệ Mỹ phải lo cho tâm hồn của mình".

Kẻ ăn tết Nô-en bằng máu người thì làm gì có tâm hồn. Chà đạp lên lương tâm người Mỹ, Ních-xơn vừa tiến hành đàm phán vừa ném thêm bom B.52 xuống hai miền Nam Bắc nước ta. Hắn gọi bom đó là thông điệp của hắn. Kết hợp với bom từ sau ngày 8-5, cả một bộ máy chiến tranh tâm lý khổng lồ hướng suốt ngày đêm vào thần kinh chúng ta, đem bom B.52 ra dọa.

Bạn bè trên thế giới nhiều người mùa hè vừa qua lo lắng. Những bạn giàu niềm thông cảm đến chia bom với chúng ta, những tháng đầu của cuộc leo thang tội ác của giặc Mỹ thường hỏi thăm chúng ta: "Bom B.52 ném xuống Hà Nội thì làm thế nào?". Đây là câu trả lời của một nữ đồng chí tự vệ bình thường người Hà Nội, nhân viên phục vụ khách sạn Thống Nhất, mà bạn bè quốc tế còn nhắc mãi: "Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là con người".

Con người Hà Nội không sập được. Đó là lập trường sống và chiến đấu rất tự nhiên của tất cả mọi người con của Hà Nội.

Và Hà Nội đã trở thành thủ đô của phẩm giá con người. Con người, như M.Goóc-ki hằng ca ngợi, cái tên đó mới vang lên kiêu hãnh làm sao!

Cuộc tiến công tổng lực bằng máy bay B.52 và máy bay F.111 - hai chủ bài lớn của không lực Huê Kỳ - vào một thủ đô đông dân của một nước là một thử thách chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới. Đối với Hà Nội ta, một tuần qua là một thử thách toàn dân, toàn diện, về cả tổ chức và tư tưởng. Và chỉ có vươn lên mới biết hết sức mình.

Chúng ta có quyền tự hào chính đáng về những đòn phủ đầu trừng trị đích đáng bước leo thang đến tột cùng tội ác của bè lũ Ních-xơn. Chúng ta tự hào phát hiện ra qua thử thách biết bao nhiêu khả năng tiềm tàng không bờ bến của cuộc chiến tranh nhân dân trong một thành phố lớn. Nhưng điều làm cho chúng ta tự tin vô hạn chính là thấy rõ hơn bao giờ hết trong lòng mỗi người chúng ta và bên cạnh chúng ta một sức mạnh tinh thần mà không một thứ vật chất nào có thể so sánh được.

Một nhà báo Pháp viết về Hà Nội năm 1972: "Một thành phố luôn luôn sôi động và hài hòa, tài giỏi và bình thản". Bom của máy bay B.52 những ngày vừa qua làm rung chuyển đến tận rễ sâu lương tâm thời đại, không lay động được mảy may cái hài hòa và bình thản rất Hà Nội đó. Nơi Xin-han, nhà văn Mỹ, trong bài tựa cuốn sách nghiên cứu về chiến tranh không quân Mỹ ở Đông Dương của Trường Đại học Coóc-nen: "Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc". Nói chính xác hơn, đây là thắng lợi của văn minh chống bạo tàn, chính nghĩa thắng phi nghĩa, bạo tàn và phi nghĩa lộng hành một cách man rợ dưới những hình thức tệ hại nhất càng đi tới những điểm tột cùng của sa đọa.

Điều cực kỳ ghê tởm là tội ác đi kèm tráo trở, thói lật lọng con buôn kết hợp với tính trâng tráo của kẻ hung đồ. Thấy chúng ta giàu thiện chí, bọn xâm lược khốn kiếp tưởng rằng chúng ta mềm yếu. Chúng tung màn khói lạc quan giả tạo đến cùng để lừa chúng ta chùng gân. Chúng đã lầm to. Những con người đầy quyết tâm xây dựng một xã hội mới trong đó con người sống với nhau trung thực, từ bà già đến em nhỏ, không một ai trong chúng ta không phẫn nộ trước kẻ đảo điên ngoan cố đến cuồng loạn. Ngay đến báo Pháp Thế giới, số mới đây trong tin điện từ Oa-sinh-tơn về, cũng phải nói không úp mở những kẻ ra lệnh ném bom Hà Nội bằng máy bay B.52 là những kẻ cầm quyền vô liêm sỉ nhất thế giới. Người Việt Nam trọng đạo lý và tín nghĩa có bao giờ sợ những thế lực điên rồ mù quáng và đốn mạt. Chúng ta không chấp nhận luật rừng xanh của loài lang sói. Dũng khí của chúng ta mạnh lên gấp bội vì sự vững vàng của những con người chính trực.

Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội, đó là tổng hợp tất cả những cái gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quý. Người Hà Nội đã học cái hào khí chỉ chờ dịp là bùng nổ của Sài Gòn và Huế bất khuất, cái lạc quan trong sáng của Củ Chi đất thép, cái quật khởi của đồng bằng sông Cửu Long đang nổi dậy, cái kiên cường của dải đất chân núi Trường Sơn, cái kiên trì không bờ bến của Tây Nguyên, gan vàng dạ sắt của những người làm nên những sự tích anh hùng ở đường số 13 và Quảng Trị. Hà Nội khơi dậy tự trong lòng mình sức trẻ mới của một xã hội đang đi lên kết hợp với truyền thống nghìn xưa quyện trong không khí và mỗi tấc đất thấm máu anh hùng của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.

Chiến đấu là có đau thương, Người Hà Nội trước hết nghĩ đến cả nghìn Sơn Mỹ ở miền Nam, nghĩ đến Sài Gòn, Huế đang nghẹt thở dưới bạo lực phát xít, nghĩ đến con em chúng ta đang anh dũng xông lên trên tất cả các mặt trận, nghĩ đến bao nhiêu người con yêu của dân tộc đang giữ vững lòng trung ở những lao chuồng cọp. Người Hà Nội nghĩ đến Nguyễn Thái Bình, người con của Sài Gòn, với lời nói cuối cùng của anh bảo thẳng vào mặt Ních-xơn: "Tôi biết rằng tiếng nói của tôi không át được tiếng gầm rú của máy bay B.52... Trái bom duy nhất của tôi là trái tim tôi". Và Hà Nội thấy rằng mình phải trả thù cho tất cả, xứng đáng với tất cả.

Một nhà báo nước ngoài gần đây viết về cuộc chiến đấu của dân tộc ta: "Xưa nay chưa từng có một dân tộc nào nhỏ như vậy lại có một trọng lượng như vậy đối với lịch sử".

Một thủ đô bao giờ cũng có một trọng lượng nhất định đối với đời sống một dân tộc.

Người Hà Nội nhận thức rõ điều đó.

Sài Gòn ơi, Hà Nội viết tiếp những trang sách lớn vào cuốn sách mà đồng bào đồng chí Sài Gòn đã viết. Những trang sách lớn về con người Việt Nam chúng ta cao quý./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com