Phong trào rào làng kháng chiến ở Nam Định (1947-1949)

08:12, 18/12/2012

Về xây dựng lực lượng, các đội quân du kích xã vừa tác chiến, vừa xây dựng đã trưởng thành nhanh chóng, có kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ xóm làng. Đến tháng 9-1949, du kích toàn tỉnh có hơn 45.000 người (gấp hơn hai lần so với năm 1948). Phong trào tòng quân giết giặc cứu nước sôi nổi ở khắp các địa phương. Số thanh niên ghi tên tòng quân trong năm 1949 lên tới gần 9.000 người. Bộ đội địa phương từ một đại đội Đề Thám đến tháng 3 - 1948 đã xây dựng thêm tiểu đoàn Duyên Hải. Cuối năm 1949, đã có 20 trung đội du kích tập trung ở các huyện. Các cơ quan quân sự như tỉnh đội, huyện đội, xã đội đều được củng cố và kiện toàn giúp cấp uỷ lãnh đạo công tác quân sự đi vào nền nếp.

Phong trào rào làng kháng chiến ngày càng phát triển ở các địa phương. Đến tháng 10-1949, đã xây dựng được 90 làng chiến đấu, đào 17.180m hào giao thông, 23.263 hố chiến đấu cá nhân, 1.841 hầm bí mật, đắp 9.470 ụ và dựng 249 cổng tre phục vụ chiến đấu. Việc tiêu thổ kháng chiến tiếp tục được đẩy mạnh. Hầu hết các đường giao thông lớn, các cầu cống, thị trấn quan trọng đều bị phá hoại. Việc rào làng kháng chiến tuy còn khác nhau về quy mô, hình thức, song thực chất đã thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc lên một bước mới.

Mặc dù trong điều kiện thời chiến cực kỳ khó khăn, Đảng bộ và chính quyền địa phương vẫn chăm lo bồi dưỡng sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách kinh tế của chính phủ như thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm giao, tạm cấp ruộng đất của việt gian cho những hộ nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng đất để cày cấy. Từ phong trào thi đua ái quốc, Đảng bộ đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc tự cấp. Hai vụ lúa chiêm - mùa năm 1948 đều khá tốt, bình quân mỗi mẫu thu hoạch 6 tạ một vụ, đưa tổng sản lượng năm 1948 lên 227.000 tấn thóc (năm 1947 là 222.000 tấn). Sản xuất muối cũng được mở mang thêm. Sản lượng muối tăng tương đối nhanh, đáp ứng yêu cầu lớn của kháng chiến.

Công nghiệp và thủ công nghiệp cũng được đẩy mạnh như các nghề kéo sợi, dệt vải, dệt lụa ở Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, nghề làm giấy, thuỷ tinh, thuộc da, đúc gang, đồng, làm ngòi bút ở Ý yên, Hải Hậu, Trực Ninh, đã sản xuất được nhiều mặt hàng đáp ứng yêu cầu về đời sống, sinh hoạt và học tập của nhân dân, phục vụ cho sản xuất và chiến đấu.

Trong khói lửa chiến tranh phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển mạnh. Đến tháng 10-1949, toàn tỉnh đã có 250.908 người thoát nạn mù chữ. Các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu đã thanh toán được 80% số người mù chữ. Nền giáo dục phổ thông được chú trọng chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển. Toàn tỉnh có 341 trường tiểu học với 16.789 học sinh. Ngoài trường trung học Nguyễn Khuyến đã có thêm 6 trường tư thục: Nguyễn Trường Tộ, Nam Hải (Hải Hậu); Nội Hoàng, Trí Thành, Trung học Ý Yên (Ý Yên); Quang Trung (Xuân Trường). Đảng bộ còn phát động đấu tranh chống văn hoá nô dịch, đồi truỵ của địch trong vùng tạm chiếm và đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống mới ở vùng địch chưa kiểm soát.

Ngành y tế vẫn duy trì tốt hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội. Năm 1948, tỉnh đã thành lập các ban y tế xã, 8 trạm cứu thương, 30 nhà hộ sinh (đã đỡ cho 2.384 sản phụ). Các huyện đều có phòng phát thuốc, đã phát thuốc cho hàng vạn người bệnh; hàng năm tiêm chủng đậu cho nhân dân. Bệnh viện Dân y của tỉnh được chia làm hai phân viện phục vụ nhân dân. Phân viện ở phía Bắc tỉnh gồm 1 bác sĩ, 6 y tá, 6 hộ lý; phân viện ở phía nam gồm 1 y sĩ, 10 y tá, 10 hộ lý. Năm 1948 bệnh viện đã chữa cho 1.740 người bệnh.

Những kết quả trên đã làm cho đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân trong tỉnh được cải thiện từng bước trong quá trình kháng chiến và kiến quốc, động viên mọi người hăng hái, sản xuất và phục vụ chiến đấu.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com