Quân và dân Nam Định kiên cường chiến đấu bảo vệ khu du kích, chặn đánh địch càn quét

09:12, 27/12/2012

Ngày 23-2-1952, địch bỏ Hoà Bình rút chạy. Cùng với thất bại ở Hoà Bình, việc bình định của địch trong năm 1951 bị phá vỡ. Âm mưu của tướng Đờlát Đờ Tátxinhi định giành lại thế chủ động tiến công trên chiến trường Bắc bộ không đạt được... Tình thế đó buộc địch phải làm lại công việc "bình định" mà chúng đã thực hiện một phần trong năm 1951. Chúng lại mang quân chủ lực về càn quét đồng bằng, nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta, khủng bố nhân dân, vơ vét tài sản, bắt thanh niên bổ xung quân số thiếu hụt, dựng lại bộ máy nguỵ quyền.

Từ giữa năm 1952, ngoài việc thường xuyên tổ chức càn quét cỡ đại đội, tiểu đoàn thực hiện âm mưu lấn chiếm, bình định, địch còn tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, dài ngày với cường độ vô cùng ác liệt trên địa bàn Nam Định. Đó là cuộc càn lấy tên Bờrôtanhơ (Bretagne) vào các khu du kích phía nam tỉnh trong tháng 11, tháng 12 năm 1952. Thực dân Pháp đã huy động 21 tiểu đoàn thuộc 5 binh đoàn cơ động, 50 khẩu pháo lớn, 550 xe cơ giới các loại, 22 máy bay, 8 tàu chiến, càn quét liên tiếp vào các huyện phía nam tỉnh.

Từ 28-5 đến 27-7-1953 địch cho 7 tiểu đoàn lính Pháp và nguỵ quân phối hợp với lực lượng tề, dõng địa phương càn quét, cướp phá huyện Giao Thuỷ, đốt cháy trên 1.000 tấn thóc, bắn chết 400 trâu bò, bắt gần 1.000 thanh niên, cấm không cho dân cày cấy xung quanh vị trí, đưa giáo dân đi cướp của lương dân nhằm gây lại tình trạng lương giáo xung đột như hồi cuối năm 1949. Từ 31 - 7 đến 21 - 8 - 1953 chúng lại tập trung 13 tiểu đoàn bộ binh, 5 tàu chiến, 21 canô mở trận càn mang tên Tarangteđơ vào Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Từ các chốt, địch toả ra tàn phá các thôn xóm, bắt 5.000 thanh niên, lập thêm 3 tiểu đoàn "khinh quân". Chúng khủng bố một cách khốc liệt ở ngay những nơi tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Điển hình như vụ địch bắn một lúc 40 thanh niên ở Văn Giáo (Nghĩa Hưng), tàn sát 17 người là cơ sở kháng chiến ở Tang Điền (Hải Hậu) hòng uy hiếp tinh thần yêu nước của giáo dân. Cuối tháng 11 - 1953 thực dân Pháp lại đưa về 4 binh đoàn cơ động, 4 tiểu đoàn "khinh quân", trên 300 xe cơ giới mở cuộc càn Bidông vào 4 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh...

Mặc dù lực lượng không cân sức, quân và dân trong tỉnh vẫn kiên cường chiến đấu để bảo vệ khu du kích, chống địch bình định, tranh thủ mọi điều kiện có thể tập hợp các lực lượng quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, giải phóng đất đai, thu hẹp vùng chiếm đóng của chúng; phối hợp với bộ đội chủ lực chặn đánh địch càn quét làm cho địch tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, như trận tập kích trại huấn luyện Vạn Bảo ở thành phố Nam Định ngày 28-4-1953, diệt gọn 1 tiểu đoàn, bắt 500 tên địch. Trận tập kích địch ở Đỗ Xá (Nam Trực) tháng 7 - 1953 tiêu diệt 160 tên trong đó có tên thiếu tướng Gilít (Gilles), chỉ huy cuộc càn. Nổi lên trong thời gian này là những đội du kích ở vùng Thiên Chúa giáo đã trưởng thành nhanh chóng, dũng cảm đánh địch lập nhiều thành tích xuất sắc: Du kích xã Hải Xuân (Hải Hậu) trong một ngày đánh 13 trận; Du kích xã Hồng Phong (Nghĩa Hưng) độc lập tác chiến đánh địch càn quét vào xã, diệt một đại đội và bắt sống một số tên... Vì vậy bộ máy nguỵ quyền và hệ thống tề dõng của địch bị phá từng mảng. Khu du kích và căn cứ du kích rộng lớn ở địa phương được giữ vững và phát triển lực lượng vũ trang địa phương trưởng thành. Cơ sở kháng chiến ở nhiều nơi, kể cả vùng tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa cũng được củng cố và phát triển.

Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 quân dân Nam Định đã tạo được thế và lực mới cho cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Tới trước chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân dân Nam Định đã có bước trưởng thành nhanh chóng. Sự phối hợp giữa ba thứ quân ngày càng nhịp nhàng, càng đánh càng mạnh, làm cho địch phải lùi vào thế bị bao vây uy hiếp nghiêm trọng. Đáng chú ý là lực lượng du kích ở các địa phương, trong đó có nhiều đội du kích vùng Thiên Chúa giáo phát triển mạnh cả về số lượng, trang bị và khả năng độc lập tác chiến tiêu biểu như du kích xã Hồng Phong (Nghĩa Hưng) đã đánh trên 100 trận. Theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian này quân dân Nam Định đã đánh địch gần 1.600 trận, tiêu diệt 9.000 tên địch, phá huỷ 76 xe cơ giới, bắn cháy 2 máy bay, 8 tàu chiến, thu gần 1.000 súng và nhiều quân trang, quân dụng khác.

Vừa tổ chức toàn dân chống càn, Đảng bộ Nam Định vừa chú ý phát động quần chúng phá hoang, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm. Chính quyền các địa phương đã quyên góp được hơn 1.000 tấn thóc cứu đói lúc giáp hạt, tạm giao, tạm cấp hàng ngàn mẫu ruộng cho nông dân nghèo cày cấy; chỉ đạo tích cực thi hành chính sách giảm tô, đem lại quyền lợi chính đáng cho người nông dân. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, chúng ta vẫn cố gắng duy trì các hoạt động y tế, giáo dục, chăm lo sức khoẻ cho nhân dân và tạo điều kiện cho hàng ngàn em học sinh tới lớp. Phấn khởi trước những quyền lợi do cách mạng đem lại, nông dân giáo cũng như lương hăng hái tham gia sản xuất, chiến đấu và thực hiện nghĩa vụ đóng góp thuế nông nghiệp, dự trữ lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, bộ đội kháng chiến và cung cấp cho chiến trường.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

        



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com